Phát triển hợp tác xã nông nghiệp: Tìm lời giải cho “bài toán” khó
Không thể phủ nhận những kết quả mà các hợp tác xã nông nghiệp đem lại, nhưng những hạn chế, khó khăn, bất cập vẫn còn đó, nhất là đối với các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động lâu ngày. Đây cũng là một vấn đề nan giải mà các cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực đi tìm lời giải cho “bài toán” khó này.

 

Vùng trồng rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai

145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể…

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.235 HTX nông nghiệp, trong đó: 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 11,8%). Trong số các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể có 62 HTX nông nghiệp thành lập trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, 83 HTX nông nghiệp thành lập sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực. Huyện Sóc Sơn có 46 HTX ngừng hoạt động, đây là địa phương có số HTX ngừng hoạt động nhiều nhất thành phố Hà Nội. Tiếp đến huyện Ba Vì 21 HTX, Mê Linh 14 HTX, Đông Anh 11 HTX... Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể là do những yếu kém nội tại, một số HTX không triển khai được các hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến thua lỗ, không thể tiếp tục cầm cự hoạt động hoặc không đáp ứng được yêu cầu của thị trường có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mặt khác, nhu cầu sản xuất của các thành viên HTX không còn, bởi quá trình đô thị hóa làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, các thành viên HTX không còn đất để sản xuất. Trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hoặc do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một số HTX phải tạm ngừng hoạt động.

Qua tìm hiểu tình hình, một số HTX xã quy mô thôn cũng đang đứng bên bờ vực ngừng hoạt động, chờ giải thể. Hầu hết, chất lượng nguồn nhân lực ở các xã này thấp, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Đa số cán bộ quản lý HTX có trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý HTX. Thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành dẫn tới đổi mới tổ chức sản xuất tại HTX khó khăn. Vai trò của HTX mờ nhạt, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, chưa thiết thực nên thành viên thiếu tin tưởng vào HTX. Mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và thành viên còn lỏng lẻo, thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống về kinh tế và tổ chức. HTX chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất.

Đáng nói, một số HTX chưa thể hiện được vai trò của mình trong phát triển kinh tế nên chưa tạo được sự gắn kết với thành viên. Mặt khác, thành viên cũng không thể hiện được sự đóng góp vào phát triển HTX mới chỉ là ghi tên. Trong khi, do thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật đã lạc hậu, xuống cấp; quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu sự đột phá, không có tính bền vững và chưa tương xứng với nhu cầu, kỳ vọng của thành viên. Một số HTX còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nắm bắt thông tin thị trường, giá cả chậm, chưa chủ động trong liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho thành viên. Do một số HTX chỉ phục vụ các dịch vụ truyền thống phục vụ sản xuất, mà chưa thực hiện được các dịch vụ thiết yếu khác như chế biến, tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên nên chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. HTX chưa xây dựng được thương hiệu của sản phẩm nên sản phẩm của HTX không có vị thế trên thị trường…

… thành lập các HTX kiểu mới

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, từ thực tiễn đặt ra, để giải “bài toán” khó trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp củng cố phát triển các HTX nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, song song công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và tăng cường công tác quản lý nhà nước, giải pháp hàng đầu được triển khai trên địa bàn thành phố đó là hỗ trợ thành lập mới, củng cố các HTX. Cùng với đó, nâng cao năng lực, nhận thức cán bộ quản lý và thành viên HTX; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm, nhất là ưu tiên các HTX có số lượng thành viên lớn, sản xuất theo cụm liên ngành và chuỗi giá trị…

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp giải thể HTX hoạt động yếu kém, thành lập mới HTX nông nghiệp trong thời gian tới, ông Tạ Văn Tường cho biết: Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá và xác định rõ nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đối với các HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu không thể tổ chức lại hoạt động để nâng cao hiệu quả thì thực hiện giải thể hoặc chuyển đổi HTX sang loại hình tổ chức khác. Về việc này, các địa phương cần vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX này tự giải thể tự nguyện theo quy định hoặc hỗ trợ chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác. Trường hợp không thể thực hiện được các hình thức trên thì UBND cấp huyện tư vấn hướng dẫn thực hiện chuyển đổi HTX sang loại hình tổ chức khác theo Văn bản số 3763/KHĐT-HTX ngày 5/6/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền thành lập các HTX kiểu mới, thành lập mới HTX nông nghiệp chuyên ngành lựa chọn các sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển của địa phương để thúc đẩy việc thành lập HTX. Các HTX thành lập mới tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4937
Tổng lượng truy cập: 22002747