Cấp thiết rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp
Yêu cầu cấp thiết hiện nay là 7 huyện, thị xã có rừng của Hà Nội phải khẩn trương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở phân biệt rõ 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), tổ chức cắm mốc giới để quy hoạch phát triển theo đúng chức năng.

 

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên với Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2022).

Bất cập giao đất không gắn với giao rừng

Theo ông bất cập nhất trong công tác quản lý đất lâm nghiệp của Hà Nội hiện nay là gì?

- Hiện nay bất cập nhất trong công tác quản lý đất lâm nghiệp của Hà Nội là tình trạng giao đất không gắn với giao rừng. Đặc biệt là rừng sản xuất theo phân cấp do các huyện quản lý đang thực hiện manh mún và không rõ ràng. Nhiều hộ gia đình được giao đất không rõ ràng, thuê cũng không ra thuê mà chỉ đơn thuần là thực hiện giao đất theo các Nghị định 01, 02 của Chính phủ từ những năm 1990, 1991. Việc giao đất, giao rừng không tuân thủ theo Luật Lâm nghiệp hiện hành là nguồn cơn dẫn tới các hộ được giao đất, giao rừng sử dụng không đúng mục đích và phát sinh những sai phạm.

Đáng nói, một số huyện lại chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang một mục đích khác trái quy định. Điều này khiến dễ xảy ra việc xây dựng trái phép, thực hiện những mục đích không phải mục đích lâm nghiệp, không làm theo trình tự thủ tục của Luật Lâm nghiệp, hệ quả là xảy ra sai phạm trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu, đề xuất giải pháp nào đối với Sở NN&PTNT, UBND TP khắc phục, giải quyết bất cập nói trên, thưa ông?

- Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18/2/2022 về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là giao cho 7 huyện, thị xã có rừng tiến hành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp. Sau khi có kết quả rà soát, căn cứ vào quy hoạch chung của TP, các thẩm quyền phê duyệt sẽ điều chỉnh tích hợp cho phù hợp với quy hoạch chung về rừng và đất lâm nghiệp. Tiếp đến sẽ tiến hành cắm mốc để phân biệt giữa đất lâm nghiệp với các loại đất khác và phân biệt mốc giới 3 loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) để từ đó làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

 

Cán bộ Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc

Điều tôi muốn nhấn mạnh là khi đã có mốc giới và hồ sơ bản đồ rõ ràng theo Hệ tọa độ VN2000 chuẩn hóa mới tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ số theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng đúng theo quy định.

Bên cạnh bất cập nêu trên, theo ông còn nguyên nhân nào khiến tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vẫn tiếp diễn?

- Hiện nay, một số địa phương chưa hiểu rõ, hiểu đúng Luật Lâm nghiệp, cứ cho rằng quy hoạch đất lâm nghiệp không được tác động gì, nhưng thật ra là không phải như vậy. Luật Lâm nghiệp cho phép quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp được xây dựng các phân khu về du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, phát triển kinh tế dưới tán rừng (nông – lâm kết hợp, các mô hình chăn nuôi…). Có thể khẳng định, du lịch sinh thái (du lịch trải nghiệm) gắn với bảo vệ phát triển rừng bền vững đang là xu thế phát triển rất phù hợp với Hà Nội.

Vậy các địa phương có rừng nên bắt tay vào thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Khi nắm bắt được nhu cầu của các tổ chức, DN muốn tham gia đầu tư du lịch sinh thái thì địa phương phải nhanh nhạy, kịp thời về công tác quản lý, lập ngay dự án về khu sinh thái, là cơ sở để địa phương cho các tổ chức, DN thuê dịch vụ môi trường rừng. Đây được coi là nguồn thu ngân sách nhà nước lớn. Tôi lấy ví dụ, ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đây là địa phương phát triển rất mạnh về du lịch sinh thái cũng như khai thác rất tốt nguồn thu từ cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

Khi đã xác định rõ rừng và đất lâm nghiệp, các địa phương có rừng theo phân cấp cần lập đề án phù hợp với hiện trạng thực tế, có thể là phát triển du lịch sinh thái hoặc mô hình nông – lâm kết hợp.

Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Theo ông, Hà Nội nên phát triển kinh tế rừng theo hướng nào để phát huy được hiệu quả trước mắt và lâu dài?

- Trước hết đó là phát triển các mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp như: Mô hình trồng cây thuốc nam; mô hình trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả dưới tán rừng khi mà rừng chưa khép tán (khoảng từ 4 – 6 năm kể từ khi trồng rừng); mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện, tại Hà Nội đang phổ biến nhất là trồng cây thuốc nam và trồng cây nông/lâm nghiệp dưới tán rừng.

Tuy nhiên, theo tôi phù hợp nhất để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng là phát triển du lịch sinh thái. Đây là mô hình đảm bảo các yếu tố phát triển lâu dài và bền vững nhất. Và chính những tổ chức, DN đầu tư phát triển du lịch sinh thái sẽ có trách nhiệm và tự giác trồng thêm rừng. Chỉ có điều trong công tác quản lý cần lưu ý tổ chức, DN hạn chế việc trồng cây ngoại lai. Thậm chí phải có cơ quan khoa học đánh giá xem trồng các loại cây đó có tác động đến đa dạng sinh học hiện có hay không.

Ông có thể phân tích rõ hơn về những lợi ích mà mô hình du lịch sinh thái mang lại?

- Phát triển du lịch sinh thái đem lại nhiều lợi ích về nhiều mặt: Vừa phát triển, bảo vệ rừng bền vững, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế, trên địa bàn TP có một số tổ chức, cá nhân phát triển mô hình du lịch sinh thái nhưng đa phần vẫn là tự phát, Nhà nước chỉ thu được thuế, phí từ bán vé, kinh doanh dịch vụ còn thuế môi trường rừng thì hầu như chưa thu được. Do đó, thời gian tới, TP cũng như ngành du lịch Hà Nội cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Đâu là giải pháp để thu hút các tổ chức, DN đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, thưa ông?

- Điều quan trọng nhất là quy hoạch, phải có quy hoạch tổng thể các diện tích lâm nghiệp để phân định rõ những khu nào là khu có thể phát triển khu sinh thái được? Sau khi các địa phương xây dựng đề án phát triển khu sinh thái, TP sẽ phê duyệt đề án chung, tiếp đó mới thu hút được tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, làm như vậy Nhà nước mới quản lý bài bản, chặt chẽ được.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức, DN rất muốn thuê môi trường rừng nhưng bởi vì chưa có địa phương nào trên địa bàn TP xây dựng được đề án nói trên và chưa có quy hoạch tổng thể các diện tích lâm nghiệp nên rất khó triển khai thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiện, các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn TP đang tiến hành rà soát tổng thể diện tích rừng hiện có, diện tích đất lâm nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp và xác định rõ mốc giới ngoài thực địa. Đây là cơ sở quan trọng để quy hoạch phát triển các loại rừng theo đúng chức năng nhằm tích hợp vào quy hoạch chung của TP và quy hoạch lâm nghiệp của cả nước.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6600
Tổng lượng truy cập: 22065804