Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số
Hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất; cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản... Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và đây là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.
Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi.

Những hiệu ứng tích cực từ chuyển đổi số

Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho biết, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam (VDECA) trong một số hoạt động như: Ghi chép nhật ký chăm sóc, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống camera giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. Chuyển đổi số giúp hợp tác xã nâng cao tương tác với người tiêu dùng và tiêu thụ ổn định sản phẩm với mức thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm.

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc nhận định, công ty đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất trứng gia cầm và con giống. Việc này mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán 45 vạn con gà giống cho doanh thu 4,5 tỷ đồng.

Về vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Tất Thắng cho biết, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, hình thành cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi.

Phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cả nước có hơn 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số và gần 50 nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Tính đến năm 2021, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với người tiêu dùng trong cả nước và trên thế giới. Qua đó chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là đơn vị tiên phong trong việc đưa chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp

Hiện nay, việc chuyển đổi công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam khá mới mẻ nên nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân còn hạn chế.

Mặt khác, thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và hệ thống dữ liệu (cây trồng, vật nuôi, văn bản chính sách…) đã được số hóa. Trong khi đó, hạ tầng kết nối của nước ta còn lạc hậu, không đồng bộ và chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý; giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, chính xác, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ở góc độ của người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long đề xuất, các bộ, ngành cần hỗ trợ công nghệ giám sát eGap, hỗ trợ lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết thông minh, cấp tem truy xuất nguồn gốc QRCode eGap, thiết kế bao bì thương hiệu, mã nhận diện cho sản phẩm... để đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển và cần phải đồng bộ, tích hợp được dữ liệu, tạo sự liên thông…, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn trồng trọt và chăn nuôi là lĩnh vực đột phá để đẩy mạnh chuyển đổi số. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa để triển khai thành công cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng như cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp và xây dựng nông thôn số, nông dân số.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5574
Tổng lượng truy cập: 22065804