Thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên đàn bò sữa và đàn lợn
Nông nghiệp, nông thôn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đến an ninh chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã xác định dịch vụ sản phẩm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) mang tính chất là dịch vụ (hàng hoá) công. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn.

Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu: Xây dựng cơ chế bảo hiểm nông sản để chủ động bù đắp thiệt hại khi bị thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi, nhất là đối với lương thực. Để phát triển bảo hiểm nông nghiệp, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) đã yêu cầu: Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, Văn kiện Đại hội XI tiếp tục chỉ rõ: Phát triển các hình thức bảo hiểm phù hợp trong nông nghiệp.

Bảo hiểm nông nghiệp là một dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ có đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn bao gồm những rủi ro gắn liền với cây trồng, vật nuôi, vật tư hàng hóa, nguyên vật liệu, nhà xưởng.
Trong giai đoạn 2011- 2103, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Đợt thí điểm bảo hiểm nông nghiệp này có sự tham gia của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền. Theo đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đồng thời huy động sức mạnh của các tổ chức đoàn thể xã hội Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân … Trong đề án này các đối tượng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp rất đa dạng và được triển khai trong 21 tỉnh thành phố trên cả nước. Đối tượng bảo hiểm bao gồm: Cây lúa thực hiện tại một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Vật nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm thực hiện tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về quy mô và địa bàn sản xuất, đối với cây lúa nước cũng như vật nuôi mỗi tỉnh, thành chọn một số huyện để thực hiện thí điểm..
Việc triển khai BHNN góp phần hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn và bù đắp thiệt hại kinh tế do thiên tai, dịch bệnh; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, giúp các hộ, tổ chức sản xuất nông nghiệp ổn định về tài chính khi có rủi ro, tổn thất xảy ra.

Các rủi ro được nhận bảo hiểm nông nghiệp bao gồm, thiên tai: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các rủi ro thiên tai khác; dịch bệnh: dịch cúm; dịch tai xanh; bệnh lở mồm long móng, bệnh thủy sản, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá và các loại dịch bệnh khác. Trong đợt thí điểm này Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương; Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại; Ngân sách địa phương tự đảm bảo đối với các địa phương còn lại.

Để thực hiện Chủ trương trên Thành phố Hà Nội đã chọn 02 huyện và mỗi huyện chọn 03 xã để thực hiện thí điểm bảo hiểm đó là chọn huyện Ba Vì thực hiện bảo hiểm bò sữa (gồm các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài), chọn huyện Chương Mỹ bảo hiểm lợn gồm các xã Trung Hòa, Tốt Động, Lại Yên). Thành phố đã ban hành quyết định số 5192/QĐ-UBND ngày 07/11/2011 Thành lập Ban chỉ đạo về bảo hiểm nông nghiệp thành phố Hà Nội (do đ/c Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, đ/c Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm phó trưởng ban Thường trực) và đã có phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Để triển khai hiệu quả thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, BCĐ cũng đã thành lập Tổ chuyên viên giúp việc (đ/c PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT làm tổ trưởng) theo quyết định số 5843/QĐ-BCĐ. Thành phấn của tổ giúp việc bao gồm đại diện các Trung tâm, các phòng ban chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục thú y, phòng Kinh tế các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, đại diện công ty bảo hiểm.
Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam, có 2 doanh nghiệp (Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt và Groupama) đã triển khai bảo hiểm nông nghiệp và 2 doanh nghiệp ở dạng tiềm năng (Công ty bảo hiểm Bảo Minh và Công ty bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp). Trong giai đoạn thí điểm này, công ty được chỉ định tiến hành làm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn thành phố là công ty Bảo hiểm Đông Đô thuộc Tổng công ty Bảo Việt. Công ty sẽ xây dựng hệ thống đại lý bảo hiểm và tổ chức triển khai thí điểm bảo hiểm cho đàn bò sữa và đàn lợn trên địa bàn huyện Ba Vì, huyện Chương Mỹ. Chủ trì và phối hợp với cơ quan đánh giá rủi ro, giải quyết tổn thất, thực hiện bồi thường thường bảo hiểm theo quy định.
Đến nay Ban chỉ đạo thành phố đã tập trung triển khai các hoạt động triển khai đến các huyện và các xã trước mắt làm tốt khâu đào tạo tập huấn cho các ban ngành thuộc xã và hộ nông dân. Bước đầu có trên 1100 hộ chăn nuôi bò sữa thuộc 3 xã huyện Ba Vì và gần 6.500 hộ chăn nuôi lợn thuộc 3 xã huyện Chương Mỹ được tập huấn về vai trò ý nghĩa, phương thức, các nghiệp vụ chuyên môn, điều kiện, pham vi bảo hiểm nông nghiệp để người chăn nuôi tham gia. BCĐ cũng hoàn thiện tờ rơi giới thiệu và tuyên truyền BHNN cho các hộ chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi lợn tại 2 huyện Ba Vì và Chương Mỹ.
Các hoạt động về hội nghị triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được đưa tin, phổ biến tới người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội đặc biệt là tại các xã, huyện thí điểm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: đài truyền thanh huyện, đài truyền hình Hà Nội và qua các báo Hà Nội mới, báo Kinh tế đô thị. Các hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và quan trọng là đã tác động được vào nhận thức của người dân về BHNN.

Mặc dù mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng BHNN thí điểm trên địa bàn Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp chính quyền, các đoàn thể và bước đầu là sự quan tâm của các hộ chăn nuôi tại địa bàn các xã thí điểm. Đây là những điều kiện nền tảng rất cần thiết trước khi có thể kỳ vọng vào sự thành công của bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai BHNN vẫn còn tồn tại và gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nông dân chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm. Vì vậy trong giai đoạn tới, hoạt động tập huấn, tuyên truyền để người dân nhận thức về BHNN là mục tiêu quan trọng, hàng đầu để thực hiện thành công thí điểm BHNN trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó việc triển khai BHNN còn mắc phải một số hạn chế khác là: đối tượng, điều kiện và phạm vi bảo hiểm, trước hết bảo hiểm thí điểm đợt này mới thực hiện thí điểm ở 6 xã. Về điều kiện vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT (hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Địa phương). Về Số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm phải đạt được những điều kiện như trường hợp chăn nuôi cá lẻ phải bảo hiểm toàn bộ số vật nuôi của hộ và trâu bò, lợn thịt, số lượng vật nuôi trong xã. Về phạm vi bảo hiểm thì người được bảo hiểm sẽ được bồi thường trong trường hợp vật nuôi bị chết bởi thiên tai (bao lũ, lụt, hạn hán, xương giá, xâm nhập mặn, sóng thần …) dịch bệnh đối với trâu bò chỉ bệnh lở mồm long móng, đối với lợn dịch bệnh tai xanh và lở mồm long móng, với phạm vi như vậy việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn và còn bất cập bởi trong chăn nuôi bò sữa có rất nhiều bệnh xảy ra mà người dân cần được bảo hiểm (như bệnh về sinh sản, viêm vú, bệnh truyền nhiễm…). Ban chỉ đạo Thành phố cũng đã có những đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương cũng như với các ngành chức năng để làm sao Bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai có hiệu quả, hy vọng trong quá trình triển khai thời gian tới nhũng hạn chế trên cũng sẽ kịp thời được tháo gỡ.

Có thể nói Bảo hiểm trong lĩnh vực Nông nghiệp là việc hết sức cần thiết song bước đầu triển khai không thể tránh được những khó khăn phức tạp. Điều quan trọng là có sự tập trung chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người chăn nuôi. Hi vọng với sự nỗ lực của các ngành và các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại Thành phố Hà Nội, bảo hiểm nông nghiệp sẽ đạt được thành công tại các xã, huyện thí điểm và được nhân rộng trên khắp cả thành phố, giúp người nông dân bớt nỗi lo về những rủi ro của thiên tai và dịch bệnh./.
                                                                      Nguyễn Ngọc Sơn
                                                                           Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội


 admin   Trung tâm Khuyến nông


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2572
Tổng lượng truy cập: 22324563