Ba Vì: Sau 2 năm thực hiện Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
Thành phố Hà Nội là 1 trong 20 tỉnh, thành được chọn thực hiện Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) lợn, bò sữa theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011- 2013; Đây là một Chương trình lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai dịch bệnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Trong đợt thí điểm này Nhà nước Hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân thuộc diện nghèo; 80% hộ diện cận nghèo, 60% hộ nông dân bình thường; 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. BCĐ Thành phố đã chọn 02 huyện là Chương Mỹ thực hiện BHNN với đàn lợn, huyện Ba Vì thực hiện BHNN với bò sữa và lợn.

 Sau 02 năm triển khai thực hiện, ngày 21/3/2014, Ban chỉ đạo BHNN huyện đã tiến hành tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm báo cáo BCĐ BHNN Thành phố. Dự tổng kết có đại diện BCĐ BHNN Thành phố, đại diện các cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội. Ở huyện có đại diện BCĐ BHNN huyện, các ngành liên quan, lãnh đạo các xã thị trấn, hộ chăn nuôi tiêu biểu. Ông Nguyễn Văn Hải – Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng BCĐ BHNN huyện chủ trì Hội nghị.

Tổng đàn bò sữa đến tháng 2/2014 trên địa bàn huyện Ba Vì có 7.504 con với 19 xã có hộ dân nuôi bò sữa. Tuy nhiên đàn bò sữa tập trung chủ yếu ở 3 xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài. Kết qủa về BHNN tính đến thời điểm 31/12/2013 trên địa bàn huyện có 447 hộ/17 xã có bò sữa tham gia bảo hiểm, tổng số bò sữa tham gia bảo hiểm là 1.352 con (đạt 18% tổng đàn); trong đó hộ nghèo 134/254 con tham gia. Hộ cận nghèo 19/76 con tham gia, hộ bình thường 294/1.022 con tham gia, tổng số tiền phí bảo hiểm là 2.179.620.000 đồng. Về Bảo hiểm lợn chỉ thực hiện trên địa bàn 03 xã (Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài) bắt đầu từ tháng 3/2013. Tổng đàn lợn tại 3 xã trên là 23.596 con, tính đến thời điểm tháng 12/2013 có 351 hộ với tổng số 3799 con tham gia bảo hiểm; trong đó hộ nghèo 180/893 con tham gia; hộ cận nghèo 6/83 con tham gia; hộ bình thường 165/1.803 con tham gia; tổng số phí bảo hiểm lơn là 478.429.000 đồng

Trong quá trình thực hiện đã có bò sữa và lợn bị chết nằm trong sự kiện bảo hiểm gồm 66 con bò sữa, với số tiền là được bảo hiểm đến hộ dân là 1.812.000.000 đồng. Số lợn chết là 121 con với số tiền bồi thường là 280.560.000 đồng. Các thủ tục giải quyết được với các thủ tục nhanh gọn (chỉ trong 06 đến 15 ngày). Riêng 59 con bò chết khi kiểm tra có kết quả âm tính không nằm trong 03 bệnh thuộc phạm vi bảo hiểm (Tụ huyêt trùng, Nhiệt thán, Lở mồm long móng) nên không được đền bù theo quy định.

Mặc dù đây là Chương trình thí điểm của Chính phủ, chỉ thực hiện trong thời gian ngắn (gần 2 năm) nhưng qua việc làm tốt công tác tuyên truyền nên đa phần người chăn nuôi hiểu được lợi ích của bảo hiểm và đồng tình ủng hộ đối với chương trình, thấy rõ tính ưu việt của BHNN. Để đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt và tích cực của BCĐ Thành phố đạo, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; Các xã đồng tình ủng hộ, người chăn nuôi đón nhận và tích cực tham gia thực hiện chương trình bảo hiểm. Trong quá trình triển khai BCĐ Trung ương đã kịp thời điều chỉnh bổ sung về phí bảo hiểm và hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo tạo điều kiện cho việc triển khai, và các chủ hộ tham gia bảo hiểm. Các xã tham gia chương trình, cán bộ thôn, thú y xã đã phối hợp tốt với Ban chỉ đạo của Thành phố và huyện; công ty bảo hiểm để triển khai bảo hiểm đến từng hộ dân. Việc làm thủ tục, cấp giấy chứng nhận và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các hộ dân nhanh gọn; đảm bảo quyền lợi cho các hộ chăn nuôi. Việc phối hợp giữa Công ty Bảo hiểm và các Công ty thu mua sữa trên địa bàn để thu phí mua bảo hiểm làm nhiều kỳ, qua các lần bán sữa của người chăn nuôi tạo điều kiện cho các chủ chăn nuôi được tham gia mua bảo hiểm. Đây là cách làm hay, sáng tạo trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên bên cạch kết quả đạt được trong quá trình triển khai BCĐ huyện cũng thấy rõ những khó khăn tồn tại đó là một số xã chưa tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp với BCĐ huyện trong triển khai thực hiện. Số hộ và số bò sữa tham gia mua bảo hiểm còn thấp mới đạt 18% so với tổng đàn bò sữa của huyện. Mặc dù đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi; tuy nhiên đây là loại hình bảo hiểm mới nên người dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, nghe ngóng chưa tích cực tham gia. Theo quy tắc bảo hiểm phải bảo hiểm toàn bộ số bò sữa của hộ chăn nuôi song một số hộ chăn nuôi bò sữa có đàn bò ở các độ tuổi, giá trị khác nhau, trong đó có những con chuẩn bị loại thải không được tham gia bảo hiểm do vậy, hộ chăn nuôi không được tham gia mua bảo hiểm của các con bò còn lại. Với đàn bò sữa, phạm vi bảo hiểm còn hẹp chỉ có 03 bệnh trong khi đó bò sữa rất nhiều bệnh có thể gây chết như các bệnh về sinh sản, ký sinh trùng đường máu lại không được tham gia bảo hiểm nên hộ chăn nuôi không tích cực hưởng ứng tham gia bảo hiểm. Việc quản lý vật nuôi tham gia bảo hiểm khó khăn do các hộ dân vẫn chủ yếu chăn nuôi trong khu dân cư. Một số bò sữa; đàn lợn không được bấm số tai. Việc xuất bàn và nhập mới chưa có quy định rõ ràng gây khó khăn cho việc giám định và giải quyết bồi thường khi có tổn thất. Tuy đã được chính sách hỗ trợ phí song mức phí đóng bảo hiểm so với thu nhập của hộ dân còn cao (3,6%/năm đối với bò sữa, 2,5% đối với lợn thịt) trong khi mức bồi thường thấp (60% giá trị bò mua bảo hiểm). Chưa thực hiện được BHNN tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn do mức phí đóng cao, chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho các hộ tham gia với số đông nên không khuyến khích được chủ hộ tham gia.

Sau 02 năm triển khai BCĐ huyện cũng như lãnh đạo các xã, thị trấn và các hộ dân đều khẳng định đây là chính sách hết sức ưu việt cần được Nhà nước khẩn trương nhân rộng trong thời gian tới để giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Một số nội dung cần được tiếp tục điều chỉnh để phù hợp thực tế đó là mở rộng phạm vi bảo hiểm, với bò sữa cần mở rộng một số bệnh (về bệnh sinh sản, ký sinh trùng đường máu, nắng nóng kéo dài...). Về phí bảo hiểm vì mới đưa vào thực hiện nên vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đồng thời giảm mức phí hơn nữa để lấy số đông người tham gia. Bên cạnh đó cần có chính sách mức hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, tập huấn, động viên khuyến khích cán bộ cơ sở thôn, xóm, cán bộ thú y, những người trực tiếp tham gia vào công tác BHNN đến người dân có như vậy sẽ tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm.

Chương trình Thí điểm BHNN tại huyện Ba Vì đã khép lại với những dấu ấn và bài học kinh nghiệm về triển khai BHNN tại cơ sở. Hy vọng khi Chính phủ có chủ trương thực hiện  BHNN chính thức đến với người dân thì huyện Ba Vì sẽ thực hiện tốt để người dân tham gia một cách tích cực, hiệu quả góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

 

                                                            Nguyễn Ngọc Sơn-PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

 

Trung tâm PTCN

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9497
Tổng lượng truy cập: 22303093