Gia Lâm phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành quả trong việc hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người dân tăng cường đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn... nhằm hỗ trợ bà con nông dân tổ chức sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần ổn định đời sống, nhiều mô hình giúp người dân vươn lên làm giàu.

Giữ một vị trí quan trọng, là huyện cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, trong những năm gần đây huyện Gia Lâm đã có diện mạo mới và chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành thành phố, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả thiết thực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; mô hình kinh tế trang trại cũng phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, đội ngũ những người làm công tác khuyến nông trên địa bàn TP Hà Nội đã luôn đồng hành, sát cánh cùng với nông dân huyện Gia Lâm, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong chỉ đạo sản xuất; xây dựng mô hình, điển hình; chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp... Từ các mô hình trình diễn tập trung vào mũi nhọn 3 cây - 3 con do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, huyện Gia Lâm đã phát huy lợi thế, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, như: vùng sản xuất rau sạch ở Văn Đức, Đặng Xá; chăn nuôi lợn nạc ở Văn Đức, Trâu Quỳ, Đa Tốn; chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở Phù Đổng, Trung Mầu …..

Ông Đinh Trọng Quý (thôn Sơn Hô, xã Văn Đức) cho biết, được thụ hưởng từ mô hình khuyến nông, những năm 1998, gia đình anh là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi lợn nạc, mô hình sản xuất rau sạch. Mô hình đã mang lại thu nhập cao cho gia đình, cũng đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại, gia trại tập trung khép kín, cách xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm do chất thải chăn nuôi.

Từ phát triển các mô hình khuyến nông hiệu quả, huyện Gia Lâm đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu giảm diện tích trồng cây lương thực, mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn; vùng chăn nuôi xa khu dân cư; nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao và bền vững theo “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025”. Nhờ đó đến nay, huyện đã phát triển được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất. Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, riêng từ năm 2019 -2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Gia Lâm triển khai 16 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa tại các xã, thị trấn với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Việc cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi giúp nông dân giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí công, bảo đảm thời vụ... Đồng thời, từ năm 2019 - 2022, huyện đã xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho nông sản thực phẩm tại 12 xã; hỗ trợ đăng ký và cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, toàn huyện đang duy trì và phát triển 1.693,5 ha trồng rau, củ, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó có 453,4 ha rau, củ an toàn, 1240,07 ha quả an toàn; duy trì và mở rộng thêm 110 ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 415,73 ha. Trong năm 2022, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức triển khai 29 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng, ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, quả, trong đó có: 8 mô hình sản xuất cà chua nhót, hoa, rau, quả trong nhà lưới tại các xã: Dương Quang, Lệ Chi, Đa Tốn, Trung Mầu, Phú Thị; 8 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong xử lý bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả, bao quả trên cây bưởi, chuối, trồng dưa chuột lai tại các xã: Phú Thị, Kim Sơn, Trung Mầu, Dương Quang, Phù Đổng, Đặng Xá, Văn Đức; 3 mô hình sản xuất hoa giấy, cà pháo, dưa lê vàng theo hướng sinh thái hữu cơ tại các xã: Phù Đổng, Yên Thường…

Cùng với đó, những năm qua, quỹ Khuyến nông Hà Nội đã luôn song hành cùng bà con nông dân Gia Lâm, không chỉ đáp ứng nhu cầu về vốn mà còn là lực đẩy giúp sản xuất nông nghiệp phát triển tại địa phương.  Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất-Kinh doanh-Dịch vụ Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết. “Tôi tiếp cận với Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội được 2 lần với thời gian vay 4 năm, mỗi lần vay đều đạt mức tối đa là 500 triệu. Về thủ tục vay, chúng tôi được Trung tâm khuyến nông tạo điều kiện rất thuận lợi bởi khi Trung tâm về thẩm định đã thấy có những hoạt động sản xuất, kinh doanh rất thực tế. Lợi thế của quỹ là phí quản lý thấp, lại 6 tháng mới phải nộp 1 lần trong khi lãi suất của Ngân hàng thì cao hơn mà còn phải nộp lãi hàng tháng”.

Ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản xuất theo vùng, chuyên canh tập trung; phấn đấu chuyển đổi 60 ha diện tích đất trồng màu, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, tập trung tại các xã: Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Xá, Văn Đức, Yên Thường; xây dựng 16 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng trong sản xuất rau, hoa, quả theo hướng VietGAP, sinh thái hữu cơ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu nâng tổng diện tích sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP lên 515,73 ha.... Đồng thời, gắn phát triển sản xuất hàng hóa của vùng chuyên canh với thị trường, khuyến khích sản xuất hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến đầu tư hàng nông sản thực phẩm… nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững./.

                           

 

 

Nguyễn Thị Vàn - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1814
Tổng lượng truy cập: 22177709