Hà Nội phát triển chăn nuôi bền vững
Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong tốp đầu cả nước. Đây cũng là ngành hàng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô. Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi đã tập trung tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị và theo quy hoạch vùng xã trọng điểm, xa khu dân cư. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi, cơ giới hóa được đưa vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đã tạo ra năng suất lao động cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi bền vững ứng dụng công nghệ cao được khuyến khích hỗ trợ nhân rộng đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, bước đầu tạo cơ sở để xây dựng các vùng nuôi bền vững, có truy xuất nguồn gốc.

 

         Theo số liệu báo cáo của Cục thống kê Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023: Số lượng đàn trâu hiện có 28,8 nghìn con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,2%. Đàn lợn 1,46 triệu con, tăng 4,4% so với cùng kỳ (chưa bao gồm lợn sữa 1,3 triệu con, tăng 4,1%), đàn gia cầm đạt 40,8 triệu con, tăng 3,6% (đàn gà 27,1 triệu con, tăng 2,8%). Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.035 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 5.411 tấn, tăng 0,1%; thịt lợn đạt 124 nghìn tấn, tăng 8%; thịt gia cầm đạt 80,5 nghìn tấn, giảm 0,3% (thịt gà 60,3 nghìn tấn, giảm 0,6%); trứng gia cầm đạt 1.398 triệu quả, tăng 4,2% (trứng gà 688 triệu quả, tăng 0,6%).

Ngoài ra, thành phố có 6.381 trang trại chăn nuôi, trong đó 130 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 1.593 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 4.658 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phúc Thọ…

Tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì), một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của Hà Nội, để phát triển chăn nuôi bò theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, xã đã tổ chức quy hoạch chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, hỗ trợ cải tạo con giống, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chất lượng đàn bò.  Ông Nguyễn Danh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, huyện Ba Vì cho biết, hiện Minh Châu đã xây dựng được liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, Công ty cổ phần sữa Vinamilk Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu, thu mua sữa của bà con trong xã. Về chăn nuôi bò thịt, xã đang tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn; Phát triển ổn định đàn bò tại địa phương, trong đó duy trì tốt đàn bò cái nền để sản xuất giống, làm tốt hơn công tác tuyên truyền người dân áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho bò để nâng cao chất lượng; đặc biệt phát triển các giống bò có sản lượng thịt và chất lượng thịt cao (như BBB; Wagyu …). Khuyến khích người dân giữ lại bò giống (bò Sind, Brahman, Wagyu …) cái để làm nền và lai tạo ra thế hệ bò lai. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định.

Ngành chăn nuôi Hà Nội đang hướng đến các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đang từng bước phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến thông qua các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. Đến nay, Thành phố đã quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm. Duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch; giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tại các chuỗi liên kết, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các chuỗi liên kết giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, được người tiêu dùng tin cậy.

Một số chuỗi liên kết chăn nuôi hoạt động hiệu quả có thể nhắc đến chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm từ A - Z của Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai), chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lấy thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ)... Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng.

Để chăn nuôi phát triển xứng tầm, Hà Nội đang tái cấu trúc lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2022 về Hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Kế hoạch, mục tiêu giai đoạn 2022-2030, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn thành phố; tốc độ, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trung bình 4,5-5,5%/năm; thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5%/năm.

Phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép; giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư, dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn phát triển theo hướng trang trại xa khu dân cư bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong trang trại; tiếp tục xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Hà Nội là trung tâm sản xuất con giống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.

Đến năm 2030, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây chuyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết…

Theo đó, thành phố tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, căn cứ đặc điểm sinh thái của vùng, thế mạnh trong chăn nuôi để xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực với định hướng ưu tiên sản xuất con giống có năng suất chất lượng cao, gìn giữ và bảo tồn các giống địa phương có giá trị; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia. Đồng thời, khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi,xây dựng hệ thống chuồng kín, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi; cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 386
Tổng lượng truy cập: 22149013