Chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam-Thực trạng và những giải pháp thời gian tới
Ngày 20/9/2014 Cục chăn nuôi và hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gia cầm” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý các cấp và chủ hộ chăn nuôi quy mô lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp phát triển chăn nuôi trong thời gian tới;

 Đàn gia cầm của cả nước những năm vừa qua liên tục tăng. Tổng đàn từ 248,3 triệu con năm 2008 tăng lên 314,8 triệu con năm 2013, tăng bình quân 4,9%/năm. Vùng có đàn gia cầm lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng 85,4 triệu con, chiếm 27,1% tổng đàn gia cầm cả nước; tiếp đến Đồng bằng sông Cửu Long 58,7 triệu con, chiếm 18,7%; Đông Bắc 54.2 triệu con, chiếm 17,2%; Bắc trung Bộ 41,2 triệu con, chiếm 13,1%; Đông nam Bộ 29,1 triệu con, chiếm 9,2%; Duyên hải miền Trung 20,3 triệu con, chiếm 6,5%; Tây Nguyên 14,4 triệu con, chiếm 4,6%; Tây bắc 11,6 triệu con, chiếm 3,7%.

Về sản lượng sản phẩm chăn nuôi gia cầm những năm gần đây được quan tâm và đầu tư khá đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và chuyển đổi phương thức chăn nuôi, nên sản lượng thịt và trứng gia cầm luôn năm sau cao hơn năm trước với tỷ lệ tăng rất cao; Cụ thể sản lượng thịt gia cầm sản xuất trong nước từ 488,2 ngàn tấn năm 2008 tăng lên 747,0 ngàn tấn năm 2013; tăng bình quân 10,8%/năm. Năm 2013, vùng có sản lượng thịt gia cầm cao nhất là Đồng bằng Sông Hồng là 243,1 ngàn tấn, chiếm 32,5% tổng sản lượng thịt gia cầm của cả nước; tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 154,2 ngàn tấn, chiếm 20,6%; vùng Đông Bắc 103,4 ngàn tấn, chiếm 13,8%; Bắc trung Bộ 89,2 ngàn tấn, chiếm 11,9%; Đông nam Bộ 85,0 ngàn tấn, chiếm 11,4%; Diên Hải miền Trung 33,0 ngàn tấn, chiếm 4,4%; Tây Nguyên 24,9 ngàn tấn, chiếm 3,3%; Tây Bắc 14,2 ngàn tấn, chiếm 1,9%. Tổng sản lượng trứng gia cầm từ 4,98 tỷ quả năm 2008 tăng lên 7,75 tỷ quả năm 2013, tăng bình quân 9,2%/năm. Vùng có sản lượng trứng gia cầm cao nhất là Đồng bằng Sông Hồng là 2.447,5 triệu quả, chiếm 33,6% tổng sản lượng trứng gia cầm của cả nước; tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 1.652,8 triệu quả, chiếm 22,7%; vùng Đông Bắc 769,4 triệu quả, chiếm 10,6%; Bắc trung Bộ 735,6 triệu quả, chiếm 10,1%; Đông nam Bộ 686,0 triệu quả, chiếm 9,4%; Diên Hải miền Trung 596,0 triệu quả, chiếm 8,2%; Tây Nguyên 260,8 triệu quả, chiếm 3,6%; Tây Bắc 126,6 triệu quả, chiếm 1,7%.

Tuy nhiên nên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cũng bộc lộ một số tồn tại đó là mặc dù năng suất được cải thiện, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì năng suất chăn nuôi vẫn còn thấp; giá thành sản phẩm vẫn còn cao chưa có tính cạnh tranh cao, làm cho chăn nuôi nhiều khi không có lãi.  Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm còn xảy ra rất phức tạp, chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh, nên chi phí cho thuốc thú y còn cao, làm cho hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia cầm thời gian qua gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi có thu nhập không ổn định và ít có lãi. Mặt khác do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm giảm và làm hiệu quả chăn nuôi thấp, nhiều khi bị lỗ. Nhận thức về công tác giống và kỹ thuật chăn nuôi của người dân chưa cao. Chính sách cho phát triển chăn nuôi còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý, chỉ đạo còn thiếu và chưa thống nhất.

Những giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới là thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm. Phát triển đàn gà lông màu, thả vườn; sản lượng thịt gà lông màu chiếm tỷ trọng từ 50-52% năm 2013 lên 60-62% năm 2020. Tổng đàn thủy cầm đạt 84 triệu con năm 2013 lên 100 triệu con năm 2020, Đối với gà số lượng đầu con tăng từ 30% lên 60% và sản lượng thịt, trứng từ 45% tăng lên 75%. Đối với vịt số lượng đầu con tăng từ 20% lên 60%, sản lượng thịt tăng từ 25% lên 50%, trứng tăng từ 25% lên 45%.

Các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng đàn giống dòng thuần, ông bà để sản xuất gà, vịt bố mẹ có chất lượng cao. Chọn tạo các giống gà màu thả vườn có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương, đảm bảo mỗi địa phương chỉ có một đến hai giống chủ lực. Xây dựng hệ thống giống 4 cấp. Các cơ sở nuôi giống bố mẹ phải nằm trong hệ thống giống và có đăng ký với chính quyền cấp xã. Không được phép lưu hành con giống nằm ngoài hệ thống giống.  Quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, không sử dụng gà, vịt thương phẩm làm gà giống bố mẹ, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gia cầm, sản xuất và cung ứng giống. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi vịt theo phương thức nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội. Khoanh vùng kiểm soát vịt chạy đồng, hạn chế vịt chạy đồng xa.

Về thức ăn chăn nuôi phát triển chế biến thức ăn công nghiệp, áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra về chất lượng thức ăn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Công tác thú y tập trung kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh nguy hiểm. Xây dựng và chỉ đạo có hiệu quả mạng lưới thú y cộng đồng. Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi.

Giải pháp chính sách tập trung xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn nuôi. Dành quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, kéo dài thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Có ưu đãi về thuế với các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; miễn thuế VAT đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Đa dạng các hình thức và phương thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu;

Các giải pháp trên với sự vào cuộc đồng bộ của cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân chắc chắn ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam có bước chuyển biến tích cực trong thời gian tới rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới./.

                                                                     Nguyễn Ngọc Sơn-PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

 

 

 

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6741
Tổng lượng truy cập: 22200523