Tổ chức cộng đồng diệt chuột bảo vệ sản xuất và sức khỏe con người

1. Nguyên nhân bùng phát dịch chuột

Thứ nhất, do các loài thiên địch của chuột bị suy giảm nghiêm trọng không đủ khả năng khống chế sự gia tăng số lượng của chuột. Trong đó việc sử dụng thuốc hóa học cấp tính làm cho mèo, rắn, cú lợn, cú mèo,...đều bị chết hoặc việc phá rừng, săn bắn quá mức để làm thức ăn đặc sản hay xuất khẩu lậu ra nước ngoài dẫn tới số lượng thiên địch của chuột bị suy giảm đáng kể.

Thứ hai, do sự đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ làm cho nguồn thức ăn trên đồng ruộng luôn dồi dào cả về số lượng và chất lượng tạo điều kiện cho cường độ sinh sản của chuột tăng lên.

Thứ ba, do công tác diệt chuột tại các địa phương chưa liên tục, chưa hiểu biêt sâu sắc về chuột, kỹ thuật diệt chuột còn hạn chế dẫn đến hiệu quả diệt chuột chưa cao.

2. Đặc điểm chính và vấn đề cần quan tâm

Chuột chia thành khoảng 35 họ, mỗi họ có khoảng 350 loài. Ở Việt Nam họ chuột có 43 loài, ở Hà Nội họ chuột có khoảng trên 10 loài . Trong đó chuột đồng lớn và chuột đồng nhỏ chiếm khoảng 80% là hai loài gây hại chính. Chuột đồng có một số đặc điểm chính sau:

Một là, chuột sinh sản rất nhanh: theo khảo sát, chỉ trong một năm, một cặp chuột tạo ra cả một bày đàn cộng lại có thể tới hàng nghìn con; nguyên nhân là chuột phát dục nhanh, số lần đẻ nhiều, thời gian mỗi lứa đẻ ngắn, số con mỗi lần đẻ đông. Ở điều kiện bình thường, trong một năm chuột có thể đẻ từ 2-8 lứa; mỗi lứa 4-8 con, nhiều là 12-17 con. Chuột con chỉ sau 20 ngày tuổi có thể rời mẹ để sống độc lập; chuột sau 2 tháng tuổi là có thể bắt đầu mang thai, khoảng cách giữa các lứa đẻ từ 41- 60 ngày, một đời chuột có khả năng đẻ từ 3-4 lứa. Thời gian sống trung bình của chuột trên 1 năm.

Từ đặc điểm sinh học này cần phải diệt chuột thường xuyên, liên tục không nên thỏa mãn với kết quả đã diệt chuột hiện tại và cần nhận thức rằng "Số chuột diệt được rất quan trọng, nhưng vấn đề quan tâm là số chuột còn lại".

Hai là, chuột rất đa nghi: do thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác của chuột rất phát triển, chúng có thể nghe được các âm thanh cao tần tốt hơn tai người. Ria mép dài hay lông mọc quanh mồm chuột là xúc giác rất nhạy bén. Khứu giác cực kỳ tinh tế có thể là nguyên nhân của nhiều câu chuyện về sự "Thông minh" của chuột.

Chuột có thể phát hiện mùi hóa chất với hàm lượng rất thấp, không dễ gì ăn hoặc gặp vật lạ nếu chưa xem xét kỹ. Thức ăn lạ ít khi chuột ăn ngay mà thường phải thăm dò 1-2 ngày. Răng cửa của chuột rất lợi hại không những để gặm nhấm, đào bới, đánh nhau mà còn để thử thức ăn. Chuột không dễ gì ăn nhiều ngay một lúc, mà chúng thường thử với một lượng rất ít, nếu có dấu hiệu khác lạ hoặc thấy đồng loạt chết chúng sẽ không ăn nữa.

Đặc điểm sinh học này có liên quan đến kỹ thuật diệt chuột. Các loại bả sử dụng thuốc hóa học độc cấp tính gây chết ngay như phosphua kẽm,... hiệu quả diệt chuột rất thấp, số lượng chuột chết thấp, không đáng kể so với lượng chuột hiện có. Các loại bẫy có tiết diện vật cản lớn như: bẫy lồng, bẫy chém,... không có hiệu quả. Chỉ nên sử dụng các loại chuột chết chậm như: Rat-K, Ranpart, Biorat,... bẫy bán nguyệt.

Ba là, chuột di chuyển xa, di chuyển nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Bình thường chuột di chuyển vài trăm mét xa nơi trú ngụ, nhưng khi gặp khó khăn về điều kiện sống hoặc có thể vì lý do nào khác chuột có thể di cư xa nhiều kilômet. Đây là đặc điểm khác với các loài dịch hại khác. Chuột không chỉ gây hại một nơi, mà có thể gây hại nhiều nơi. Cho nên một người, một nhóm người không thể diệt chuột và hạn chế sự gây hại của chuột mà phải cả cộng đồng diệt chuột.

Bốn là, chuột đi lại hàng ngày theo một đường, cố định ven bờ ruộng cỏ dại che khuất, nếu gặp vật cản chuột sẽ tránh sang lối khác. Do đó khi sử dụng các bả hoặc các bẫy có mồi không nên đặt đúng vào đường đi mà cần phải đặt cạnh đường đi của chuột hoặc không nên sử dụng các loại bẫy có tiết diện lớn.

Năm là, chuột sinh sản quanh năm, nhưng sinh sản nhiều nhất vào tháng 4, 5 và tháng 8, 9 từ khi lúa làm đòng - chín. Vụ mùa chuột sinh sản nhiều hơn vụ xuân. Số lượng chuột tăng dần từ đầu năm đến cuối năm, đạt đỉnh cao vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và cao nhất vào tháng 10, thời gian giữa 2 vụ và đầu vụ kế tiếp số lượng chuột giảm; thấp nhất ở tháng 01, 2, đầu tháng 3, cuối tháng 6, đầu tháng 7, tháng 12; đặc biệt từ tháng 01 do thiếu thức ăn, nơi cư trú và rét chuột giảm số lượng rất mạnh. Sự biến động của quần thể chuột liên quan đến thời điểm diệt chuột, đặc biệt diệt được 01 con chuột đầu vụ xuân bằng hàng trăm con ở các vụ sau.

Sáu là, chuột hoạt động mạnh ở những nơi cư trú hoặc đào hang: gò, đống, nghĩa địa, đường mương lớn, những khu đất xen kẹt bỏ hoang,... Những nơi có nhiều hang ổ, dấu chân, lông, phân chuột, nơi cây trồng, đồ vật bị cắn phá nhiều là dấu hiệu có nhiều chuột. Việc diệt chuột cũng phải tập trung vào những địa điểm và dấu hiệu trên.

Bảy là, chuột sử dụng thức ăn chính là chất bột như: các loại hạt, củ, quả cho nên mồi để bẫy, bả cũng sử dụng các loại chất bột là chính. Từ khi làm đất đến lúa đứng cái sở thích của chuột là mộng mạ, mộng ngô, thóc luộc, khoai lang, chuối xanh,... Từ khi lúa làm đòng đến chín chuột cần ăn thêm thức ăn có chất đạm như tôm, cua, cá,... Sử dụng mồi để bẫy bả phải căn cứ vào sở thích của chuột trong từng giai đoạn.

Tám là, chuột leo trèo giỏi, có khả năng nhày cao trên 50 cm, nên đa số rào cản bằng nilon với chiều cao như hiện nay đều không có tác dụng.

Chín là, yếu tố hạn chế sự phát triển của chuột là thức ăn, nơi cư trú và nhất là thiên địch của chuột. Các loài động vật hoang dã như: cú lợn, cú mèo, trăn, rắn sọc dưa, rắn ráo, mèo rừng, cầy hương,...động vật nuôi như mèo, chó. trong đó quan trọng nhất là mèo, cú và rắn. Cần bảo vệ các loài động vật hoang dã cấm săn bắt, nhân nuôi đàn mèo là biện pháp tốt nhất hạn chế và phát triển sự gây hại của chuột.

3. Sự cần thiết phải tổ chức cộng đồng diệt chuột

Chuột là sinh vật hại khác biệt với sâu, bệnh cỏ dại, chuột di chuyển xa, gây hại cả nơi gần và nơi xa nên một người, một nhóm người không thể diệt được chuột mà phải cả cộng đồng diệt chuột trong cùng một thời điểm. Chuột sinh sản nhanh, gây hại lớn do luôn phải mài răng cửa nên phải diệt chuột thường xuyên, liên tục với phương châm “số chuột diệt được không quan trọng bằng số chuột còn lại”: một đôi chuột đồng sinh con, cháu, chắt sau 1 năm được  2000 con; một đôi chuột cống sau 1 năm sinh được 800 con, sau 3 năm được 20 triệu con; 1 con chuột ăn 13-20 kg thóc/năm (Hà Nội năm cao nhất trên 10 triệu con chuột ăn khoảng 100 nghìn tấn nông sản tương đương 1000 nghìn tỷ đồng), nhưng lượng nông sản bị làm bẩn, vương vãi không sử dụng được gấp 10 lần; chuột còn gây hại nguyên liệu, vật liệu, vật nuôi, vật dụng gia đình, công trình: văn hoá, giao thông, thuỷ lợi, nhà cửa, đặc biệt chuột là nguyên nhân lây truyền 30% bệnh nguy hiểm cho người như dịch hạch, sốt chuột, hoàng đản xuất huyết, suy gan, suy thận cấp hiện chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng cho nên phải diệt chuột cả ngoài đồng và khu dân cư.

4. Biện pháp diệt chuột chính

Cần phải diệt chuột tổng hợp bằng các biện pháp. Tuy nhiên theo điều kiện kinh tế, khả năng tổ chức và nhận thức của địa phương mà lựa chọn biện pháp phù hợp với từng thời điểm. Lựa chọn biện pháp cần dựa vào các tiêu chí: hiệu quả diệt chuột cao, chi phí thấp, an toàn cho người, vật nuôi và dễ tổ chức đồng loạt cả cộng đồng như: thuốc diệt chuột độc mãn tính (Rat-K, Ranpart,…), bẫy bán nguyệt,...

- Diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt: chọn bẫy có mặt tĩnh và mặt động trùng khít nhau, làm bằng thép cứng, có trên 18 vòng, lẫy thẳng phải trơn, khi gài có độ dài tương đương lẫy gài. Có thể gia công thêm miếng sắt, miếng cao su,...gắn chặt vào lẫy gài. Hoặc cải tiến bẫy bằng cách gắn chặt bẫy bán nguyệt vào miếng gỗ, khoét lỗ đối xứng và rộng hơn vật đối trọng để diệt chuột trong khu dân cư, trên cây, trên tường,...Xác định địa điểm diệt chuột bằng việc quan sát lối đi, cửa hang có nhiều vết chân mới, phân chuột mới,... ruộng mạ, ruộng lúa, ruộng cây trồng có dấu hiệu mới bị chuột gây hại,..Trước khi đặt bẫy phải kiểm tra lại độ nhạy, đặt trực tiếp bẫy vào cửa hang, mặt tĩnh hướng vào trong, mặt động hướng ra ngoài. uốn lẫy gài tạo thành một góc với mặt phẳng đặt bẫy khoảng 30-450. Đặt bẫy vuông góc với lối chuột đi, mặt tĩnh trùng với lối chuột đi; mặt tĩnh và mặt động phải được phủ kín bằng bùn, đất; phía dưới lẫy gài phải khoét đất tạo thành một khoảng trống để lẫy gài chuyển động thuận lợi hoặc không bị vướng; giữ bẫy bằng sợi dây dẻo, dai với một đầu có cọc. Chuột hoạt động mạnh khi sắp tối và gần sang; vì vậy đặt bẫy phải xong trước khi trời tối; sau 2-3 giờ kiểm tra thu chuột, rửa sạch bẫy, chuyển sang vị trí mới cách nơi cũ 10-15 mét; sau 2-3 giờ tiếp tục kiểm tra, thu chuột, rửa sạch bẫy chuyển sang vị trí mới; sáng hôm sau thu chuột, chuyển bẫy về nhà rửa sạch, ngâm nước bùn, lau dầu,...Diệt chuột trong khu dân cư, vườn cây sử dụng loại bẫy đã được cải tiến, đặt mặt tĩnh đúng đường đi của chuột như: nền nhà, chuồng trại, sân, vườn hoặc treo bẫy trên tường, trên cây,...; có thể dẫn dụ chuột bằng dụng cụ đựng nông sản để hở, hay sử dụng thức ăn thừa của vật nuôi, hoặc một ít nông sản,... rải gọn một nơi gần khu vực chuột hoạt động mạnh hoặc ít người qua lại; sau 3-5 ngày có dấu hiệu chuột đến ăn sẽ tiến hành đặt bẫy. Có thể dùng bùn ao, bùn ruộng,...dẫn dụ chuột đến.

- Diệt chuột băng thuốc độc mãn tính (Rat-K, Ranpart,..): Rat-K, Ranpart,..là thuốc diệt chuột thuộc nhóm "chống đông máu", chứa 2% chất chống đông máu Wafarin, không có mùi, gây chết chậm; chuột không chết tại chỗ nên không làm chuột tránh bả; sau khi ăn bả chuột bị xuất huyết toàn thân, xù lông, lờ đờ, bò vào hang hoặc nơi kín và chết sau 4-7 ngày; ít độc hơn so với nhiều loại thuốc hóa học trước đây (đánh bả theo hướng dẫn chưa có hiện tượng chết vật nuôi). Mồi làm bả là thóc luộc, cần luộc phải nứt vỏ trấu (cứ 1 kg thuốc cần luộc 30 kg thóc để được gần 50 kg mồi). Gói 10 gram thuốc trộn với 0,5 kg mồi, khi trộn phải đủ ẩm và trộn thật đều với thuốc. Nếu làm bả với số lượng lớn cần rải mỏng 5 kg mồi trên nilon hoặc giấy...rắc đều 100 gram thuốc sau đó đảo đều. Sử dụng trung bình 0,1 kg bả đặt thành 5-7 phần cho 1 sào bắc bộ hoặc 1 hộ trong khu dân cư. Tuỳ theo mức độ hoạt động, mức độ gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng bả. Tập trung đặt bả ở những ruộng ven làng, gò đống, nghĩa địa, bờ mương lớn, nơi cây trồng bị hại,...; gần những nơi có nhiều thức ăn như: chợ, bến tàu xe, cửa hàng ăn uống, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi...; lối đi, cửa hang có vết chân chuột mới. Nên gói bả vào túi nilon nhỏ (hở một đầu) để tránh rửa trôi thuốc do mưa, sương hoặc nước thấm lên từ đất...Thời gian rải bả vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối. Thời điểm tốt nhất khi lúa ở giai đoạn đứng cái. Đặc biệt lưu ý theo dõi thời tiết để quyết định ngày rải bả không bị mưa. Thuốc Rat-K, Ranpart tương đối an toàn với người và vật nuôi, nhưng khi trộn thuốc và đặt bả phải đeo găng tay, khẩu trang, đeo kính và không dùng các vật dụng trong gia đình để trộn thuốc; không để thuốc trong tầm tay trẻ em, không để gần nguồn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; đặt bả trong khu dân cư vào chập tối, sáng sớm thu lại; trước khi đặt bả phải nhốt vật nuôi và thu lại bả trước khi thả vật nuôi; nhốt chó, mèo khoảng 7 ngày từ khi đặt bả; không thả vật nuôi ở khu vực đặt bả ngoài đồng từ 2-3 ngày (từ khi đặt bả); khi người, vật nuôi bị ngộ độc hoặc triệu chứng phân có máu cần giải độc ngay bằng Vitamin K và chuyển người bị ngộ độc đến bệnh viện.

5. Tổ chức cộng đồng diệt chuột

Diệt chuột không chỉ có yếu tố kỹ thuật mà phải có yếu tố xã hội, yếu tố cộng đồng. Hiện nay đã tổng kết được những biện pháp diệt chuột hiệu quả như: bẫy bán nguyệt, thuốc diệt chuột độc mãn tính (RatK, Ranpart,…), nhưng tổ chức được cả cộng đồng diệt chuột mới có ý nghĩa quyết định. Công tác chỉ đạo diệt chuột phải được thống nhất và quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng. Huy động cộng đồng trực tiếp tham gia diệt chuột nên thực hiện hình thức giao khoán chỉ tiêu diệt chuột có thưởng phạt đến từng hộ gia đình, gắn trách nhiệm của mọi người, của khu đa canh, của doanh nghiệp, của các dự án công nghiệp, đô thị với công tác diệt chuột. Huy động gián tiếp cộng đồng tham gia diệt chuột bằng hình thức xây dựng quỹ diệt chuột cơ sở. Quỹ diệt chuột sử dụng cho mua bẫy, mua mèo, mua thuốc, chi trực tiếp hoặc hình thức bảo hiểm cho đội chuyên diệt chuột, cho tập huấn, hướng dẫn,...Chuyên môn hóa con người và kỹ thuật diệt chuột trên cơ sở thành đội chuyên diệt chuột kết hợp với trách nhiệm đóng góp của mọi người bằng phương pháp xây dựng quỹ diệt chuột và thực hiện với hình thức bảo hiểm theo quy mô thôn, đội hoặc HTX. Tổ chức và nâng cao vai trò của tổ đội diệt chuột tại các địa phương, tùy từng nơi có thể kết hợp đội chuyên diệt chuột với sự tham gia của các đoàn thể, trường học và toàn dân ở những thời điểm nhất định. Tổ chức diệt chuột tập trung, đồng loạt toàn thành phố mỗi vụ một lần bằng thuốc diệt chuột độc mãn tính. Chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm diệt chuột, đền bù thiệt hại của doanh nghiệp, của các hộ ở các khu công nghiệp, khu đô thị, xen kẹp bỏ hoang, khu đa canh, của trang trại chăn nuôi, thuỷ sản, trồng rau, hoa, quả. Tập trung diệt chuột ở diện tích chuột hại nặng, sau chiến dịch diệt chuột bằng các biện pháp thủ công. Bảo vệ và phát triển thiên địch của chuột như chim cú, rắn, mèo,…kết hợp với những quy định chặt chẽ về kinh doanh và sử dụng thuốc hóa học tại cơ sở. Diệt chuột cả ngoài đồng và trong dân cư, tổ chức diệt chuột bảo vệ sản xuất kết hợp với bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cần thành lập ban chỉ đạo diệt chuột các cấp, phân công trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, khu dân cư. Tổ chức tập huấn cho nhóm nòng cốt hoặc nông dân và tuyên truyền nhiều lần trên đài truyền thanh của địa phương. Tính toán lượng bả, phân phối bả hoặc thuốc và mồi cho các tổ, đội, khu đồng. Theo dõi thời tiết để quyết định ngày rải bả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Triển khai, kiểm tra, giám sát và tổng kết việc thực hiện.

 

Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4560
Tổng lượng truy cập: 22292262