Huyện Ứng Hòa phát huy thế mạnh phát triển nông nghiệp

Là vùng chiêm trũng, được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, huyện Ứng Hòa đã rất chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân. Nông nghiệp huyện đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Thực tế cho thấy, trên địa bàn đã có rất nhiều trang trại đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nông dân.

Với diện tích đất nông nghiệp hơn 10.000ha, để khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, Huyện uỷ, UBND huyện Ứng Hoà đã và đang chỉ đạo xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Theo đó, huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Là huyện có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, huyện Ứng Hòa đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đó để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 3.820 ha, tăng 887 ha so với năm 2015; sản lượng thủy sản ước đạt 34.133 tấn.

Đồng thời, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu... Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ứng Hòa đã tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Hòa Phú, rau an toàn tại xã Sơn Công, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” ở các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt; hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ đó, đời sống vật chất của người dân Ứng Hòa không ngừng được nâng lên. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 37,1 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, huyện đã xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giống lúa mới chất lượng cao J02. Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện ứng Hòa) đã liên kết với một số xã từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đang phối hợp với Học viện nông nghiệp Việt Nam để xây dựng nhãn hiệu gạo Khu cháy Ứng Hòa cho sản phẩm lúa J02. Đây là giống có sức tiêu thụ tốt, chất lượng gạo thơm ngon, được người tiêu dùng chấp nhận. Diện tích cấy J02 trên địa bàn huyện Ứng Hòa ngày càng được mở rộng. Riêng năm 2018, huyện đã hỗ trợ 100% giống J02 cho bà con, vụ Xuân 2019, diện tích sản xuất giống lúa J02 đạt trên 3.300 ha. Hiện, nhiều cánh đồng ở Ứng Hòa trồng một giống lúa chất lượng cao với một quy trình sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự báo, thu hoạch, nhờ đó năng suất và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Ứng Hòa ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình rau an toàn trồng trong nhà lưới 5.000m2 tại xã Sơn Công; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại 2 xã Phù Lưu, Hồng Quang với hệ thống tưới tự động, thiết bị cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ tiêu nông hóa thổ nhưỡng; mô hình trồng bưởi VietGAP tại xã Đồng Tiến;…

Tuy mới sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2018, song mô hình sản xuất bưởi VietGAP của HTX nông nghiệp Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa đã đem lại hiệu quả rõ rệt so với trước đây. Anh Nguyễn Văn Đại – Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa cho biết: Nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao, năm 2018, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của UBND huyện và xã, HTX Đồng Tiến đã phối hợp với Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận VietGAP đã giúp cho sản phẩm bưởi Đồng Tiến nâng cao giá trị và từng bước chinh phục thị trường.

Nền nông nghiệp huyện Ứng Hòa đang cho thấy sự phát triển, tiến bộ rất nhanh so với những năm trước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng CNC chưa được nhiều. Hàng hóa nông sản sản xuất ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản; giá trị sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao. Ông Nguyễn Chí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác; khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, huyện Ứng Hòa cũng xác định triển khai sản xuất mạnh mẽ toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ có nhãn hiệu sản phẩm. Với giải pháp trọng tâm, huyện Ứng Hòa đang hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 4.500 tỷ đồng năm 2020./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7724
Tổng lượng truy cập: 22324563