Huyện Thạch Thất nâng cao giá trị nông sản
Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, huyện Thạch Thất đang tích cực đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, huyện Thạch Thất đang đẩy mạnh xây dựng những vùng nông nghiệp sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Thạch Thất có 22 xã và 01 thị trấn, được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) từ năm 2020. Đến hết năm 2022, huyện Thạch Thất có 3 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là Đại Đồng, Hương Ngải và Dị Nậu; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Đại Đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện ước đạt 956.756 triệu đồng, bằng 51,3% kế hoạch năm và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690 ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285 ha tại các xã: Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300 ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... và 50 ha hoa, cây cảnh tại Đại Đồng, Yên Bình, Hương Ngải,… Các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta một năm. Bên cạnh đó, Thạch Thất hiện có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao, tạo nguồn hàng chất lượng, đa đạng cung cấp cho thị trường.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, nuôi trồng ứng dụng khoa học công nghệ có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ... ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Nếu như trước đây mọi công đoạn trong chăn nuôi gà đẻ trứng của hộ ông Kiều Văn Hiện – Xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất đều thực hiện bằng thủ công thì những năm gần đây, từ khâu cho gà ăn đến xử lý môi trường, khử trùng chuồng nuôi đều được hộ gia đình ông Kiều Văn Hiện thực hiện bằng máy và chế phẩm vi sinh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm gia đình ông Hiện đã chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 2,5 vạn con gà đẻ/4 chuồng nuôi, cung cấp trên 2 vạn quả trứng mỗi ngày. Mô hình chăn nuôi gà đẻ của hộ gia đình ông Kiều Văn Hiện là một trong những mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Thạch Thất. Theo ông Hiện, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp giảm nhiều nhân công lao động, giảm bớt các chi phí trong chăn nuôi vì thế lợi nhuận trong chăn nuôi cũng được tăng lên. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng trong năm nay của gia đình ông Hiện là tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng.

Để hình thành các mô hình nông nghiệp giá trị cao, huyện Thạch Thất đã tích cực đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Huyện Thạch Thất đã sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để huyện đầu tư hỗ trợ cho các địa phương đưa nhanh cơ giới hóa nông nghiệp vào trong sản xuất, nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai mạnh mẽ. Trồng trọt chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ sản lượng sang chất lượng. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thì các mô hình khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng sản xuất, cũng được đẩy mạnh. Các mô hình được triển khai áp dụng đối với cây ăn quả, rau, chăn nuôi lợn, gà... đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Không những thế, việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Đơn cử như mô hình trang trại của gia đình ông Đỗ Xuân Nhung – xã Kim Quan, với quy mô 11ha trồng bưởi, thanh long, nhãn và nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 30 tấn nhãn, 20 tấn thanh long, 400 nghìn quả buổi, 300 tấn lợn hơi… Để tạo nguồn hàng hoá chất lượng cao, trang trại tập trung phát triển sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhờ đó doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nông thôn mới, năm 2013, huyện Thạch Thất đã có xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn là xã Đại Đồng. Chỉ sau 5 năm, toàn bộ các xã trong huyện đều đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện nay, huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất chỉ đạt 11,6 triệu đồng/năm, hiện nay đã tăng lên 8 lần, đạt 91 triệu đồng/người/năm. Con số này cho thấy huyện đã có sự đột phá toàn diện về kinh tế, xã hội. Huyện Thạch Thất phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng lên 100 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 120 triệu đồng). Đặc biệt, đối với 3 xã miền núi của huyện là Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình đã có sự đổi thay tích cực. Các xã được thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Không chỉ thế, người dân trên địa bàn xã được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng, trồng cây ăn quả;... cho hiệu quả kinh tế cao.

Là một trong những hộ trồng cây ăn quả lớn và cho giá trị cao ở xã Yên Bình - ông Bùi Thanh Vân, ở thôn 5, xã Yên Bình cho biết: Trước đây, nông dân trên địa bàn xã chỉ biết trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhờ có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà gia đình tôi cũng như rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập ổn định, kinh tế khá. Gia đình ông Vân đang trồng gần 1ha bưởi, nhãn; xung quanh trồng chuối; dưới tán cây ăn quả, duy trì vườn chè... mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Phó chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất Đinh Như Hùng cho biết: Là một xã miền núi, tuy nhiên những năm qua với sự quan tâm của các cấp, ngành, bà con nơi đây đã được tiếp cận với công nghệ mới, biết làm ăn kinh tế, nên trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình trồng thanh long ruột đỏ, trồng bưởi; chăn nuôi gà, dê, bò… cho hiệu quả kinh tế cao. Xã đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện Thạch Thất tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11741
Tổng lượng truy cập: 22162636