Chậm, lùi tiến độ về đích
Hiện nay, Hà Nội đang song hành thực hiện các nhiệm vụ; với cấp xã là xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; với cấp huyện là xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, một số địa phương bị chậm tiến độ hoặc phải lùi tiến độ hoàn thành mục tiêu.
Năm 2021, huyện Mỹ Đức đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 5 xã còn lại nhưng thời điểm hiện tại chỉ có 2/5 xã hoàn thành các tiêu chí và được đoàn thẩm định của thành phố đánh giá đạt chuẩn là Lê Thanh và Bột Xuyên; 3 xã còn lại là Đồng Tâm, An Tiến, An Phú vẫn còn tiêu chí chưa đạt. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết: Khó khăn nhất là tiêu chí trường học. Xã có 4 trường (2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở) nhưng chưa trường nào đạt chuẩn quốc gia nên chưa đủ điều kiện để đánh giá chấm điểm đạt chuẩn nông thôn mới trong quý III và tiếp tục phấn đấu trong quý IV-2021.
Tại huyện Mê Linh, 2 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao là Đại Thịnh và Liên Mạc phải lùi tiến độ về đích từ năm 2021 sang năm 2022. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, phụ trách Đảng bộ huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Xã Đại Thịnh còn 3 nhà văn hóa thôn chưa triển khai xây dựng, xã Liên Mạc chưa đạt tiêu chí trường học, nỗ lực cao cũng phải sang quý I-2022 mới hoàn thành.
Tương tự, năm 2021, huyện Phú Xuyên phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu kinh phí triển khai dự án nên đến nay các xã mới đạt từ 14 đến 15/19 tiêu chí. Đối với xây dựng huyện nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh cho biết, huyện đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá công nhận huyện nông thôn mới từ giữa năm 2020 và nhiều lần đoàn thẩm định của Trung ương đã tiến hành đánh giá, nhưng do trên địa bàn còn tình trạng đơn thư vượt cấp nên chưa được xét công nhận.
Cần thêm “gói“ hỗ trợ
Ngay sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương của Hà Nội đã tăng tốc triển khai các dự án để đạt mục tiêu đề ra. Đối với huyện Mỹ Đức, đến thời điểm này, nhiều công trình, dự án như đường giao thông, trường học đang được đẩy nhanh tiến độ. Song, có một thực tế là, bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 thì nguồn lực xây dựng nông thôn mới cũng là vấn đề nan giải với nhiều địa phương.
Tại hội nghị giao ban quý III-2021 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, nhiều địa phương đã đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các huyện khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa mong muốn, thành phố sớm có chính sách hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo động lực cho các địa phương vì các xã xây dựng nông thôn mới trước đây đều được hỗ trợ nhưng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì chưa được hỗ trợ.
Cũng về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, phụ trách Đảng bộ huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Huyện còn 2/6 trường trung học phổ thông cần được đầu tư để đạt chuẩn, nhằm đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới, đề nghị thành phố hỗ trợ. Ngoài ra, huyện cũng còn thiếu trụ sở làm việc của Trạm Khuyến nông, thú y và bảo vệ thực vật...
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo các sở, ngành của thành phố, huyện Mỹ Đức tập trung hỗ trợ 3 xã của huyện Mỹ Đức hoàn thành xây dựng nông thôn mới để Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, mặc dù thành phố Hà Nội đã phân bổ nguồn vốn cho các địa phương theo kế hoạch trung hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, thành phố giao Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà, duyệt lại các tiêu chí để đề xuất thành phố có “gói” hỗ trợ riêng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng cần nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên để hoàn thành mục tiêu.