Đẩy mạnh sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy

Mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao...Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại các huyện ngoại thành Hà Nội mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và khâu thu hoạch. Nhằm phát huy lợi ích và hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dạng mô hình về cơ giới hóa trong sản xuất lúa, trong đó có mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy bằng máy.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400 ha lúa vụ xuân và vụ mùa (mỗi vụ 200 ha). Mô hình được triển khai tại 5 xã thuộc 4 huyện: Ứng Hoà; Quốc Oai, Chương Mỹ và Đông Anh. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương tham gia mô hình 50% giống lúa với định mức 45kg/ha; 50% khối lượng giá thể và 50% khay nhựa đựng mạ theo định mức 1,2 tấn giá thể và 270 khay/ha (riêng khay nhựa đựng mạ cấp hỗ trợ 1 lần cho cả 2 vụ).

Kết quả đánh giá vụ Xuân 2019 cho thấy, mô hình được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu. Các điểm mô hình đã gieo đủ 54.000 khay mạ đảm bảo chất lượng, mạ cứng cây, đanh rảnh; cấy máy đủ cho 200 ha lúa trên địa bàn các huyện tham gia mô hình. Lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 – 62 tạ/ha.

Theo báo cáo của các huyện, kết quả gieo cấy ở vụ xuân cho thấy chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay theo truyền thống giảm từ 3.892.000 đồng – 5.448.000 đồng trên một hecta. Như vậy 200 ha lúa cấy bằng máy thực hiện ở vụ xuân giảm được chi phí cho người sản xuất từ 778 triệu 400 nghìn đồng đến trên 1tỷ 089 triệu đồng. Kết quả mô hình cho thấy hiệu quả và lợi ích rất rõ ràng cho người sản xuất.

Vụ Xuân năm 2019, bà Phạm Thị Thơm - Xã Liên Hà, huyện Đông Anh canh tác 4 sào lúa theo mô hình mạ khay, máy cấy. Toàn bộ quy trình từ làm đất, đổ ải, gieo cấy đến thu hoạch bằng máy, chị Hà thuê Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Liên Hà với giá 260.000 đồng/sào. Bà Thơm cho biết: hầu hết các hộ ở thôn đều áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy, so với gieo cấy lúa truyền thống trước đây, thì phương pháp này cho hiệu quả rõ rệt, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao, và đặc biệt là giá dịch vụ của Hợp tác xã hợp lý nên mô hình được nhiều người hưởng ứng.

Qua thực tế triển khai cho thấy, lợi ích của mô hình sản xuất mạ khay là rất lớn, người nông dân có thể chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết. Đặc biệt, mạ khay được cấy bằng máy không chỉ thuận tiện cho nông dân trong việc chăm sóc và cây lúa đảm bảo sinh trưởng tốt, đồng ruộng thông thoáng ít bị sâu bệnh hại mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động cho người dân, giảm chi phí sản xuất và chủ động được thời vụ, năng suất lúa cao hơn từ 10 – 15% so với cấy tay theo truyền thống. Mặt khác, đối với các Hợp tác xã, tổ dịch vụ, khi triển khai dịch vụ gieo mạ khay cấy bằng máy cho bà con đã phát huy được vai trò dịch vụ của các HTX NN, thúc đẩy việc hình thành các tổ dịch vụ cho người sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, từng bước tạo vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao. Bà Dương Thị Luyến – Đội trưởng đội sản xuất thôn Hà Nỗ - Xã Liên Hà, Huyện Đông Anh cho biết: Vụ mùa năm 2019 là vụ thứ 5 thôn Hà Nỗ triển khai mạ khay cấy máy, hiệu quả ở chỗ chi phí đầu vào giảm (nhân công, thóc giống), hơn thế nữa năng suất lại cao hơn vượt bậc so với cấy tay và hiệu quả nhất là cùng 1 xứ đồng, cấy cùng 1 giống lúa, tạo kiện kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Ví dụ: ở khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, bà con thôn Hà Nỗ đã sử dụng dịch vụ phun đồng loạt bằng máy bay không người lái chi phí càng giảm (giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/sào), trong khi nếu thuê nhân công thì mất 40.000 đồng/sào. “Mô hình mạ khay cấy máy được lòng người dân là như vậy”, bà Luyến chia sẻ.

Ông Lê Văn Tỵ - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Hà, huyện Đông Anh cho biết: Sau khi dồn điền đổi thửa xong, thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, từ năm 2014, HTX đã tập trung vào các dịch vụ cơ giới hóa phục vụ bà con. Mô hình được bà con hưởng ứng không chỉ bởi mô hình cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, mà còn khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực lao động trong lúc thời vụ do xã Liên Hà phát triển làng nghề nhiều.

Sau dồn điền đổi thửa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đã được đầu tư ngày một đồng bộ. Ở khâu làm đất và thu hoạch, hiện tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đã đạt gần 100%, khâu thu hoạch trên 80%. Tuy nhiên, đối với khâu gieo cấy thì tỷ lệ cơ giới hoá còn thấp, mới đạt xấp xỉ 3% diện tích. Lợi ích từ mô hình mạ khay, cấy máy đã rõ ràng, song việc áp dụng lại còn thấp. Theo ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, nguyên nhân là do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng: Kho bãi, nhà xưởng (chứa máy móc, giá thể) và mặt bằng để tập kết khay mạ. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được... dẫn đến chi phí sản xuất cao; đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn; người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa phổ biến…

Nhằm phát huy lợi ích và hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa, với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, ngành cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, năm 2018 và ngay đầu năm 2019, nhiều Trung tâm sản xuất mạ khay đã được thành lập trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội với kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang tích cực triển khai các mô hình, chương trình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất (đặc biệt là sản xuất lúa). Hàng năm, Trung tâm xây dựng mô hình hỗ trợ mua máy nông nghiệp, đồng thời, thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông Thành phố hỗ trợ cho vay cơ giới hóa với mức cho vay tối đa 100% giá trị sản phẩm và hỗ trợ 100% phí quản lý trong 3 năm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. Qua đó, đã góp phần nâng dần tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt ở các khâu làm đất và thu hoạch lúa đã đạt được mục tiêu đề ra.

Để mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt trong khâu cấy lúa tiếp tục được mở rộng trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút doanh nghiệp cùng tham gia để đẩy mạnh hỗ trợ người dân và địa phương nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình. Chú trọng áp dụng các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các mô hình cơ giới hóa, cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư cơ giới hóa thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông. Ngoài ra, Trung tâm cũng cần tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng chuỗi, thu mua lúa gạo cho bà con nông dân.

Đến nay, Hà Nội đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100 ha tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành. Việc sử dụng mạ khay, cấy máy giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao Hà Nội./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4364
Tổng lượng truy cập: 22076432