Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Không để bùng phát dịp cuối năm
Thời điểm này, diễn biến thời tiết phức tạp, gió mùa Đông Bắc, rét đậm kéo dài, không khí ẩm thấp là điều kiện rất dễ tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ý thức được các dịch bệnh nguy hiểm (Lở mồm long móng, tai xanh, bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng vệ, không để bùng phát dịch bệnh vào dịp cuối năm.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao…

Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Định kỳ tổ chức phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại chăn nuôi, điểm tập kết giết mổ, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ vắc xin… Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người chăn nuôi đã báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở biết để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh…

Song, do tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (gần 60%). Trong khi nhận thức của một bộ phận người dân ở nông thôn còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, trên địa bàn thành phố, các cơ sở giết mổ rất nhiều (738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm) nhưng mới có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, còn lại phần lớn là giết mổ thủ công, rất khó khăn trong công tác quản lý. Hà Nội giáp ranh với 8 tỉnh, thành phố nên việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra - vào thành phố rất lớn và khó kiểm soát. Lượng tiêu thụ thịt động vật của người dân Thủ đô trung bình mỗi ngày 800 - 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Diễn biến thời tiết phức tạp, cộng với ý thức của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế…, vì thế công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi gặp không ít khó khăn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dù làm tốt công tác phòng ngừa nhưng do những hạn chế chưa được khắc phục triệt để, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Trong đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 58 hộ chăn nuôi, buộc phải tiêu hủy 714 con lợn. Đáng ngại, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò vừa xuất hiện tại 1 một chăn nuôi tại thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) làm chết, tiêu hủy 1 con bò. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 14 hộ chăn nuôi, ở 8 thôn, của 7 xã thuộc 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) với tổng số gia cầm tiêu hủy là 35.091 con.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hoạt động vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật dịp cuối năm rất cao. Sắp tới, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại có thể kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Cùng với đó, hiện tại dịch bệnh nguy hiểm vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các địa phương… là những nguy cơ phát sinh phát triển dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bất cứ lúc nào nếu như không thực hiện tốt công tác phòng, chống...

… chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa

Thời điểm hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi để giữ đà tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội năm 2020 là 4,2% và bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới. Để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT đang phối hợp tích cực với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn và giám sát sau tiêm phòng đạt hiệu quả kháng thể bảo hộ cho đàn vật nuôi; vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh...

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; phối hợp tốt với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt là tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tới tận thôn xóm, hộ chăn nuôi, phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y…

Qua tìm hiểu tình hình, thực hiện chỉ đạo của thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân và chính quyền các địa phương thành phố đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trước diễn biến dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, huyện Phú Xuyên đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với bệnh viêm da nổi cục trâu, bò với phương châm phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, giám sát, phát hiện sớm khi có dịch bệnh phát sinh; tổ chức khống chế, dập tắt ổ dịch không để dịch bệnh lây lan diện rộng nhằm giảm thiệt hại về kinh tế, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn. Tương tự, huyện Ba Vì cũng vừa có công văn đôn đốc các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, các cấp, các ngành của huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng thôn xóm, hộ chăn nuôi. Phân công cán bộ phụ trách thôn, bản thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, vận động người dân thực hiện phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi…

“Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thành phố đặc biệt quan tâm và cụ thể hóa bằng các giải pháp. Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhất là người chăn nuôi, đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển an toàn, ổn định, qua đó bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9945
Tổng lượng truy cập: 22087799