Quản lý an toàn thực phẩm nông nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực
Thời gian qua, để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc cơ cấu lại lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tăng cường kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.
 
             Sản phẩm rau của xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Tùng Sơn

- Xin ông cho biết, thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực an toàn thực phẩm gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã triển khai những chương trình, đề án, kế hoạch nào?

- Thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện như: Kế hoạch duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020; kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp Hà Nội...

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Để quản lý các cơ sở này, đến nay, Sở đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có 98% số cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hơn 92% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã ký cam kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm…

- Để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc, ngành Nông nghiệp đã xây dựng vùng sản xuất và kiểm tra như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói, thời gian qua việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được ngành Nông nghiệp quan tâm và chú trọng. Đến nay, Sở NN&PTNT đẩy mạnh phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng cho rau an toàn (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích hơn 1.806ha; hơn 1.300ha rau, quả, chè theo hướng VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ 32 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng...

Hiện toàn thành phố đã xây dựng 141 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường. Trong giai đoạn 2017-2020, các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp đã lấy hơn 13.000 mẫu, tỷ lệ mẫu đạt yêu cầu hơn 95%; tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.012 cơ sở, phát hiện 268 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm gần 2 tỷ đồng, tiêu hủy hơn 36 tấn sản phẩm vi phạm.

- Ông có thể chia sẻ vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hiện nay còn có những khó khăn gì?

- Bên cạnh những kết quả đã đạt, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn do việc triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều. Ngoài ra, việc tuyên truyền tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố và đăng ký mã QR code cho sản phẩm của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhận thức được những lợi ích và hiệu quả.

Hiện nay, việc lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, chưa đánh giá được toàn diện; vẫn còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận nên còn trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm…

- Để tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện các văn bản phân công, phân cấp về quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn; phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7043
Tổng lượng truy cập: 21987443