Huyện Sóc Sơn: Hợp tác xã nông nghiệp phát huy hiệu quả trong liên kết

Nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân, trong nhiều năm trở lại đây, huyện Sóc Sơn đã tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ vậy, nhiều vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất hữu cơ đã được hình thành, mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều Hợp tác xã (HTX) đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, giúp nông dân tiếp cận được những thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Ở Sóc Sơn, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, khẳng định hiệu quả kinh tế. Xác định được những ưu thế của địa phương, thời gian qua, huyện đã nỗ lực hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ðiển hình như vùng chuyên canh rau ở các xã Thanh Xuân, Ðông Xuân, Xuân Giang, Việt Long, Mai Ðình, Hiền Ninh... mang lại lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Hiện, diện tích gieo trồng rau của toàn huyện lên tới 1.450 ha. Trong đó, diện tích trồng rau theo quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP, rau hữu cơ vào khoảng 430 ha. Cùng với rau màu, Sóc Sơn còn có vùng chuyên canh cây hoa nhài với diện tích khoảng 148 ha cho thu nhập từ 420 đến 450 triệu đồng/ha, tập trung ở Phủ Lỗ, Ðông Xuân và đang phát triển sang các xã khác. Trong chăn nuôi, số lượng tổng đàn lợn của Sóc Sơn đạt hơn 121 nghìn con, sản lượng thịt xuất chuồng 8.498 tấn/năm, tập trung tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long, Tân Minh, Tiên Dược, Đông Xuân,…; tổng đàn gia cầm gần 1,4 triệu con, sản lượng giết mổ đạt trên 1.800 tấn, các xã có tổng đàn gia cầm lớn là Việt Long, Tân Hưng, Phú Minh, Phủ Lỗ, Xuân Thu,. Bên cạnh đó, với diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản ổn định 730ha, bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành 4 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông nghiệp của huyện Sóc Sơn đã và đang tiếp cận đến nền nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, một số sản phẩm có thương hiệu, được liên kết, bao tiêu… Các sản phẩm có thương hiệu như rau hữu cơ, chè an toàn Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn đã được thị trường và người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, những năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn, chè theo hướng VietGAP. Giám đốc HTX Đào Thị Quý cho biết, HTX hiện có 30 thành viên, sản xuất 150ha chè an toàn. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu, từ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng đến bao tiêu một phần sản phẩm.

Nhờ phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa và tiêu chuẩn an toàn, chè an toàn Bắc Sơn đã được cấp chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Đây là một trong những mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn huyện Sóc Sơn nhờ có sự tham gia của HTX.

Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân thông qua HTX đã giúp nhiều hộ nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu sản xuất, đóng gói, xây dựng nhãn hiệu, giúp tăng khả năng tiếp cận với KHKT qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Đồng thời, tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, nhờ đó thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá. Có thể kể đến chuỗi rau hữu cơ Thanh Xuân, do HTX nông nghiệp Thanh Xuân tổ chức. Sau hơn 10 năm phát triển mô hình, rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân đã được nhiều người tin dùng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Chuỗi có 26 nhóm với 157 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 34ha, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” trong quá trình trồng rau. Nhờ chất lượng được kiểm soát, mỗi tháng, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ 60-80 tấn rau, củ, quả các loại với giá ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg. Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho hay, sản xuất hữu cơ đã thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc sinh học. Do thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nên tiêu thụ rau hữu cơ của xã đều thông qua hình thức hợp đồng thu mua trực tiếp với các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Đến xã Đông Xuân thời điểm này, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh đồng ngát hương, ngập tràn màu trắng của hoa nhài. Đang vào độ thu hoạch, bà con tập trung, tranh thủ xuống đồng thu hái hoa nhài. Toàn huyện Sóc Sơn hiện có 148 ha trồng hoa nhài, tập trung tại 3 xã Phù Lỗ, Đông Xuân và Bắc Phú cho giá trị kinh tế từ 420 - 450 triệu đồng một hecta, trong đó xã Đông Xuân trồng khoảng gần 50ha. Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Ðông Xuân (xã Ðông Xuân) Ngô Văn Luyến cho biết: Nhắc đến Đông Xuân còn phải kể đến đặc sản dưa lê được trồng tập trung và tuân theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc, đến khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ; Ngoài ra, các sản phẩm rau an toàn hay sản phẩm ớt trồng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia;…là những mặt hàng nông sản cho hiệu quả kinh tế cao được HTX nông nghiệp Đông Xuân triển khai tới các thành viên trong HTX, đồng thời, HTX cũng là cầu nối giúp bà con nông dân gắn kết với các doanh nghiệp thu mua.

Hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn đang giúp gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho xã viên, thành viên các HTX. Tuy nhiên, để các liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản phát huy hiệu quả và thật bền vững, rất cần sự chủ động, tích cực của cả nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỡ trợ, lựa chọn các HTX, hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết nông sản an toàn nhằm thu hút doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9540
Tổng lượng truy cập: 22292262