Hà Nội: Xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi (26/08/2014)
Trong thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt kết quả rõ rệt, nhiều tỉnh, thành khác đã làm theo cách làm của Hà Nội. Ngành chăn nuôi của thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gắn với đăng ký các nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, tao niềm tin cho người tiêu dùng.

 

\"\"
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái thăm trang trại ở xã Hữu Văn
 
Hiệu quả từ chương trình phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình của UBND thành phố về phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi, nhất là đối với hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện nay, số hộ chăn nuôi xa khu dân cư tăng từ 472 trại lên 716 trại. Quy mô chăn nuôi tăng từ 155.000 con, lên 351.201 con/1 trang trại và chiếm 25% tổng đàn toàn thành phố. Đến nay, thành phố đã phát triển ổn định được 69 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm.

Thành phố đã phát triển được 12 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm với tổng đàn bò sữa là 11.033 con với 2.665 hộ, chiếm 80,2% tổng đàn bò sữa toàn thành phố. Sản lượng sữa tươi tăng 5.184 tấn/năm, tương đương 21,15% so với năm 2010. Còn 15 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm, hiện, có 22.032 con với 11.378 hộ, chiếm 17% tổng đàn bò toàn thành phố. Ngoài ra còn có 13 xã trọng điểm về chăn nuôi lợn trọng điểm với 159.771 con, chiếm 11,3% đàn lợn trên địa bàn toàn thành phố.

Trong thành tựu phát triển chăn nuôi của thành phố còn phải kể đến phát triển chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm. Thành phố đã xây dựng thành công ở 29 xã, với đàn gia cầm tại 29 xã trọng điểm, trong đó có 21 xã chăn nuôi gà, 8 xã chăn nuôi thuỷ cầm với hơn 5,1 triệu con, chiếm hơn 28% tổng đàn gia cầm toàn thành phố. 

Đặc biệt, để tránh kiểu làm ăn manh mún, nhỏ lẻ và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thành phố đã phát triển 3.231 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, có 716 trại chăn nuôi lợn, gồm: 47 trại lợn nái, 222 trại lợn thịt và 447 trại nuôi cả lợn nái, lợn thịt với tổng đàn là 351.206 con, bình quân 1,1 ha/trại. Hiện nay, tổng đàn lợn ở các xã trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư 510.377 con tăng hơn 4.000 con, chiếm 36% tổng đàn toàn thành phố. Về phát triển gia cầm theo hướng tập trung, hiện nay thành phố 2.441 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư với hơn 6,3 triệu con. Trong đó có 1.264 trại chăn nuôi gà với 4,5 triệu con. 1.177 trại chăn nuôi vịt với 1,7 triệu con, diện tích bình quân là 0,8 ha/trại. Tổng đàn gia cầm của các xã trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư là 11,5 triệu con chiếm 61,3% tổng đàn toàn thành phố.
Nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã xây dựng được 17 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với 3.429 thành viên tham gia, tổng cộng có 30 điểm giao dịch, 1.313 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392 ngàn quả trứng, 22,35 tấn thịt lợn. 10,75 tấn gia cầm, 150 kg thịt bò, 100 tấn sữa. Trong số các sản phẩm tham gia liên kết chuỗi, đã có 5 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu như: Sữa Ba Vì, trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu... Đến nay, có nhiều cửa hàng chính thức đi vào hoạt động và có mạng lưới phân phối tới các bếp ăn tập thể. Dự tính đến cuối năm 2014, sẽ có 20 cửa hàng trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo tính phát triển bền vững lâu dài cho ngành chăn nuôi, thành phố đã triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Đến nay, sau 2 năm triển khai tại 2 huyện Chương Mỹ và Ba Vì, chủ yếu áp dụng với vật nuôi là bò sữa và lợn, kết quả đã có 2.912 hộ tham gia (chủ yếu hộ nghèo và cận nghèo) với tổng kinh phí bảo hiểm là 5,1 tỷ đồng. Chương trình đã được đông đảo người dân hưởng ứng, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đánh giá và nhân rộng ra các địa phương khác.

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội: trong thời gian qua, Trung tâm đã đóng vai trò quan trọng trong hướng dẫn, điều phối hoạt động của chuỗi. Đồng thời, nghiên cứu, đặt hàng khoa học công nghệ tác động vào các khâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và chi phí sản xuất.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang triển khai xây dựng một số chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ như gà mía Sơn Tây (60.000 con, cung cấp 1 - 1,2 tấn thịt/ngày), gà đồi Ba Vì (120.000 con, cung cấp 2 tấn thịt/ngày), vịt Vân Đình (60.000 con, cung cấp 1,5 tấn thịt/ngày), trứng vịt Liên Châu (150.000 con vịt đẻ, cung cấp 120.000 trứng/ngày)...

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch trên địa bàn TP là rất lớn nhưng người dân vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước của các đơn vị, các công ty tham gia chuỗi liên kết, trong thời gian tới, Trung tâm cũng đề nghị UBND TP xây dựng đề án phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội và hợp tác, liên kết với các tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2025, chính sách phát triển sản xuất, chế biến thức ăn tổng hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, có chính sách cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp đứng đầu của các chuỗi liên kết.

 
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7952
Tổng lượng truy cập: 22200523