CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT ĐỐI VỚI MẶT HÀNG GIA SÚC, GIA CẦM ĐÔNG LẠNH NHẬP KHẨU VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
I. Đặc điểm tình hình Hiện tại, Hà Nội tổng diện tích canh tác rau là khoảng 12.000 ha; phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại rau, năng suất rau trung bình đạt 20 tấn/ha/vụ, sản lượng rau ước đạt gần 600 nghìn tấn/năm, tương đương 1.645 tấn/ngày.

Đối với ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2017 đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn, nguyên nhân do những năm trước tình hình chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư mở rộng đàn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi chịu thua lỗ và gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian quan, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã chủ động rà soát quy hoạch vùng sản xuất, phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án như đề án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, đề án phát triển chăn nuôi, chương trình phát triển, nuôi trồng thủy sản … Nhiều mô hình sản xuất đã thu hút được đối tượng tham gia là các hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp sản xuất và chế biến rau quả, các siêu thị, các cửa hàng phân phối. Đã duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi có nguồn gốc thực vật). Phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi.

Bên cạnh kết quả đã đạt được công tác quản lý nông sản, thực phẩm vẫn gặp phải những khó khăn thách thức

- Quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200 nghìn hộ.

- Hoạt động của các cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ, nuôi phân tán, sản phẩm cung cấp không đồng đều chưa phát triển vùng chăn nuôi cung cấp nguồn vào cho cơ sở giết mổ công nghiệp ổn định. Các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn cung tới gần 80% thịt các loại, quy mô nhỏ, số lượng lớn còn chưa được kiểm soát theo quy định sẽ là nguy cơ rất lớn đối với đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cho người và động vật.

- Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV không ngừng tăng lên, hiện tại có 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm; các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc BVTV liên tục quảng cáo với nhiều hình thức và chính sách khuyến mại hấp dẫn, cùng với sự phong phú của trên 40 loại rau, sự đa dạng và diễn biến phức tạp của sâu bệnh làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc BVTV, đặc biệt đối với các hộ chưa được huấn luyện về IPM.

- Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các qui định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT. 

- Người tiêu dùng thiếu lòng tin với rau an toàn khi không thể phân biệt rau an toàn với rau không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp, nhưng có rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, theo đó là bất cập: giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi (xa nơi ở, phải gửi xe, bán vào thời điểm đi làm) dẫn tới phá sản.

- Liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTXNN rất hạn chế: mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cho nên hầu hết không dịch vụ đầu ra cho nông dân.

- Hệ thống chứng nhận chất lượng rau an toàn như VietGap chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật rất phức tạp, chi phí áp dụng rất cao nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận, trong khi đó không thể có sản xuất quy mô lớn bởi hệ lụy không tích tụ được ruộng đất do sản xuất rau đang có giá trị cao, nông dân chưa sẵn sàng nhượng đất khi chưa có sinh kế khác hơn trồng rau; kế theo đó chưa có hệ thống chứng nhận chất lượng rau an toàn có sự tham gia của nhà kinh doanh và người tiêu dùng.

II. Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu và công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản

Hiện tại, còn có kẽ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát đối với thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu thể hiện ở chỗ thông tin về tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt còn hạn chế. Hầu như rất ít khi có thông tin rõ ràng, cụ thể về tình hình nhập khẩu thịt từ nước nào, chủng loại, giá cả ra sao...

Qua kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, bảo quản đối với thịt động lạnh khi cơ sở xé lẻ đóng gói để bán thì việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm, cũng như tem nhãn và thời hạn sử dụng,… gặp rất nhiều khó khăn; phần nhiều phụ thuộc vào ý thức đạo đức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Lực lượng thanh tra ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý nói chung và đối với mặt hàng gia súc, gia cầm. Đã thanh tra, kiểm tra 89 đơn vị, đã phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đổi với 41 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; điều kiện bảo quản không đảm bảo..., tổng số tiền phạt nộp ngân sách là 289.495.000 đồng; buộc tiêu hủy 3 tấn sản phẩm nông lâm sản

III. Những giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm

Để góp phần kiểm soát chất lượng ATTP và tổ chức sản xuất cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành:

- Chủ động phối hợp với các huyện tư vấn lập các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn (RAT) tập trung; hướng dẫn các quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, quy trình rau hữu cơ để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT cho nông dân.

- Đẩy mạnh phát triển một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua các doanh nghiệp và hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, qua hệ thống thông tin, truyền thông: Bên hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm cần có chương trình quảng bá, giới thiệu, biểu dương cơ sở sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; rau an toàn; xây dựng Bản đồ số hóa về ATTP trong sản xuất rau và website về Rau an toàn Hà Nội. Thỏa thuận hợp tác về sản xuất và tiêu thụ RAT với các tỉnh phía Bắc. Định kỳ tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, pano, tờ rơi … phổ biến đến người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

- Thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, quan tâm đến hệ thống bảo quản và chế biến. Xây dựng mô hình quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng công suất giết mổ để đáp ứng được yêu cầu.

- Tăng cường công tác quản lý, có chính sách thu hút đầu tư, tham mưu để Thành phố ban hành các quyết định có tính đặc thù để hỗ trợ khôi phục hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp đã đi vào hoạt động. Ban hành các quyết định khuyến khích xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định để áp dụng chính sách hỗ trợ của Thành phố. Ban hành các quy định nhằm quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sản phẩm động vật tiêu thụ phải có nguồn gốc rõ ràng; hình thành hệ thống các cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật sạch trên địa bàn Thành phố.

- Tập trung thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, các chất cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn cũng như trong chăn nuôi; vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, bảo quản, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản tươi sống; sản xuất, kinh doanh rau hoa quả …

- Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng trong Sở Nông nghiệp & PTNT đồng thời tổ chức phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Thành phố, chính quyền địa phương và sự hợp tác phối hợp kiểm soát với các tình bạn trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái quy định, vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.giết mổ động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội cũng như từ Hà Nội đưa đến các tỉnh thành khác./.

Nguyễn Bình Minh, Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6304
Tổng lượng truy cập: 22087799