Gương điển hình tiên tiến: Hiệu quả chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học
Chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi lợn thịt thương phẩm những năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố thị trường như giá thức ăn, giá thuốc thú y cũng như các chi phí đầu vào sản xuất không ngừng tăng cao; Bên cạnh đó các thông tin trái chiều về chất cấm, chất tạo nạc đã làm người chăn nuôi bị ảnh hưởng đáng kể, không dám mạnh dạn đầu tư sản xuất; Trong khi đó xu thế của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng Thủ đô rất muốn được tiếp cận sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm; Xuất phát từ nhu cầu đó đặt ra cho người chăn nuôi phải chăn nuôi lợn theo hướng giảm giá thành sản xuất, thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh ATTP, kiểm soát được các khâu trong quá trình chăn nuôi;

 Là  một người ít nhiều đã có kinh nghiệm chăn nuôi, sau nhiều năm trăn trở, anh Nguyễn Văn Hưng (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) hiện có trang trại đang nuôi 40 lợn nái, 250 lợn thịt đã quyết định lựa chọn cho mình một hướng đi mới trong chăn nuôi. Đầu năm 2014 anh Hưng đã tìm hiểu, nhờ tư vấn, giúp đỡ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (trực tiếp là Trạm Phát triển chăn nuôi Thường Tín) về các Quy trình chăn nuôi để nâng cao năng xuất trong đó có chăn nuôi sử dụng thức ăn sinh học. Sau khi được đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số cơ sở trong và ngoài TP đã và đang chăn nuôi lợn an toàn sinh học, anh quyết định bắt tay vào việc.

Trước hết anh lắp đặt lại đường điện, lắp đặt các loại máy nghiền, máy trộn thức ăn, liên hệ mua đậm đặc sinh học về phối trộn thức ăn cho đàn lợn (công ty TNHH tư vấn & thương mại Hiền Linh);  Tập trung phân lô chuồng trại và sử dụng 50 con lợn để triển khai thực hiện nuôi bằng thức ăn sinh học và theo dõi chi tiết, cụ thể tính toán hiệu quả kinh tế; Nói về thức ăn sinh học cho lợn anh Hưng cho biết đó là loại men tiêu hóa vi sinh có tên SHL - 100 là thành phần quan trọng nhất, nó quyết định chất lượng của thức ăn sinh học sạch với công thức lên men toàn phần, nguyên chất không pha trộn, đảm bảo đầy đủ các enzim và một số nguồn dinh dưỡng thiết yếu để kích thích tính thèm ăn, tăng khả năng tiêu hóa,tăng sức đề kháng, cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Từ loại đậm đặc trên anh sẽ phối trộn với cám ngô, cám gạo, cám mỳ mà anh chủ động thu mua để cho lợn ăn bình thường như các loại thức ăn hỗn hợp bán sẵn khác; Về chăm sóc và nuôi dưỡng khi sử dụng thức ăn sinh học trên không khác gì nhiều so với các phương thức nuôi thông thường, có khác chỉ là thời gian nuôi bị kéo dài hơn từ 3 - 5 ngày; Đến tháng 6/2014 vừa qua đàn lợn của anh đã được xuất chuồng, điều đáng mừng là sản phẩm bán ra được người tiêu dùng rất ưa chuộng, sử dụng ngay vì chất lượng thịt thơm ngon hơn so với lợn nuôi thông thường;

Trao đổi với chúng tôi anh Hưng cho biết chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học có nhiều ưu việt, lợi thế hơn hẳn so với chăn nuôi bằng thức ăn thông thường; Cụ thể mỗi kg thức ăn tự phối trộn có giá thấp hơn giá thức ăn hỗn hợp bán sẵn trên thị trường từ 1.000 -2.000đ/kg. Tiêu tốn thức ăn và tăng trọng tương đương các loại thức ăn hỗn hợp bán sẵn; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cụ thể là giảm 80-90% mùi hôi của phân, nước tiểu, nếu như trước đây khi vào chuồng nuôi còn nặng mùi hôi, môi trường ô nhiễm nặng nhất là những ngày nắng nóng hoặc mưa phùn thì giờ đây vào chuồng nuôi không còn mùi hôi như trước nữa; Về sức khỏe đàn lợn khi sử dụng thức ăn sinh học thấy đàn lợn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, ít bệnh tật; Một điều quan trọng nhất là sản phẩm thịt lợn thơm ngon, đảm bảo không tồn dư kháng sinh, hoormon, salmonella (thực tế đã lấy mẫu kiểm tra để so sánh) ...

Về hiệu quả kinh tế khi theo dõi tính toán cụ thể thì giá bán cao hơn giá thịt lợn khác trên thị trường từ 3.000 – 5.000đ/kg hơi. Như vậy nuôi lợn bằng thức ăn sinh học và giá bán ổn định thì bình quân mỗi con lợn nuôi từ khi mới sinh tới xuất chuồng sẽ có lợi nhuận  từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/con sau khi đã trừ chi phí. Nuôi 50 con lợn, xuất chuồng anh Hưng có thu nhập trên 50 triệu đồng, một lợi nhuận không nhỏ với chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay;  

Tuy nhiên, anh Hưng cho biết chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định đó là về ngoại hình của đàn lợn, nhìn đàn lợn nuôi bằng thức ăn sinh học thường không bắt mắt như lợn bình thường (mông vai kém nở) nên nếu bán cho thương lái tự do thường sẽ bị “dìm giá”. Mặt khác khi bán sản phẩm trên thị trường người tiêu dùng sẽ khó phân biệt đâu là thịt nuôi bằng thức ăn theo truyền thống, đâu là thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học; Hiện tại trang trại của anh cũng chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho sản phẩm thịt lợn được nuôi bằng phương thức chăn nuôi này; Việc tiêu thụ lợn nuôi bằng thức ăn sinh học sẽ gặp khó khăn nếu như không có nơi bán cố định lâu dài để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ;

Để khắc phục hạn chế trên anh Hưng cũng chia sẻ: Hiện tại trang trại nhà anh đã có sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào (thức ăn sinh học) và bao tiêu sản phẩm thịt lợn an toàn; Như vậy sản phẩm anh sản xuất ra sẽ chắc chắn được bao tiêu hết, lợi nhuận trông thấy trước vì vậy anh đã mạnh dạn áp dụng phương thức chăn nuôi bằng thức ăn sinh học cho cả đàn lợn nhà mình; Trong  thời gian tới anh sẽ tư vấn, động viên các chủ trang trại chăn nuôi lợn khác trên địa bàn mạnh dạn áp dụng phương thức chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học để tạo ra nguồn thịt lợn an toàn, đảm bảo vệ sinh ATTP cung cấp cho thị trường; Xa hơn nữa là anh sẽ đứng lên vận động xây dựng 01 Chi hội chăn nuôi lợn (dự kiến có khoảng 15 hội viên với xấp xỉ 2.500 - 3.000 con lợn thịt/lứa) tại địa bàn, đồng thời phối hợp với Trạm Phát triển chăn nuôi Thường Tín và các đơn vị liên quan để chắp nối các doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm với chi hội  để từ đó giúp hình thành 01 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, tạo sự bền vững trong chăn nuôi lợn.

Chắc chắn đây sẽ là một hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững cần được nhân rộng trong chăn nuôi lợn những năm tới;

 

                            Đỗ Danh Lãnh - Trạm PTCN Thường Tín, Trung tâm PTCN Hà Nội

 

 

 

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5141
Tổng lượng truy cập: 22313801