Lợi ích từ liên kết chuỗi thực phẩm an toàn
Những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn được Sở NN&PTNT Hà Nội phát triển không chỉ góp phần mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia, mà còn giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

An toàn chất lượng là ưu tiên

Hơn 5 năm trước, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic (huyện Thường Tín) đã “bắt tay” với các nông hộ chăn nuôi lợn để phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho người dân. 100 trang trại trên cả nước trong mối liên kết với Organic Green phải tuân thủ quy trình chăn nuôi khép kín, được kiểm soát.

 

Các chuỗi liên kết góp phần mang đến nguồn cung nông sản, thực phẩm dồi dào và an toàn chất lượng cho người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn

“Đầu vào sản xuất gồm con giống, thức ăn, nước uống phải bảo đảm an toàn. Đầu ra là thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn cũng được xét nghiệm ngẫu nhiên để xác định hàm lượng các chất kháng sinh. Chúng tôi chịu trách nhiệm về chất lượng mỗi sản phẩm được gắn logo của DN…” - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ nói.

Trên diện tích đất nông nghiệp rộng hơn 250ha, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã bắt tay cùng hàng trăm nông hộ phát triển vùng canh tác rau an toàn; đồng thời liên kết với DN phân phối, bán lẻ tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho mặt hàng thực phẩm này.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, ngay từ khi phát triển mô hình canh tác rau an toàn tại vùng đất bãi ven sông Hồng, chất lượng là vấn đề được HTX đặc biệt chú trọng. Theo đó, HTX phối hợp cùng Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho thành viên.

“Qua việc vận động, tuyên truyền, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, người nông dân trên địa bàn xã tham gia chuỗi liên kết đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn để cung ứng cho thị trường” - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho hay.

Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green và HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức chỉ là 2 trong tổng số 154 chủ thể đang duy trì và phát triển có hiệu quả những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội. Ở đó, các DN, HTX và người nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, có đầu ra và thu nhập ổn định. Trong khi DN cũng chủ động được nguồn hàng, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, đồng thời kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm.

Giám sát chặt chất lượng

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, mà còn giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

“Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các chuỗi liên kết. Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật…” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.

Để tiếp tục nhân rộng những chuỗi liên kết thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, một số DN, HTX cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho TP có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn…

Liên quan đến đề xuất chính sách, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, tháng 7/2023, HĐND TP đã thông qua nghị quyết mới về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân. Nghị quyết mới sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, DN, HTX, người nông dân; từ đó, thúc đẩy phát triển những chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tạ Văn Tường cũng nhấn mạnh: Vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm không an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, giảm uy tín hàng hóa, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra của ngành nông nghiệp là tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Đồng thời, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8222
Tổng lượng truy cập: 22099279