Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tích cực triển khai mô hình cơ giới hóa
Bên cạnh đẩy mạnh các mô hình khuyến nông ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình cơ giới hóa và vay cơ giới hóa thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông thành phố cũng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tích cực triển khai trong năm 2018. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Từ thành công của mô hình khuyến nông trình diễn “dây chuyền gieo mạ khay tự động” tại HTXNN Liên Thôn xã Liệp Tuyết do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2017. Nhằm chủ động nguồn mạ cho sản xuất, đồng thời nhân rộng chuyển giao tiến bộ khoa học mới cho bà con nông dân, năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã tổ chức sản xuất mạ khay bằng dây chuyền gieo tự động để cung cấp mạ cho bà con trên địa bàn huyện. Thực tiễn cho thấy lợi ích của mô hình sản xuất mạ khay là rất lớn, người nông dân có thể chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết nhất là với vụ xuân khi thời tiết gặp rét đậm, rét hại kéo dài. Đặc biệt, mạ khay được cấy bằng máy không chỉ thuận tiện cho nông dân trong việc chăm sóc và cây lúa đảm bảo sinh trưởng tốt, đồng ruộng thông thoáng ít bị sâu bệnh hại mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, góp phần tăng năng suất. Tuy nhiên, để các mô hình cơ giới hóa nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía bà con nông dân trên địa bàn huyện, thì Trạm Khuyến nông cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Song song với việc triển khai các mô hình sản xuất, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai các dạng mô hình cơ giới hóa, như mô hình Máy gặt đập liên hợp (quy mô 3 máy), mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động (quy mô 3 dây chuyền), mô hình máy cấy lúa (quy mô 7 máy), mô hình máy làm đất đa năng dưới 10 mã lực (quy mô 36 máy),...Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn quỹ khuyến nông thành phố hỗ trợ cho vay cơ giới hóa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức thẩm định 27 phương án vay vốn thực hiện cơ giới hóa, trong đó, đã giải ngân cho 23 phương án với số tiền là 8,15 tỷ đồng. Thực tế triển khai cho thấy, các mô hình cơ giới hóa và cho vay cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong trong sản xuất nông nghiệp đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động và chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Nhằm đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, thực hiện sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông  Hà Nội đã và đang tích cực triển khai chương trình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Theo đó, hàng năm Trung tâm xây dựng mô hình hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nông nghiệp (không quá 75 triệu đồng). Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông hỗ trợ cho vay cơ giới hóa với mức cho vay tối đa 100% giá trị sản phẩm và hỗ trợ 100% phí quản lý trong 3 năm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp để có thêm các kênh hỗ trợ và chăm sóc khách hàng khi mua máy.

Sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho năng suất, chất lượng hiệu quả cao, là điều kiện thuận lợi để Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai các mô hình trình diễn và hỗ trợ cho vay cơ giới hóa trong sản xuất. Để mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt trong khâu cấy lúa tiếp tục được mở rộng trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Lưu Cầu – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ đẩy mạnh xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tích cực thẩm định, giải ngân cho các hộ vay vốn Quỹ Khuyến nông để mua máy và các trang thiết bị cơ giới nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đa dạng có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để đẩy mạnh hỗ trợ người dân và địa phương nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn.

Mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao...Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại các huyện ngoại thành Hà Nội mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và khâu thu hoạch. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, ngành nhằm phát huy lợi ích và hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa.

Lưu Thị Phượng - Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - TTKN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1948
Tổng lượng truy cập: 22014411