Kết quả phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam (giai đoạn 2001 – 2014)
Cuối tháng 7/2014, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển bò sữa Việt Nam thời kỳ 2001-2010 và xây dựng định hướng, giải pháp phát triển phát triển đến năm 2020;

 Những thành tựu về phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam từ năm 2001 đến nay đã được các cấp các ngành ghi nhận. Về số lượng tăng từ 41,24 ngàn con năm 2000 lên 128.58 ngàn con năm 2010 và  trên 200 ngàn con  vào tháng 4/2014; về sản lượng sữa cả nước từ 64,7 ngàn tấn năm 2001 lên 306,66 ngàn tấn năm 2010 và 456,39 ngàn tấn năm 2013.  Đặc biệt năng suất sữa ở bò lai từ 3,25 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 4,0 tấn/chu kỳ năm 2010 và 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013; ở bò thuần HF từ 4,26 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 5,57 tấn/chu kỳ năm 2010 và 5,60 tấn/chu kỳ năm 2013, năng suất sữa bò trung bình cả nước hiện đang là 5,186 tấn/chu kỳ năm 2013, cao hơn các nước trong khu vực. Chăn nuôi bò sữa tập trung ở các tỉnh Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hà Nội,  Tuyên Quang, Vĩnh Phúc,  Long An, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Tây Ninh ...

 Công tác giống và quản lý giống bò sữa đã thực hiện nhận dạng và bình tuyển, đánh giá chất lượng giống bò sữa để loại thải cá thể không đảm bảo chất lượng. Tinh của các bò đực có tiềm năng di truyền về năng suất sữa từ 12-16 tấn/chu kỳ được đưa vào quản lý và sử dụng trong phạm vi cả nước, góp phần nâng cao năng suất bò sữa của nước ta cao hơn các nước trong khu vực. Một trong những thành tựu quan trọng của công tác giống bò sữa trong thời gian qua là bước đầu tiếp cận được công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo hiện đại, sử dung tinh, phôi phân biệt giới tính, cấy truyền phôi, thụ tinh trong ống nghiệm và áp dụng công nghệ tin học trong quản lý đàn bò bằng việc sử dụng phần mềm quản lý giống bò sữa VDM, VDM-AI

Về trình độ quản lý và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được nâng lên đáng kể, đã hình thành hệ thống tổ chức chăn nuôi bò sữa tại 32 địa phương, có 698 dẫn tinh viên nằm trong mạng lưới phục vụ chăn nuôi. Đã cải tiến phương thức và công nghệ chăn nuôi bò sữa, chuồng trại, hệ thống vắt sữa, hệ thống thu gom chế biến sữa đã được tăng cường, các vật tư kỹ thuật phục vụ công tác nhân giống bò sữa đã được trang bị cho các địa phương.  Hình thành hệ thống dịch vụ chăn nuôi bò sữa như h ở một số nơi như  HTX chăn nuôi bò sữa, HTX dịch vụ chăn nuôi thú y, HTX thu mua, tiêu thụ sữa, các loại hình trên đã góp phần trợ giúp hộ chăn nuôi bò sữa được thuận lợi. Hệ thống thu mua và chế biến sữa công nghiệp đang được phát triển nhanh, đã góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị sữa sản xuất. Chăn nuôi bò sữa đã tạo việc làm và thu nhập cho người nông dân có trên 20 ngàn hộ gia đình chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm cho 50.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động dịch vụ.

Bên cạnh những thành tựu, những tồn tại hạn chế cũng bộc lộ trong thời gian qua đó là về kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, trong 32 tỉnh chăn nuôi bò sữa chỉ có 10 tỉnh có kinh nghiệm 8 - 33 năm (chiếm 80% số bò sữa với 84.936 con); Có 22 tỉnh mới nuôi từ 3 - 6 năm thiếu kinh nghiệm (chiếm 20% số bò sữa), phần lớn các hộ chăn nuôi ở các tỉnh này gặp nhiều khó khăn; Giá thành con giống cao từ 11-14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên19-24 triệu đồng/con năm 2003 và 60-70 triệu đồng con năm 2012, 2013. Quy mô chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở Việt Nam nhỏ, là một trong những nguyên nhân làm tăng giá sữa; Giá thức ăn cao, và giá các dịch vụ khác cao cũng là những nguyên nhân tăng giá thành sữa.

Về kiến thức dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi, một trong những khó khăn lớn hiện nay trong chăn nuôi bò sữa là chưa đảm  bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn thường xuyên. Người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm về dinh dưỡng thức ăn bò sữa nên khẩu phần ăn mất cân đối, đặc biệt ở bò sữa cao sản; Trong chế biến, dự trữ thức ăn cho bò sữa trong mùa đông và mùa khô vẫn là trở ngại lớn. Hệ thống thu mua và bảo quản sữa hiện còn  rất hạn chế ở các vùng mới phát triển chăn nuôi bò sữa do thiếu thiết bị lạnh, các dụng cụ chuyên dùng, thiếu điện và điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn. Kinh nghiệm về chăm sóc và phòng trị bênh sinh sản như: viêm vú, chậm sinh, vô sinh ở bò tại các tỉnh mới nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống dịch vụ kỹ thuật.

Về cơ chế, chính sách vùng nguyên liệu sữa, chưa có cơ chế phù hợp giữa các công ty thu mua, chế biến sữa với người chăn nuôi bò sữa để xây dựng vùng nguyên liệu cũng như tổ chức hệ thống thu mua. Các công ty chế biến sữa ở Việt Nam không như các nước trên thế giới là phối hợp với các nhà chăn nuôi mà chỉ lệ thuộc vào sữa bột nhập khẩu.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong phát trển chăn nuôi bò sữa thời gian qua là chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải có chính sách phù hợp, người chăn nuôi phải có kỹ năng; có hệ thống lạnh thu mua sữa, thức ăn, thú y đồng bộ; Cần xây dựng thị trường sữa có tiếng nói chung giữa người sản xuất sữa tươi, nhà chế biến và Hội người tiêu dùng như một số nước trên thế giới để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa các bên.

Mục tiêu, định hướng  phát triển chăn nuôi bò sữa từ nay đến năm 2020 là đưa số lượng bò sữa đạt 300 ngàn con, sản lượng sữa đạt gần 1 triệu tấn, trong đó 80-100 % số lượng bò sữa được nuôi thâm canh và bán thâm canh. Sẽ phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Phát triển trang trại thâm canh quy mô vừa và nhỏ, chuyển một phần đất canh tác sang trồng cỏ và cây thức ăn, sử dụng phụ phẩm nông công nghiệp cho chăn nuôi bò sữa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, từ chăn nuôi bò, trồng cỏ, vắt sữa, vận chuyển sữa, chế biến sữa. Áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt các công nghệ sinh học trong công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng xuất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò sữa; Tăng cường công tác quản lý giống, đầu tư­ cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa.

          Về các giải pháp, công tác nâng cao chất lượng giống được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là các giải pháp về quy mô, thức ăn chuồng trài, về sinh thú y, hệ thống dịch vụ và tiêu thụ sữa; Về chính sách sẽ đề xuất các chính sách về đầu tư, vay vốn tín dụng, thuế và phí như đề nghị Nhà nước áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với các loại trang thiết bị vật tư phục vụ chăn nuôi bò sữa, quản lý giống, mua gom, bảo quản sữa; Vật tư TTNT, thiết bị sản xuất nitơ lỏng, thiết bị làm lạnh phục vụ mua gom sữa, xe vận chuyển sữa chuyên dùng, thiết bị đồng cỏ, thiết bị chuồng trại. Miễn phí kiểm dịch trong vận chuyển sữa đồng thời hỗ trợ việc tuyên truyền nhân rộng mô hình và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu sản phẩm;

          Với những giải pháp được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành cùng sự đồng thuận cao của người chăn nuôi, chắc chắn Việt Nam sẽ đạt mục tiêu có trên 300 ngàn con bò sữa vào năm 2020;

 

                                   Nguyễn Ngọc Sơn-PGĐ  Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

 

 

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 944
Tổng lượng truy cập: 22313801