Hiệu quả các mô hình Khuyến nông chăn nuôi, thủy sản tại huyện Ba Vì

          Trong những năm qua, huyện Ba Vì  luôn là một trong những địa phương triển khai các mô hình Khuyến nông thành công  do nông dân tiếp nhận và thực hiện tốt các TBKT mới. Các mô hình Khuyến nông ở đây đạt được kết quả cao là do đã làm tốt các bước triển khai từ công tác chuẩn bị đến tổ chức thực hiện như: Chọn điểm, chọn hộ phù hợp;  nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật;  Trạm Khuyến nông huyện và Chính quyền địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo.

          Năm 2017, nhằm phát huy điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất trên địa bàn huyện Ba Vì, Trung tâm khuyến nông triển khai 2 mô hình Khuyến nông chăn nuôi cho nông dân Ba Vì. Đó là mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn và mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học. Đây là những mô hình đòi hỏi các hộ tham gia phải có diện tích vườn đồi và ao rộng để đảm bảo mật độ chăn nuôi. Thông qua thực hiện 2 mô hình sẽ giúp người chăn nuôi áp dụng các TBKT chăn nuôi gia cầm và thủy sản an toàn sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Các mô hình đều được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học...; Mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn có quy mô 10.000 con, do 17 hộ tham gia thuộc 2 nhóm tại xã Phú Cường và thị trấn Tây Đằng, mỗi hộ chăn nuôi 500 - 1.000 con theo hướng chăn nuôi ATSH. Bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng nhóm hộ nuôi gà, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì cho biết: Sau khi nhận gà giống 1 ngày tuổi, các hộ áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã được tập huấn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ chỉ đạo luôn có mặt để hướng dẫn các hộ tuân thủ các yêu cầu mỗi giai đoạn như: Kỹ thuật úm gà, tuân thủ lịch tiêm phòng, kỹ thuật cho ăn, cho uống và định kỳ vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và môi trường v.v... Do vậy, từ khi nhập giống chăn nuôi đến nay đã hơn 5 tháng, gà không bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống trên 95%, đạt trọng lượng bình quân từ 1,5-1,7 kg/con.

Dự tính đến khi xuất chuồng trọng lượng bình quân của gà Mía đạt 1,8-2,3 kg/con. Đây là gà nuôi theo hướng ATSH nên sạch bệnh, chất lượng, dễ tiêu thụ. Theo giá gà Mía thời điểm hiện tại là 75.000 đ/kg thì hạch toán 1.000 con gà sẽ cho thu lãi từ 22 - 25 triệu đồng. Mỗi nhóm hộ thực hiện mô hình sẽ đạt mức lãi từ 110-120 triệu đồng.  Như vậy, Mô hình chăn nuôi gà Mía ATSH vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa an toàn dịch bệnh và tạo ra sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Mô hình chăn nuôi gà mía ATSH được triển khai tại 2 xã đã giúp cho nông dân chăn nuôi hiệu quả hơn so với chăn nuôi thông thường trước đây và được chính quyền địa phương đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Mô hình đã giúp cho nông dân ở đây đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà thả vườn, nâng cao uy tín của thương hiệu "gà đồi Ba Vì".

          Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng ATSH, quy mô 2 ha được triển khai tại 4 hộ thuộc xã Vạn Thắng cũng là một trong những mô hình khuyến nông đạt kết quả đang ghi nhận. Xã Vạn Thắng là xã có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Nhiều hộ ở đây đang phát triển chăn nuôi quy mô trang trại nên rất nắm vững kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng ATSH sẽ giúp cho các hộ tiếp thu các TBKT mới để áp dụng chăn nuôi cá nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nước. Yêu cầu của chăn nuôi thủy sản ATSH là phải định kỳ xử lý môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh, hàng ngày kiểm tra các chỉ số PH, NH3, NO3, NO2...để điều chỉnh mực nước, lượng thức ăn kết hợp với thuốc phòng bệnh v.v.... Theo ông Trần Đức Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Ba Vì, mô hình thực hiện nuôi cá rô phi đơn tính Novit thả ghép với giống cá chép V1. Đây là những giống cá có ưu thế về khả năng thích ứng cao và tốc độ tăng trọng nhanh so với các giống khác. Việc cho cá ăn từng giai đoạn, xử lý môi trường và phòng bệnh cho cá được thực hiện theo quy trình có sự giám sát và hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo mô hình nên đã giúp cho các hộ áp dụng các kiến thức mới đúng với yêu cầu kỹ thuật ATSH. Qua theo dõi cho thấy: Tỷ lệ cá sống đạt 83%, trọng lượng bình quân sau 5 tháng đạt 700 gam/con. Đây là những chỉ số kỹ thuật đạt và vượt yêu cầu. Dự kiến đến khi thu hoạch trọng lượng bình quân có thể đạt trên 800 gam/con, trừ các chi phí mỗi hộ có lãi trên 70 triệu đồng. Đây chính là sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng đang được thị trường ưa chuộng.

Với những kết quả đạt được của mô hình chăn nuôi gà Mía, chăn nuôi thủy sản theo hướng ATSH đã tiếp tục khẳng định sự thành công của các mô hình Khuyến nông trên địa bàn huyện Ba Vì. Đây là những mô hình có ý nghĩa thực tiễn cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Ba Vì nên sẽ được nông dân Ba Vì và các địa phương lân cận có điều kiện tương tự học tập, nhân rộng để đưa các sản phẩm chăn nuôi chất lượng tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ./.

Phạm Phóng – Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 965
Tổng lượng truy cập: 22087799