HÀ NỘI NỖ LỰC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14/2/2019, đã có 20 Quốc gia báo cáo có bệnh Dịch tả lợn Châu phi và các nước đã phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con; tại Trung Quốc, từ ngày 03/8/2018 đến 01/02/2019, đã xảy ra 104 ổ dịch tại 25 tỉnh và phải tiêu hủy trên 950 nghìn con lợn. Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019 Cục Thú y chính thức thông tin tại Việt Nam đã phát hiện 8 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại Hưng Yên (02 hộ), Thái Bình (08 hộ) và làm tiêu hủy 257 con lợn.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có mức nguy hiểm ở chỗ tốc độ lây lan nhanh, có nhiều phương thức lây lan trong đó lây qua cả sản phẩm động vật nên mang tinh lây xuyên quốc gia. Tỷ lệ chết cao, lên tới 100 %, khi xảy ra buộc phải tiêu hủy hoàn toàn nên thiệt hại kinh tế rất lớn, mặt khác đến nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc chủ động phòng bệnh như một số bệnh truyền nhiễm khác gặp nhiều khó khăn. Bệnh chưa có thông tin lây sang người song sẽ ảnh hưởng nhiều đến an toàn thực phẩm, chất lượng thịt và ảnh hưởng đến lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất.

Đến thời điểm này trên địa bàn Hà Nội chưa xuất hiện dịch bệnh song nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi là quá lớn do một số nguyên nhân như:

Hà Nội hiện có tổng đàn lớn rấ lớn, luôn đứng ở tốp đầu của cả nước, với số lượng 2,04 triệu con (101.813 hộ, cơ sở chăn nuôi); Có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn đóng trên địa bàn Thành phố như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX chăn nuôi huyện Đan Phượng, Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội, HTX Hòa Mỹ, Công ty Giống gia súc Hà Nội... với tổng đàn nuôi 450 nghìn con (chiếm khoảng 22% tổng đàn lợn toàn Thành phố). Với số lượng lớn như vậy nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh Dịch tả Châu Phi hiện nay là quá lớn. Với số lượng lớn như vậy song chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố hiện vẫn ở mức cao, chiếm trên 60 %.

Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố (trong đó giáp với Hưng Yên và rất gần với Thái Bình), có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thành phố, vì vậy công tác quản lý dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Có 988 cơ sở điểm, giết mổ (chỉ có 07 cơ sở giết mổ Công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) còn nhiều cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Có cơ sở giết mổ tại Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1800-2000 con (trong đó 60% nhập từ các tỉnh thành phố khác về). Mặt khác thời tiết khí hậu sau tết Nguyên đán đang diễn biến phức tạp, khó lường, cùng đó hiện nay mùa lễ hội ở nhiều nơi diễn ra, hàng ngày lưu lượng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đổ về các địa phương và các Lễ hội là rất lớn.

Xác định nguy cơ lây nhiễm cao, thời gian qua Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể:

Về chỉ đạo Thành phố đã ban hành Kế hoạch (số 187 ngày 28/9/2018) hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh Dịch tả lợn Châu phi. Theo đó phát huy cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành cho công tác phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch đã nêu rõ các tình huống khi chưa có dịch và khi dịch bệnh xuất hiện để kịp thời ứng phó. Đã thành lập 02 đoàn Kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện thị xã về công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở. Đến nay các quận, huyện, thị xã đã cơ bản ban hành kế hoạch để chủ động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

Tập trung tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để mọi người mọi nhà chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở. Tuyên truyền mạnh về chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra để người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh xảy ra được hỗ trợ thiệt hại tránh bán chạy hoặc vứt ra nơi công cộng, bãi rác, kênh mương để làm lây lan, phát tán mầm bệnh. Tuyên truyền về phương thức lây lan của bệnh thông qua con đường kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật để các hộ kinh doanh biết thực hiện tốt việc nhập hàng rõ nguồn gốc. Mọi người mọi nhà cùng vào cuộc phòng chống dịch bệnh tạo sự đồng thuận cao ngay từ cơ sở. Trường hợp xảy ra dịch bệnh, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh. Không điều trị lợn bệnh vì bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu và đến nay chưa có vác xin phòng bệnh. Khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Về chuyên môn đã thực hiện 2 đợt tổng tẩy uế môi trường để ngăn chăn dịch bệnh, đợt trước tết Nguyên đán (từ tháng 11 đến tháng 12/2018) đợt tiêp theo bắt đầu từ ngày 18/2 đến 28/2/2019. Đồng thời tổ chức tiêm phòng các loại vác xin (tụ huyết trùng, dịch tả lợn, Phó thương hàn, đóng dấu, tai xanh, lở mồm long móng ...) để tạo miễn dịch chủ động chống kế phát Dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lớn tại huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh. Duy trì hoạt động các Chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ngành Thú y tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho hệ thống thú y cơ sở sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh dịch bệnh Dich tả lợn Châu Phi. Tổ chức diễn tập phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi tại một số huyện mời Ban chỉ đạo các quận huyện tham quan, học kinh nghiệm để chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang bị bảo hộ lao động để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.

Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5018
Tổng lượng truy cập: 22087799