Sản xuất nông nghiệp Hà Nội năm 2019: Nỗ lực vượt khó

Năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, thiên tai và các yếu tố bất lợi từ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan...

Ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng giống các địa phương khác trong cả nước, ngoài ảnh hưởng những yếu tố bất lợi từ thị trường tiêu thụ nông sản, thành phố còn bị ảnh hưởng lớn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng ở 24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ổ bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên trên địa bàn thành phố, từ ngày 24-2-2019, tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) và có chiều hướng lan nhanh trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn từ tháng 4 đến nay.

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 1-12-2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 32.949 hộ chăn nuôi, chiếm 40,8% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.462 con (chiếm 29% tổng đàn) với trọng lượng 37.136 tấn. Hiện tại, còn 127 xã (chiếm 28%) dịch bệnh chưa qua 30 ngày. Đã có 322 xã, phường (chiếm 72%) dịch bệnh đã qua 30 ngày. Có 6 quận dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên). Tại 7 huyện (Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất) có trên 80% số xã dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, tốc độ lây lan nhanh đã gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp Hà Nội. Qua tính toán, đàn lợn của thành phố năm 2019 giảm 42%, còn sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến thất thường nên sản lượng một số cây ăn quả chủ lực năm 2019 của thành phố cũng giảm đáng kể, như sản sản lượng nhãn giảm 63,4% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích một số cây trồng hàng năm giảm chủ yếu là do chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (diện tích lúa cả năm ước giảm 7.845ha, ngô giảm 1.285ha so với cùng kỳ năm 2018).

Do gặp những khó khăn nêu trên, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 ước tính giảm 0,96% so với cùng kỳ năm 2018. Điểm sáng trong bức tranh sản xuất nông nghiệp của Hà Nội năm 2019 là ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản 11 tháng năm 2019 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, thủy sản nuôi trồng tăng 6,5%. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực. Nhiều vùng trước đây sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đưa các cây trồng chất lượng cao vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 53% tổng diện tích tăng 2,2% so với cùng kỳ; hoa cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng...

Chú trọng tái cơ cấu sản xuất

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ, tiến tới tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, ngành Nông nghiệp Hà Nội quyết tâm phấn đấu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, Sở NN&PTNT đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 3-3,5%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,47%. Đáng chú ý, Sở tiếp tục kiên định mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh nghiên cứu, khảo nghiệm đưa vào sử dụng các loại giống tốt, giống có chất lượng; kèm theo các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất và triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng dụng quản lý cây trồng tổng hợp. Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2020, thành phố đặt mục tiêu gieo trồng cây hàng năm 247.533ha tăng 0,21% so với năm 2019. Riêng diện tích trồng lúa chất lượng cao là 92.000/171.400ha; rau an toàn 18.500/34.000ha; hoa cây cảnh 7.200ha; cây ăn quả 19.500ha.

Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố tập trung chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất con giống (đối với lợn và gia cầm) và phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tai xanh, bệnh DTLCP ở gia súc. Qua đó, năm 2020, năng tổng số đầu con gia súc, gia cầm lên 39.476.000 con, tăng 2,89% so với năm 2019, còn sản lượng thịt hơi các loại tăng 8,6%. Phát huy tiềm năng, lợi thế, thành phố sẽ nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.000ha, qua đó, phấn đấu tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 120.000 tấn, tăng so với năm 2019 là 6,19%.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng rà soát, điều chỉnh các đề án, kế hoạch, cơ cấu lại các lĩnh vực phù hợp với cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp.

Nguồn: HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9381
Tổng lượng truy cập: 22324563