Phát triển hệ thống nước sạch ở nông thôn: Cần đẩy nhanh tiến độ
Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều dự án cấp nước sạch, nhờ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn, đồng thời, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do một vài nguyên nhân, tiến độ phát triển hệ thống nước sạch ở các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn chưa đạt yêu cầu, vì vậy cần đẩy nhanh để sớm đáp ứng nhu cầu của người dân.


78% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch

 

Trong những năm qua, các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực ngoại thành Hà Nội, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Với mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân đô thị và nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, cùng với phát triển nguồn cung, thời gian qua, việc phát triển hệ thống cấp nước sạch được các cấp, các ngành, doanh nghiệp quan tâm triển khai đầu tư, tăng cường độ bao phủ cấp nước cho các xã thông qua hệ thống cấp nước sạch.

 

Theo ông Đỗ Quý Hùng, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội): Để hoàn thành mục tiêu nước sạch, thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước có khả năng phủ kín khoảng 94% địa bàn khu vực nông thôn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng sự chung tay của các nhà đầu tư, sau khi một số dự án cấp nước hoàn thành đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn của Hà Nội được tiếp cận nguồn nước sạch từ 37,2% (năm 2016) lên 49,7% (năm 20217), con số này năm 2018 là 55%, năm 2019 là 75% và đến nay đã có 246/416 xã, phường, thị trấn được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. “Sự quan tâm đầu tư, cộng với các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tham gia trong giải quyết cấp nước sạch nông thôn đã tạo được bước chuyển lớn về nhận thức trong cộng đồng dân cư…”, ông Hùng cho biết.

 

Tuy vậy, theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, tiến độ triển khai một số dự án phát triển hệ thống nước sạch ở nông thôn trên địa bàn thành phố còn chậm và không có đề xuất đầu tư các dự án mới trong năm 2020 nên đã không hoàn thành được mục tiêu đề ra. Hệ thống cấp nước nông thôn hiện nay có khả năng cung cấp cho khoảng 3.520.000 người, 880.135 hộ gia đình (tương đương 78%) người dân sinh sống ở nông thôn. Như vậy, còn 170 xã (1.436.777 người dân và 378.055 hộ gia đình) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, trong đó, có 141 xã đã giao nhà đầu tư thực hiện và 29 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Vì vậy, trong thời tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và giao nhà đầu tư đăng ký thực hiện tại các xã còn lại, bảo đảm 100% số xã trên địa bàn thành phố được cung cấp sử dụng nước sạch.

 

Nỗ lực để người dân nông thôn có nước sạch

 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn, nhất các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 

 

Được biết, đối với 10 xã của huyện Thạch Thất chưa có nước sạch, UBND thành phố Hà Nội đã giao Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây triển khai dự án mở rộng mạng cấp nước từ xã Đại Đồng và Công ty TNHH Đồng tiến thành Hà Nam sẽ nghiên cứu đề xuất triển khai dự án trong năm 2021. Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (đơn vị được giao quản lý hệ thống cấp nước Khu công nghệ cao Hòa Lạc) nghiên cứu triển khai mở rộng mạng cấp nước đồng bộ cho khu vực.

 

Tương tự, còn 21/29 xã, thị trấn của huyện Thường Tín chưa có hệ thống cấp nước tập trung, UBND thành phố giao liên danh Công ty cổ phần nước AquaOne, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống triển khai. Hiện nay, liên danh đã thỏa thuận với Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội đế phối hợp nghiên cứu phương án mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống mạng cấp nước tại huyện Thanh Trì, do Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đang quản lý, để cấp nước cho các xã giáp huyện Thanh Trì. Đồng thời, Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam cũng đề xuất phương án nghiên cứu phương án mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống mạng cấp nước tại huyện Phú Xuyên do Công ty cổ phần cấp nước Hà Nam đang quản lý để cấp nước cho các xã giáp huyện Phú Xuyên, nhằm đảm bảo hoàn thành cấp nước cho huyện Thường Tín trong năm 2021-2022.

 

Đối với các xã của huyện Thanh Oai, dự án cấp nước cho 3 xã (Bình Minh, Thanh Mai, Thanh Cao) đã được liên danh Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà triển khai thực hiện, đã thi công xong mạng cấp nước, đang đấu nối nguồn cấp cho nhân dân. Về mạng lưới để cấp nước cho 11/21 xã còn lại của huyện Thanh Oai, liên danh Công ty cổ phần nước AquaOne, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai dự án hoặc phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông nghiên cứu phương án mở rộng mạng lưới cấp nước cho toàn bộ huyện Thanh Oai trên cơ sở nguồn nước hiện có trong giai đoạn 2021-2022.

 

UBND thành phố cũng đã có phương án cụ thể cấp nước sạch cho các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Theo đó, huyện Phúc Thọ sẽ duy trì tiếp nhận nguồn cung cấp nước sạch từ dự án, công trình của các doanh nghiệp Công ty cổ phần Nước sạch Sơn Tây, trạm cấp nước Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, trạm cấp nước sạch thị trấn Phúc Thọ, trạm cấp nước sạch Tam Hiệp, trạm cấp nước sạch Hiệp Thuận… Để bảo đảm cấp nước ổn định lâu dài cho khu vực các xã ngoài bãi của huyện Phúc Thọ, UBND thành phố đã giao Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành triển khai nghiên cứu phương án xây dựng trạm cấp nước cục bộ sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước cho các xã còn lại của huyện Phúc Thọ bảo đảm hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2023.

 

Tại huyện Sóc Sơn, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 75%, tuy nhiên, chỉ có 7/25 xã được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung (đạt 20,53%), còn lại 18/25 xã sử dụng bình lọc RO. UBND thành phố đã giao liên danh Công ty cổ phần nước AquaOne và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai hệ thống mạng cấp nước cho các xã còn lại 18 xã. Thực tế, đến nay, nhà đầu tư mới triển khai xong 2 xã, còn 16 xã của huyện Sóc Sơn chưa triển khai xây dựng hệ thống mạng cấp nước. Về việc này, UBND thành phố đã có phương án cụ thể, giai các doanh nghiệp triển khai để bổ sung nguồn cấp cho toàn bộ huyện Sóc Sơn.

 

Còn tại huyện Phú Xuyên có 5/28 xã chưa được cấp nước tập trung, UBND thành phố giao Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam khẩn trương triển khai dự án, bảo đảm hoàn thành phủ kín mạng cấp nước cho huyện Phú Xuyên trong quý II/2021. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông nghiên cứu phương án tiếp nhận, thay thế nguồn nước mặt cho trạm cấp nước thị trấn Phú Minh và thị trấn Phú Xuyên do Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông đang quản lý.

 

Hy vọng, với những nhiệm vụ được triển khai đồng bộ nói trên, các địa phương còn lại của thành phố Hà Nội sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch. 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3650
Tổng lượng truy cập: 22099279