Hà Nội: Phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng
Hiện nay, miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt diện rộng nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong khi đó, theo nhận định, năm nay, nắng nóng có thể kéo dài và gay gắt so với những năm trước. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, trước thực trạng này, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng.

Các lực lượng tham gia diễn tập chữa cháy rừng tại xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ)

 

- Thưa ông, những ngày này, thành phố Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, theo cảnh báo thì nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao?

 

- Thành phố Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng khoảng 11.000ha, rừng phòng hộ hơn 5.800ha, rừng sản xuất là 10.325ha..., phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Rừng ở Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, với các loại cây, như: Thông, keo, bạch đàn nên có thảm thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh. Trong khi đó, thời gian qua, nắng nóng gay gắt kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

 

Với kiểu thời tiết như hiện nay, nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra một số vụ cháy rừng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong vòng 1 ngày đã xảy ra 3 vụ cháy rừng. Các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm và huy động lực lượng dập tắt kịp thời, nên không gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Về nguyên nhân cháy rừng được xác định là do thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, một số địa phương như: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất có các khu du lịch sinh thái tự phát, hằng ngày đón lượng lớn du khách ra vào rừng, bất cẩn sử dụng lửa, gây cháy rừng.

 

- Trước thực trạng trên, để làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

 

- Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 117/KH-SNN về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố Hà Nội năm 2023, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã yêu cầu các Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng, Trạm Kỹ thuật và dự báo phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời cảnh báo cấp cháy rừng đến chính quyền địa phương, các chủ rừng trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã có rừng, chủ rừng thông tin cảnh cáo cấp cháy rừng đến từng người dân sinh sống ven rừng; tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh của xã về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Lực lượng Kiểm lâm Hà Nội cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ rừng, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy.

 

Nhận định về nguyên nhân xảy ra cháy rừng trong thời gian qua, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn có rừng, chủ rừng kiểm soát chặt chẽ việc người dân ra vào rừng, các tổ chức cá nhân du lịch trong rừng, ven rừng, nghiêm cấm các hành vi mang lửa vào rừng, sử dụng lửa trong rừng. Chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm bám sát địa bàn được phân công, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Phân công cán bộ trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 hằng ngày, khi nhận được thông tin xảy ra cháy rừng phải báo cáo ngay lãnh đạo Hạt, Chi cục Kiểm lâm và thông báo về đường dây nóng trực phòng cháy, chữa cháy rừng để chỉ đạo ứng phó kịp thời.

 


Lực lượng chức năng diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Sóc Sơn

 

- Trước diễn biến nắng nóng như hiện nay, ông có khuyến cáo gì đối với cá nhân, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng?

 

- Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng gay gắt hơn, với số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân. Vì vậy, tôi đề nghị, UBND các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là các nội dung nêu trong Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 7/6/2023 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Văn bản số 1701/UBND-NC ngày 6/6/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Song song đó, UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các xã có rừng, chủ rừng rà soát phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ” (Phương tiện tại chỗ; lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

 

Các huyện, thị xã có rừng cần lưu ý thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, tổ chức thường trực 24/24 trong những ngày nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; thông tin cảnh báo cấp cháy rừng trên hệ thống loa phát thanh ở các xã có rừng, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; thiết lập mạng thông tin liên lạc phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy. 

 

Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; trường hợp có cháy rừng xảy ra, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để phối hợp chữa cháy kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 


 

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8018
Tổng lượng truy cập: 22162636