CHỦ ĐỘNG PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NẤM VÀ KÝ SINH TRÙNG TRÊN CÁ NUÔI

Thời tiết miền bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, đây là điều kiện môi trường thích hợp cho các loại nấm và ký sinh trùng phát triển mạnh gây hại cho các loài động vật thủy sản.

Để chủ động phòng và điều trị các bệnh do nấm và ký sinh trùng trên cá, người nuôi trồng thủy sản cần nắm được một số kiến thức như sau:

1. Bệnh do nấm (Bệnh nấm thuỷ my)

Hình 1. Ảnh cá chép chết do bệnh nấm

a. Dấu hiệu bệnh lý:

- Cá có cảm giác ngứa ngáy, gầy và đen sậm đi

- Trên da xuất hiện vùng trắng xám tua tủa những sợi nấm nhỏ, mềm tạo thành những búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục.

- Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước và có màu trắng.

b. Tác nhân gây bệnh:

- Bệnh gây ra do 4 giống nấm Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya.

- Đây là các nấm dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp, cấu tạo dạng sợi nấm đa bào nhưng không có vách ngăn. Bào tử nấm có tiên mao, có thể vận động trong nước nên khả năng lây lan bệnh rất cao.

c. Phân bố và lan truyền bệnh:

- Bệnh nấm thuỷ mi xảy ra ở nhiều loài cá nước ngọt và trứng cá. Trong các loài cá nuôi phổ biến ở Việt Nam như cá chép, mè, trắm cỏ, trê, cá trôi và một số đối tượng nuôi đặc sản khác như baba, ếch…đều có thể nhiễm nấm thuỷ mi.

- Nấm thuỷ mi còn ký sinh gây chết trứng của các loài cá nước ngọt, đặc biệt là trứng cá chép. Nấm thường phát triển đầu tiên ở một số cá thể cá, các trứng bị ung, sau lây lan nhanh sang các cá thể, trứng khoẻ khác và gây chết hàng loạt.

- Bệnh nấm thuỷ mi thường phát triển vào mùa có nhiệt độ thấp, thích hợp ở nhiệt độ nước từ 18-25 độ C, vào mùa đông, mùa xuân, mùa thu ở miền Bắc.

d. Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh:

+ Mùa xuất hiện bệnh cho cá ăn liên tục Vitamin C, GLUCAN C,...

+ Quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi, sát trùng nguồn nước định kỳ 20-30 ngày/lần bằng Iodine, BKC, TCCA (viên sủi),...

+ Khi vận chuyển và thả giống cần thao tác nhẹ nhàng tránh trầy sước, trước khi thả cần tắm cá bằng muối ăn (Nacl) với lượng 1-2% trong 5 phút hoặc thuốc tím (KmnO4) với lượng 1-2ppm trong 5 – 10phút.

- Trị bệnh:

Cần phát hiện bệnh sớm, xử lý nước 2 ngày liên tục bằng hóa chất có thành phần Bronopol và bổ sung các loại thuốc bổ cho cá ăn để tăng sức đề kháng.

2. Bệnh trùng mỏ neo

Hình 2. Ảnh cá bị nhiễm Trùng mỏ neo

a. Dấu hiệu bệnh lý:

- Trùng ký sinh trên toàn bộ phần phía ngoài cơ thể cá như da, vây, đuôi, mắt, mũi, xoang miệng và mang, hút chất dinh dưỡng và gây nên những vết thương chảy máu.

- Cá bị cảm nhiễm trùng mỏ neo, thường gầy yếu, ngứa ngáy khó chịu, bơi lội chậm chạp, khả năng bắt mồi giảm dần. Đối với cá hương, cá giống bị Lernaea ký sinh, cơ thể bị dị hình, uốn cong, bơi lội mất thăng bằng và chết rải rác tới hàng loạt. Một số trùng mỏ neo ký sinh trong miệng, làm miệng cá sưng lên và không đóng kín được, không ăn được.

b. Tác nhân gây bệnh:

- Gây bệnh là giống Lernaea gây nên.

- Cơ thể dài từ 6-12 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Đầu có đôi sừng có hình dạng giống mỏ neo đâm sâu vào cơ thể ký chủ. Sau khi giao phối, con đực sống tự do trong nước vài ngày rồi chết, trong khi con cái lại sống ký sinh trên cá

c. Phân bố và lan truyền bệnh:

- Lernaea là các ký sinh trùng ngoại ký sinh trên da, vẩy, mang, hốc mũi, mắt, miệng của nhiều loài cá, gặp ký sinh trên cá nước ngọt nhiều hơn cá nước mặn. Gặp ở ao nuôi cá con, ao nuôi cá thịt và ao nuôi cá bố mẹ nước ngọt; gặp ở một số loài cá như trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, cá chép, cá diếc và một số cá khác.

- Cá nhiễm bệnh trùng mỏ neo không chết tuy nhiên cá sẽ kém ăn, bỏ ăn, gầy yếu. Các bộ phận bị Trùng mỏ neo bám sẽ là nơi dẫn đường cho các loại vi khuẩn, vi rút và nấm tấn công làm chết cá.

- Bệnh xảy ra quanh năm tuy nhiên tập trung phát triển mạnh vào mùa thu đông, đông xuân và có tỷ lệ cảm nhiễm cao. Nhiệt độ thích hợp cho trùng mỏ neo phát triển từ 18-300C, đặc biệt các ao có mực nước nông, ao nước trong và đục.

d. Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh:

+ Sau khi thu hoạch phải tháo nước, bón vôi và phơi đáy ao. Sau 5 - 10 ngày cho nước vào ao sau đó dùng vôi hoặc các loại hóa chất IODINE, TCCA,... xử lý nước trước khi thả cả

+ Dùng lá xoan treo ở các góc ao hoặc dùng các loại thuốc có chiết suất từ lá xoan xử lý môi trường định kỳ 15-20 ngày/lần, kết hợp sử dụng các loại thuốc trị nội ngoại ký sinh trùng cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất

- Trị bệnh:

+ Dùng Lá xoan hoặc các loại thuốc có chiết suất từ là xoan xử lý nước, kết hợp cho cá ăn thuốc trị nội ngoại ký sinh trùng NOVA-PRASITE,…cho cá ăn 2 ngày liên tục theo hướng dẫn của nhà sản xuất

+ Đối với những ao cá bị nhiễm tỷ lệ nặng, cá có hiện tượng bỏ ăn cần xử lý nước nhắc đi nhắc lại nhiều lần bằng các loại thuốc diệt ký sinh trùng cho đến khi cá khỏi.

Vũ Trung – Chi cục Thủy sản Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4413
Tổng lượng truy cập: 22087799