Những thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong thời gian qua

Về phát triển nông nghiệp

Thành phố đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của Thành phố. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp cho nền sản xuất nông nghiệp của Thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Đặc biệt, ngày 24/12/2015, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 7111/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán; song, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 tăng trưởng và phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là 3,34%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất năm 2018: Trồng trọt chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; Chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; Thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010; Lâm nghiệp chiếm 0,28%, tăng 0,06% so với năm 2010; Dịch vụ chiếm 4,12%, tăng 0,7% so với năm 2010. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 02 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).

Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình

Về xây dựng huyện nông thôn mới: Đến nay, thành phố Hà Nội có 06 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5 huyện so với cuối năm 2015). Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019.

Về xây dựng xã nông thôn mới: Đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu), tăng 124 xã so với cuối năm 2015 và 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 08 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Về nâng cao đời sống nông dân

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm(tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm), các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng,... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%; Đông Anh 1,15%; Mê Linh 1,41%; Đan Phượng 1,53%;... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,6%, vượt trước 02 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra (95%).

Công tác Giáo dục và Đào tạo được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, việc tuyển sinh, việc chống bỏ học được chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù được tiến hành một cách thực chất tại các huyện, thị xã với cả 3 cấp học.

Công tác Y tế: Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ huyện đến xã tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Công tác Văn hóa: Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; xây dựng gia đình văn hoá, Làng văn hoá theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững; thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, cải tạo về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ, tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các địa phương nghiêm túc triển khai đạt kết quả tốt.

Công tác dồn điền đổi thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp

Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy; giai đoạn 2010-2015, Thành phố đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6 ha so với cuối năm 2015. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 1.836,9 ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Từ hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như: làm đất, gieo cấy và thu hoạch, tiêu biểu như hầu hết các xã thuộc huyện Phú Xuyên và một số xã ở các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Đông Anh,… Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa trung bình có từ 10 -15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ,... đến nay, chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa, thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, hầu hết người dân nông thôn Hà Nội tin tưởng hơn vào chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố.

Giai đoạn 2016-2020, Thành ủy xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng cộng nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ngày 01/9/2016, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa,với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%). Còn lại 4.897 (chiếm 0,79%) giấy chứng nhận chưa cấp được là những trường hợp khó khăn, vướng mắc (do người đứng tên trên Giấy chứng nhận không có mặt tại địa phương, chủ đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ, chủ đất không hợp tác kê khai,…).

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sau dồn điền đổi thửa

Đến nay toàn Thành phố chuyển đổi được 40.227,3 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 1.457,1 ha. Trong đó chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (15.677,1 ha), tiếp đến là chuyển đổi sang cây ăn quả (7.390,7ha), rau an toàn (2.932,4 ha),… một số huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Sóc Sơn (8.334,7 ha), Ứng Hòa (6.852,6 ha), Ba Vì (5.241,5 ha), Thanh Oai (4.440,3 ha), Phú Xuyên (2.830,6 ha), Quốc Oai (2.750,7 ha),…

Sau dồn điền đổi thửa, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân. Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn,… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%.Vùng sản xuất Rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng,… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm,… với giá trị từ 0,5-1 tỷ/ha/năm. Nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật Thủ, Nhãn chín muộn, Cam canh ở Hoài Đức, Bưởi Tôm vàng ở Đan Phượng; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thấtvới giá trị từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm; các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1-2 tỷ/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Kết quả thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mục tiêu của ngành nông nghiệp Thủ đô, ngoài việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt,... thì phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một hướng đi được Thành phố ưu tiên; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực. Đến nay, toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Điển hình như:

Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất) hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Bình quân một tháng, xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 - 1.000 con lợn giống; doanh thu bình quân một năm đạt khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội cung cấp cho thị trường Thủ đô hàng chục tấn rau hữu cơ một ngày. Đây là mô hình trang trại đang được triển khai có hiệu quả và tạo được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, xã Đốc Tín huyện Mỹ Đức, đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Với tổng diện tích 03ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2, với công suất hiện tại 1,5 tấn nấm/ngày. Giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản gần 40 tấn sản phẩm nấm, doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc sản xuất nấm Kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản.

Mô hình sản xuất giống và Hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng, với diện tích 661m2 sản xuất 2 triệu cây giống; diện tích nhà màng kính là 4.500m2 sản xuất 50.000 cây giống cho các cơ sở nuôi trồng đến khi ra hoa và 20.000 cây nuôi trồng tại cơ sở đến khi ra hoa....

Mô hình áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần 10.884ha và ứng dụng từng phần (chủ yếu cấy 01 dảnh) 55.976 ha. Mô hình gieo cấy 2.300 ha lúa Japonica tại huyện Ứng Hòa liên kết với doanh nghiệp thu mua toàn bộ lúa tươi; một số doanh nghiệp liên kết sản xuất giống lúa, áp dụng gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bằng máy và đưa vào công nghệ sấy lúa tươi với qui mô 1.000ha trên địa bàn Thành phố tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức.

Mô hình nuôi 15.000 con gà siêu trứng, 10.000 gà thương phẩm, 18 lò ấp với công suất 2 vạn quả/mẻ/lò, hàng năm cung cấp 1,2 triệu gà con cho các tỉnh, thành miền Bắc của gia đình Ông Nguyễn Văn Hiệu, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Mô hình nuôi 25.000 gà sinh sản siêu trứng, 27 lò ấp với công suất 2 vạn quả/mẻ/lò, hàng năm cung cấp 1,8 triệu gà con cho các tỉnh thành cả nước của gia đình Ông Hoàng Minh Ngọc, xã Liên Hà, huyện Đông Anh.

Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, tạo các sông trong ao với hệ thống tạo dòng chảy và sục khí, nuôi cá với mật độ cao như ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa; xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ nâng suất tăng 6-8 lần so với nuôi thông thường, chất lượng cá thịt ngon hơn, giá cao hơn. Năng suất đạt 80 tấn/ha, giá trị 3,5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 400 triệu đồng/ha.

Kết quả thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp

Toàn Thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê,... Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá... điển hình như:

Chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch 3F: Do Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch 3F tổ chức theo chuỗi khép kín. Quy mô và năng lực sản xuất: 01 Nhà máy giết mổ, 100 trang trại gà (với 250.000 con gà thịt); 15 trang trại lợn rừng (với 750 nái, 25.000 lợn thịt). Sản lượng cung cấp và tiêu thụ đạt 2,7 tấn thịt lợn; 2,0 tấn thịt gà; 100.000 quả trứng gà/ngày.

Chuỗi thịt sản xuất và cung cấp thực phẩm A-Z: Do Hợp tác xã Hoàng Long (Tân Ước, Thanh Oai) tổ chức khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, hàng ngày chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn (trong đó, khoảng 900 kg thịt lợn là các sản phẩm đã được giết mổ, đóng gói và các sản phẩm đã qua chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Thực phẩm AZ”.

Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Ba Vì: Quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt 120.000 con gà thịt. Hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1.000kg gà thịt; Trong đó có 660kg gà thịt đã qua giết mổ, bao gói, hút chân không, đảm bảo an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Gà đồi Ba Vì”.

Chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Tiên Viên: Do Công ty Cổ phần Tiên Viên liên kết với các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ tổ chức. Quy mô sản xuất của chuỗi đạt trung bình 72.000 quả/ngày. Sản phẩm trứng gà Tiên Viên đang được tiêu thụ tại trên 100 điểm bán lẻ, các siêu thị, nhà hàng và một số công ty chế biến thực phẩm trong và ngoài Thành phố.

Mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt bò Hà Nội:

Chuỗi thịt bò Thắng Lợi: Tác nhân chính tham gia chuỗi bò thịt hiện nay là Công ty TNHH Phát triển Thương mại Thắng Lợi có quy mô 01 trang trại bò thịt công suất 400 con/lứa, chăn nuôi thường xuyên 250 con, 01 cơ sở giết mổ bò bán công nghiệp, giết mổ thường xuyên 07-10 con bò/ngày, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1,5-2,0 tấn thịt bò đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chuỗi thịt bò BBB: Chuỗi được hình thành trên cơ sở liên kết giữa Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội với các trại chăn nuôi bò quy mô lớn tại các xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm của Thành phố. Hiện nay, chuỗi đang tổ chức cung cấp ra thị trường các sản phẩm thịt bò BBB với nhãn hiệu “HLBC” và hàng năm có trên 20 nghìn bê giống BBB cung cấp cho các tỉnh.

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5572
Tổng lượng truy cập: 22324563