Chung tay bảo vệ động vật hoang dã
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên với Kinh tế & Đô thị.

 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được của công tác bảo vệ ĐVHD trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua?

- Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường giải pháp cấp bách bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD, nhất là các loài có nguồn gen quý hiếm. Hiện tại, Chi cục đã xác định được 232 loài chim hoang dã di cư, trong đó có loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như chim hồng hoàng; xác minh được quần thể 5 con voọc quần đùi trắng ở rừng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Từ đó, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND TP chỉ đạo các quận, huyện ven sông Hồng, UBND huyện Mỹ Đức đưa ra giải pháp bảo vệ, bảo tồn các loại ĐVHD này.

Chi cục cũng chỉ đạo các Hạt kiểm lâm quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, hạn chế tối đa việc lợi dụng gây nuôi để mua bán ĐVHD trái pháp luật. Lực lượng chức năng của Chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động được 3 hộ nuôi nhốt gấu ở huyện Phúc Thọ tự nguyện giao nộp 15 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội còn phát hiện, tịch thu 1.276 cá thể động vật thông thường, 9 cá thể ĐVHD quý hiếm, chuyển các đối tượng vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý.

TP Hà Nội là điểm trung chuyển lớn và tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn nên có nguy cơ rất cao xảy ra việc giết thịt, buôn bán, vận chuyển ĐVHD. Việc ngăn chặn tình trạng này chắc hẳn gặp không ít khó khăn, thưa ông?

- Đúng vậy! Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước với mật độ dân số đông, nhu cầu sử dụng các sản phẩm ĐVHD cao, gây ra một số khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD. Cụ thể, đối tượng vi phạm thường có phương tiện tốt, thiết bị liên lạc hiện đại, hoạt động theo đường dây, thậm chí hình thành tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng mọi giá. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn nhiều hạn chế về phương tiện, trang thiết bị và nhân lực.

 

Lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các đơn vị tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ánh Ngọc

Hiện, lực lượng kiểm lâm Hà Nội có 200 cán bộ, công chức và lao động hợp đồng nhưng đang quản lý địa bàn rộng lớn với 30 quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, Hà Nội có mạng lưới giao thông dày đặc, gây khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết thịt ĐVHD trái phép.

Bên cạnh đó, khó khăn còn phát sinh trong trường hợp lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Bởi, quá trình bảo quản tang vật là ĐVHD thu giữ được gặp nhiều khó khăn do động vật còn sống, nhiều cá thể mắc bệnh, ốm yếu, bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, điều kiện lưu giữ của các cơ quan thực thi pháp luật không bảo đảm, chưa kể việc lưu giữ lâu dài có thể khiến các cá thể bị chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội triển khai những giải pháp nào nhằm tiếp tục ngăn chặn các hành vi buôn bán, giết thịt và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, bảo tồn ĐVHD trên địa bàn TP?

- Bảo vệ ĐVHD là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, khi mà nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do các hoạt động săn bắt và kinh doanh của con người. Ngoài những nhiệm vụ đã thực hiện tốt, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Chi cục đang tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng đề án, chương trình giáo dục trong các nhà trường để tăng cường nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ ĐVHD. Ngoài ra, Chi cục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, giúp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ĐVHD tại Hà Nội.

Để ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết thịt ĐVHD, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD. Đồng thời phối hợp với chính quyền cấp xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ địa bàn, vận động và tổ chức cho các nhà hàng, cơ sở nuôi nhốt ĐVHD ký cam kết không mua, bán, kinh doanh, giết thịt ĐVHD. Cùng với đó, Chi cục luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8395
Tổng lượng truy cập: 22162636