Hà Nội hướng tới xây dựng “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ”
Sáng 17/4, tham luận tại Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể để phục vụ và người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); trong quá trình thực hiện Thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định của Trung ương cũng như điều kiện thực tiễn.

Quang cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội tiếp tục xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô, để đạt và vượt các chỉ tiêu CCHC đã được Đảng bộ Thành phố đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức; tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC; thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện việc cung cấp trực tuyến trong giải quyết TTHC, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu (Hà Nội được Chính phủ chọn Thí điểm thực hiện Đề án 06) tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số của Thành phố; Thành phố đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện TTHC lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Thuế - đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, giải quyết TTHC.

Kết quả rõ nét là Thành phố đã ban hành 15 Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211 thủ tục hành chính; quyết định ủy quyền giải quyết 578 TTHC. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị ngày 15/10/2023, xác định “thi đua nước rút 60 ngày đêm” khắc phục hoàn toàn 06 điểm nghẽn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Thực hiện tích hợp 781 dịch vụ công trực tuyến một phần, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện. Đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC Thành phố: 318 dịch vụ công toàn trình, 1.554 dịch vụ công một phần; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố thực hiện kết nối với Hệ thống quản lý văn bản điện tử Thành phố; triển khai thực hiện số hóa toàn trình 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa từ ngày đầu tiên của năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải tham luận tại Hội nghị


Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã được Thành phố chỉ đạo đổi mới theo hướng điện tử thống nhất trên toàn Thành phố; 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99.7%. Đã thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử, tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa: gần 214.000 hồ sơ, cấp trên 46.500 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Thành phố đã triển khai, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC gắn với sự đánh giá hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính và tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Thành lập và vận hành chính thức kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo (từ tháng 02/2022). Trong năm 2023 và quý I/2024, tổng số phản ánh, kiến nghị của Thành phố đã tiếp nhận trên 6.500 phản ánh, kiến nghị, đã xử lý xong 6.506 PAKN, còn 12 PAKN đang xử lý, đạt tỷ lệ 99.81%.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh ủy quyền giải quyết TTHC (mục tiêu giảm tầng, nấc trung gian trong thực hiện TTHC, cấp nào gần dân, sát dân thì giao cấp đó thực hiện để giảm chi phí, thời gian trong giải quyết TTHC của người dân) gắn với việc xây dựng quy trình giải quyết TTHC liên thông và giải quyết công việc nội bộ được chú trọng. Tính đến nay, UBND Thành phố đã ban hành 31 Quyết định, công bố 209 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố. Các sở, ban, ngành đã phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành gần 1.800 quy trình; cấp xã ban hành gần 3.000 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài TTHC) và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện. Các TTHC nội bộ được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố, trang Thông tin điện tử của các sở, ngành.

Thực hiện chuyển đổi số trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Thành phố đã cơ bản thực hiện một số nhiệm vụ như: Thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố. Đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 50 bệnh viện, 33 phòng khám đa khoa, 295 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VneID; với số lượng hồ sơ đã được đẩy thành công lên CSDL quốc gia về Bảo hiểm gần 2.000.000 hồ sơ để sẵn sàng hiển thị trên Ứng dụng VneID; thực hiện thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe (Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ) và tổ chức nhân rộng thử nghiệm tại 07 điểm trên địa bàn Thành phố.

“Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023), dự kiến Ngân sách không thu khoảng 37 tỷ/năm khi thực hiện và thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, gần 1.200 TTHC đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình và một phần; phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 TTHC được lựa chọn xây dựng DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân bước đầu được thụ hưởng nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử (như khám chữa bệnh bằng CCCD, thông báo lưu trú bằng VNeID, sổ sức khỏe điện tử...); lợi ích từ việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến (như được miễn, giảm phí khi thực hiện DVC trực tuyến; rút ngắn thời gian thực hiện 211 TTHC; tăng số lượng DVC trực tuyến để công dân có thể thực hiện giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, ở bất cứ đâu...); thực hiện chi trả chế độ ASXH không dùng tiền mặt, đồng bộ các dữ liệu giữa các Hệ thống; các ứng dụng CNTT, CĐS như: Tuyến phố không dùng tiền mặt, Quản lý lưu trú điện tử, Thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe…

Đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với trên 13.000 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử. Duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo. Thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, thành phố Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đặc biệt, Thành phố đã thực hiện kiện toàn và hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (Cải cách hành chính; Chuyển đổi số; Đề án 06) thành một Ban Chỉ đạo duy nhất với trực tiếp Trưởng ban là đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố, thành viên là Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; giao 01 đơn vị là cơ quan thường trực chung để điều phối và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ một các đồng nhất, không chồng chéo.

“Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể để phục vụ và người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT; trong quá trình thực hiện Thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy định của Trung ương cũng như điều kiện thực tiễn. Để công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của Thành phố đạt kết quả cao hơn nữa, Thành phố rất mong nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để Thành phố tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ CCHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới xây dựng một “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải bày tỏ.

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2843
Tổng lượng truy cập: 22177709