Bắt tay sản xuất ngay từ đầu năm
Dù mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng không khí sản xuất tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã khá tập nập, khẩn trương. Có mặt tại làng nghề gỗ Vạn Điểm (huyện Thường Tín), dù mới đầu giờ sáng mùng 8 tháng Giêng, nhưng tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ đã rộn ràng. Trên đường vào cụm công nghiệp làng nghề, từng đoàn xe tải cỡ lớn tấp nập vận chuyển nguyên vật liệu đến, rồi chở hàng hóa đi giao.
Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng, huyện Gia Lâm
Chủ tịch Hội Làng nghề gỗ Vạn Điểm Hoàng Kỳ Tài cho biết, làng nghề có trên 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ. Việc mở cửa trở lại giúp nguồn nguyên liệu và sản phẩm được lưu thông, các cơ sở sản xuất trong làng nghề có cơ hội hoàn thành đơn hàng, tránh tình trạng đọng vốn.
Cũng theo ông Hoàng Kỳ Tài, sau những tác động của dịch Covid-19, các cơ sở chế biến ở Vạn Điểm đã triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh các kênh bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm khuyến khích việc duy trì sản xuất tại làng nghề.
Nhờ đó, đơn hàng của các cơ sở không bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, ngay những ngày đầu Xuân, hầu hết cơ sở sản xuất tại đây đã tái sản xuất để trả những đơn hàng nợ đọng trước Tết và hoàn thiện đơn hàng mới.
Tương tự, làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng sớm bắt nhịp sản xuất mới. Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 2, xã Bát Tràng hiện đang có hơn 20 công nhân đã bắt đầu làm việc từ ngày mùng 6 tháng Giêng.
Anh Hùng cho biết, do năm 2021, tình dịch dịch diễn biến phức tạp, công nhân không thể đến làm việc nên nhiều đơn hàng đã ký trước đó phải tạm dừng. Dịp cuối năm mặc dù đã tăng công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ hàng trả cho khách, vì vậy cơ sở phải tranh thủ bắt nhịp sớm với công việc. “Hiện tại, ngoài trả nợ đơn hàng năm cũ, cơ sở của tôi còn ký thêm nhiều đơn hàng mới. Tôi đang có kế hoạch tuyển thêm một số thợ lành nghề để đáp ứng yêu cầu công việc mới” – anh Hùng cho hay.
Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh và hiện đã có 2 làng được công nhận làng nghề sinh vật cảnh là làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên. Những ngày đầu Xuân này, nhiều đoàn khách từ các nơi đã đến địa phương để tham quan, trải nghiệm.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, mỗi năm xã đón khoảng 70.000 du khách tới tham quan khu trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh; trải nghiệm cùng các mô hình trang trại; thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực đồng quê…
Doanh thu từ hoạt động du lịch lên tới hơn 10 tỷ đồng. Năm 2022, để chủ động đón tiếp khách du lịch, từ cuối năm 2021, xã đã chuẩn bị các cơ sở vật như bến bãi, đường giao thông, trang hoàng cảnh quan, tập huấn đón trả khách trong mùa dịch an toàn.
Lạc quan đón cơ hội mới
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, trải qua hơn 2 năm khó khăn do dịch Covid-19, các làng nghề phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như thiếu hụt nhân công, nguyên vật liệu, sản phẩm làm ra lại không có thị trường tiêu thụ…
Chính sức ép của bối cảnh mới đã là đòn bẩy cho sự chuyển biến tích cực của các làng nghề, đặc biệt là chủ động thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Các làng nghề đã phát huy sức mạnh nội sinh để thích nghi, vượt qua nghịch cảnh.
Điều đó thể hiện qua hoạt động giới thiệu mẫu, nhận đặt hàng qua mạng internet... Đây là cách làm thường thấy ở các làng nghề trong mùa dịch Covid-19. Việc đưa sản phẩm lên các chợ online, sàn thương mại điện tử dần phổ biến hơn.
Ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò thương mại điện tử, không ít DN, hộ gia đình đã chủ động thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
Điều đó phần nào cho thấy các làng nghề bước vào kỷ nguyên số không hề lỡ nhịp, trái lại còn có tín hiệu hồi phục mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm đã đứng vững trước những thách thức của nền kinh tế thị trường, và thực sự chiếm được tình cảm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để hỗ trợ việc đưa sản phẩm ra thị trường trong nước, một số làng nghề cũng đã thành lập nhóm thông tin trên mạng để cùng nhau trao đổi về mẫu mã, kinh doanh, sản phẩm nào bán chạy và thị hiếu của khách hàng.