Quốc Oai đẩy mạnh mô hình mạ khay, cấy máy

Tiết kiệm lượng thóc giống, giảm chi phí, nhân công và thời gian gieo cấy, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa là những kết quả đang hiện hữu do áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Đây là năm thứ 4 HTX Nông nghiệp Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai triển khai đưa dịch vụ sản xuất mạ khay và cấy máy phục vụ bà con trên địa bàn xã. Khi bắt tay đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng với bao khó khăn, Giám đốc HTX Kiều Văn Phượng chia sẻ: Năm 2016, năm đầu tiên HTX chỉ triển khai được trên diện tích 5ha, nguyên nhân do bà con chưa mặn mà với mô hình mạ khay, cấy máy, bên cạnh đó HTX vốn đầu tư còn ít, máy không nhiều, kỹ thuật làm mạ khay cũng chưa thành thạo,…vì vậy diện tích triển khai còn hạn chế. Tuy nhiên, sau mỗi vụ diện tích ngày càng được mở rộng, từ 5ha năm đầu tiên lên 10ha năm thứ hai, 20 ha năm thứ ba và năm nay HTX triển khai dịch vụ này trên diện tích 30ha. Với việc cam kết về năng suất, dịch vụ mạ khay, cấy máy của HTX NN Liệp Tuyết đang được bà con trên địa bàn xã ngày càng hưởng ứng. Thực tiễn cho thấy, lợi ích của mô hình sản xuất mạ khay là rất lớn. Nếu bà con phải bỏ chi phí hơn 400 nghìn/ 1 sào để thuê nhân công cấy tay, chưa kể phải tự gieo giống và chăm sóc thì khi sử dựng dịch vụ mạ khay, cấy máy của HTX NN Liệp Tuyết bà con chỉ phải bỏ chi phí là 290 nghìn/sào bao gồm cả giống, chăm sóc mạ và cấy. Bên cạnh đó, gieo mạ khay có thể chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết nhất là với vụ xuân khi thời tiết gặp rét đậm, rét hại kéo dài. Đặc biệt, mạ khay được cấy bằng máy không chỉ thuận tiện cho nông dân trong việc chăm sóc và cây lúa đảm bảo sinh trưởng tốt, đồng ruộng thông thoáng ít bị sâu bệnh hại mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho người dân, giảm chi phí sản xuất và chủ động được thời vụ.

Từ thành công của mô hình khuyến nông trình diễn “dây chuyền gieo mạ khay tự động” tại HTXNN Liên Thôn xã Liệp Tuyết do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2017. Nhằm chủ động nguồn mạ cho sản xuất, đồng thời nhân rộng chuyển giao tiến bộ khoa học mới cho bà con nông dân, năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã tổ chức sản xuất mạ khay bằng dây chuyền gieo tự động để cung cấp mạ cho bà con trên địa bàn huyện. Ông Kiều Minh Khuê – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết:Với nhu cầu về mạ khay ngày càng lớn bởi hiệu quả mang lại kể cả khi nông dân cấy máy hay cấy thủ công, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, của UBND huyện Quốc Oai, hỗ trợ của Công ty Kubota Việt Nam trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và một phần kinh phí sản xuất, cuối năm 2018, Trạm đã quyết định thành lập Trung tâm sản xuất mạ khay nhằm chủ động cung ứng số lượng lớn mạ cho nông dân với nhiều loại giống lúa chất lượng và mức chi phí hợp lý. Vụ xuân 2019, Trung tâm mạ khay đã sản xuất 22.000 khay mạ với nhiều loại giống chất lượng như: Thiên Ưu, Bắc Thơm, Nếp thơm Hưng Yên, Dự Hương, Tám Nhiệt đới,…để phục vụ bà con trên địa bàn huyện.

Đến nay, diện tích khoảng 10.000 ha đất trồng lúa của huyện Quốc Oai cơ bản đã dồn ô đổi thửa, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong đó, 100% diện tích đất trồng lúa đã được cơ giới hóa khâu làm đất, 80% diện tích lúa được gặt bằng máy, tuy nhiên, khâu gieo cấy mới chỉ đạt từ 2-3% tập trung ở các xã Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Tân Hòa… Nhằm khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, những năm qua UBND Huyện Quốc Oai đã có nhiều chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu gieo cấy lúa. Song, để chương trình mạ khay, máy cấy đi vào lòng dân để nhân dân tích cực hưởng ứng, từ thực tế triển khai trên địa bàn huyện Quốc Oai cho thấy, ngoài chính sách của Thành phố, của huyện còn cần có sự nỗ lực của các hợp tác xã trong việc tuyên truyền tới bà con nông dân để người dân thấy được lợi ích của mạ khay, cấy máy. Đồng thời, cũng cần có sự tham gia của các chuyên gia, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao...Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại các huyện ngoại thành Hà Nội mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và khâu thu hoạch. Nhằm phát huy lợi ích và hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa, với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, ngành cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, năm 2018 và ngay đầu năm 2019, nhiều Trung tâm sản xuất mạ khay đã được thành lập trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội sẽ góp phần nâng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa toàn TP lên 10 – 15% trong năm 2020./.

Lưu Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2621
Tổng lượng truy cập: 22076432