Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Song do nhiều nguyên nhân, việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất chưa đồng đều đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp...

Mang lại hiệu quả cao, rõ nét

Xác định rõ những hiệu quả ưu việt mang lại, những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2013-2016, thành phố ban hành Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện. Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong 4 năm (2013-2016), đơn vị đã triển khai 9 khâu cơ giới hóa trong 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, thủy sản. Trong đó, khâu làm đất, toàn thành phố đã đầu tư 932 máy làm đất, qua đó, đưa mức độ cơ giới trong khâu này tăng từ 69,2% năm 2012 lên 95% vào năm 2015. Khâu thu hoạch được đầu tư 410 máy gặt đập liên hợp, đưa mức độ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa từ 7,8% năm 2012 lên 52% vào năm 2016. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò, trên địa bàn thành phố đã bổ sung 1.914 máy thái cỏ, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu này tăng từ 55,7% năm 2012 lên 80% năm 2015.

Ngoài ra, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, xây dựng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã tăng vọt. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.676 máy làm đất, 288 máy gieo cấy, 896 máy gặt đập liên hợp, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 10 dây chuyền gieo mạ khay tự động. Qua rà soát, tỷ lệ cơ giới hóa về làm đất đạt 97%, phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ 46%, thu hoạch bằng máy đạt 85%. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 1.789 hệ thống làm mát chuồng trại và 2.190 hệ thống ăn uống tự động, bán tự động trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Riêng chăn nuôi bò sữa đã có 3.000 máy thái cỏ, 840 máy vắt sữa…

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Với việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các loại nông sản. Hiện, trên những cánh đồng ở các huyện Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Minh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thường Tín, Ba Vì… có tỷ lệ cơ giới hóa cao ngày càng vắng bóng người nông dân nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cũng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã đạt 265 triệu đồng/ha.

Hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy cơ giới hóa

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thế nhưng việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhiều khó khăn và thấp hơn so với bình quân chung của một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trình độ cơ giới hóa nông nghiệp của thành phố chưa mang tính tổng hợp mà còn rời rạc từng khâu, từng công đoạn. Đơn cử, ngành trồng trọt mới cơ giới hóa được 4 khâu trong sản xuất lúa, ngành chăn nuôi mới cơ giới hóa được 5 khâu trong chăn nuôi bò, lợn, gà. Trong khâu gieo cấy lúa, tỷ lệ cơ giới hóa mới đạt 2,5%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy đạt 30%...

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trên là do quy mô sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình còn nhỏ, mặc dù thành phố đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Tính năng của máy móc, thiết bị cơ giới hóa cũng chưa đa dạng nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Về kinh phí đầu tư mua sắm máy móc cơ giới hóa lớn, trong khi thời gian hoạt động chỉ từ 10 đến 15 ngày/vụ, thời gian còn lại trong mùa vụ, máy móc không sử dụng được vào việc gì những vẫn phải bảo quản, khấu hao, tỷ suất lợi nhuận thấp. Một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, chưa tổ chức được phun thuốc phòng, trừ dịch bệnh tập trung, vì vậy, đa số các hộ dân tự thực hiện phun thuốc trên diện tích sản xuất, canh tác của mình…

Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quyết liệt, còn trông chờ ỷ lại vào sự quan tâm hỗ trợ của thành phố nên chưa có các giải pháp mang tính đột phá để tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc triển khai thực hiện. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo thời vụ lại mang tính rủi ro cao, đầu tư ban đầu lớn nhưng việc thu hồi vốn chậm nên cũng rất ít doanh nghiệp đầu tư ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, được biết, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như như đề xuất quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông, trong đó xem xét tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy tốt, công suất lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích tích tụ ruộng đất, cho thuê đất lâu dài; hỗ trợ các xã, hợp tác xã nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu, giao thông thủy lợi nội đồng phù hợp với áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để phát huy hiệu quả của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp nên xem xét có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp nhằm quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả máy móc, thiết bị cơ giới hóa, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Cổng Giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7602
Tổng lượng truy cập: 22002747