Kết quả nổi bật trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020
Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp 2017-2020, ngành nông nghiệp Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật về sản xuất nông nghiệp và PTNT…

Ngày 07/8/2020, UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 223/BC-UBND về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Theo báo cáo, ngành nông nghiệp Thành phố Hà Nội mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhất là sự biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán nhưng vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 2,5% (đảm bảo mục tiêu đề ra); tổng GTSX nông –lâm – thủy sản năm 2020 ước đạt 38.049 tỷ đồng (giá so sánh) tăng khoảng 8,2% so với năm 2017; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Cùng với đó là việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ luôn được duy trì và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; xây dựng nông thôn mới luôn vượt kế hoạch đề ra...

 

Mô hình trồng rau an toàn tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.
 

Kết quả đạt được thể hiện trong lĩnh vực trồng trọt: Các cây trồng chính, cây trồng chủ lực được xác định trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội như: lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa và cây ăn quả (bưởi, nhãn chín muộn, chuối) đã được chỉ đạo phát triển trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cho người dân. Hiện nay, diện tích trồng lúa chất lượng cao cơ cấu chiếm 58% diện tích lúa toàn Thành phố với trên 200 vùng sản xuất lúa tập trung; 5.044 ha diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 1.800ha hoa chất lượng với trên 47 vùng sản xuất tập trung; vùng sản xuất cây ăn quả với diện tích khoảng 4.300 ha. Đồng thời, giai đoạn 2017-2020 thành phố Hà Nội đã chuyển đổi 7.762,02 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với trồng lúa. Các vùng sản xuất chuyên canh tập trung tạo thuận lợi cho việc đầu tư, đẩy mạnh thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất góp phần tăng trưởng trong lĩnh vực trồng trọt.

       

Mô hình chăn nuôi bò sữa huyện Ba Vì, Hà Nội

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao hiện đại đã giúp cho đàn giống được cải thiện đáng kể. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất phổ biến như: giống bò (Zebu, BBB, Wagyu, Angus …), giống lợn (Yorkshire, Landrace, Durok, Pietrain…)… Kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2017-2020 tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt khoảng 456,7 nghìn tấn, trong đó: thịt trâu 1,73 nghìn tấn, tăng 4,6%; thịt bò 12 nghìn tấn, tăng 13,7%; thịt lợn 320 nghìn tấn, giảm 3,2% (do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi); thịt gia cầm 123 nghìn tấn, tăng 34,6%...

 

Mô hình nuôi cá chép lai thâm canh tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, đối tượng được nuôi thả tập trung vào đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như: rô phi, chép lai, trắm cỏ … Giai đoạn 2017-2020, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản đạt gần 7%/năm (năm 2020 diện tích tăng 3,35%, sản lượng tăng 20,4% so với năm 2017). Hình thành 60 vùng NTTS tập trung quy mô lớn ở Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì,...với tổng diện tích trên 7.229 ha với năng suất đạt từ 10 – 12 tấn/ha/năm.

Lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích đất trống đồi núi trọc cơ bản được phủ xanh, độ che phủ của rừng tăng từ 5,57% năm 2017 lên 5,67% năm 2020. Hệ thống công nghệ thông tin trong công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được tăng cường.

Một kết quả nổi bật khác của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua đó chính là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện thành phố Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nông, lâm thủy sản (tăng 26 chuỗi so với năm 2017), trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Kết quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2019, toàn Thành phố có 6 huyện và 353/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến năm 2020 có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tuy đạt nhiều kết quả ấn tượng trong quá trình cơ cấu lại ngành song nông nghiệp Hà Nội vẫn còn nhiều rủi ro, hạn chế, chủ yếu là: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; cơ chế chính chính sách chưa đủ mạnh, thiếu tính đột phá dẫn đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế…

Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021-2025 với định hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 2,5%/năm trở lên; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố; thu nhập của người dân nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới); 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30 số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nôn thôn mới kiểu mẫu; có trên 85% HTX hoạt động hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,2%.

Để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: (1) sản phẩm chủ lực quốc gia; (2) sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (3) sản phẩm theo mô hình mỗi xã một sản phẩm để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp./.

Thu Huyền

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9635
Tổng lượng truy cập: 22002747