Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Nhằm đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ngày 24/10/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị nâng cao quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV trong thời gian tới. Thành phần tham dự có đại diện Cục Trồng trọt, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, các đơn vị trực thuộc Sở, phòng kinh tế một số quận, huyện, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc BVTV trên địa bàn thành phố.

 I. Tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn thành phố

Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2012 của Thành phố Hà Nội đạt 288.473 ha, trong đó, sản xuất lúa là 205.347 ha; ngô và cây lương thực có hạt là 20.515 ha; rau, đậu. hoa, cây cảnh là: 35.298 ha; các cây trồng khác: 27.313 ha; Diện tích cây ăn quả là 13.822,1 ha. Hàng năm nhu cầu về phân bón lên tới hàng chục ngàn tấn các loại; nhu cầu về thuốc BVTV cũng rất lớn.

1. Hiện trạng các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh phân bón, thuốc BVTV:

Theo thống kê, đến 30/9/2013 trên địa bàn thành phố có 119 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó có 14 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân bón. Có 01 doanh nghiệp có quy mô lớn cả về công nghệ và năng lực sản xuất là công ty phân lân Văn Điển còn lại đa số là các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ ở mức trung bình và lạc hậu. Hàng năm các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng vạn tấn phân bón các loại, đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu  sản xuất nông nghiệp của Thành phố và cung ứng ra thị trường các tỉnh bạn. Chủng loại phân bón cung ứng gồm: Các loại phân bón hỗn hợp (chiếm khoảng 45%), phân đơn (chiếm 40%) và phân bón chuyên dùng (khoảng 15%). Theo tính toán của Cục Trồng trọt, với năng lực sản xuất phân bón ở trong nước và nguồn dự trữ sẵn có của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón NPK và các loại phân bón khác sẽ cơ bản cung ứng đủ lượng phân bón phục vụ cho sản xuất vụ Đông xuân năm nay. Việc thiếu hụt có thể sẽ xảy ra ở một số thời điểm khi vào vụ chăm sóc chính đối với lúa và khi bắt đầu vào mùa mưa cần một lượng lớn phân bón cho cây công nghiệp và cây ăn quả.

Về doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn thành phố có 74 doanh nghiệp. Hiện tại có 62 doanh nghiệp đang hoạt động; số còn lại có Giấy chứng nhân ĐKKD nhưng chưa hoạt động hoặc và tạm thời ngừng hoạt động do cơ chế thị trường. Trong số 62 doanh nghiệp đang sản xuất-kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn có 02 xưởng sản xuất, gia công sang chai đóng gói (Chi nhánh 1, Công ty CP thuốc sát trùng Việt Nam tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên và Công ty CP Thiên Nông tại khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Có 31 doanh nghiệp bố trí kho chứa thuốc BVTV trên địa bàn, số còn lại bố trí kho ở các địa phương khác.

2. Về hệ thống cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp (giống, phân bón và thuốc BVTV):

Theo kết quả điều tra tháng 4/2013, trên địa bàn thành phố có tổng số 1.891 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp. Trong đó:

* Nhóm cửa hàng buôn bán 01 mặt hàng gồm: 454 cửa hàng phân bón; 49 cửa hàng giống cây trồng và 180 cửa hàng thuốc BVTV.

* Nhóm cửa hàng bán từ 02 mặt hàng trở lên gồm: 64 cửa hàng giống+ phân bón; 709 cửa hàng phân bón+thuốc BVTV; 42 cửa hàng giống+thuốc BVTV và 393 cửa hàng giống+phân bón+thuốc BVTV.

3. Thực trạng hệ thống cửa hàng buôn bán thuốc BVTV:

Trong tổng số 1.891 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp có 1.324 cửa hàng bán thuốc BVTV (chiếm 70,1%).  Trong đó có 782/1.324 cửa hàng buôn bán thường xuyên (chiếm 60,3 %) và 542/1.324 cửa hàng nhỏ lẻ, buôn bán theo thời vụ trong ngõ xóm (chiếm 39,7 %).

- Đối với những cửa hàng buôn bán thường xuyên

+ Có 527/782 cửa hàng có chứng chỉ hành nghề (chiếm 67,4%)

+ Có 415/782 cửa hàng có Giấy chứng nhận ĐKKD (chiếm 53,1%)

+ Có 764/782 (đạt 97,7%) cửa hàng có diện tích cửa hàng >5m2 theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT

+ Có 271/782 cửa hàng có kho chứa thuốc riêng biệt (chiếm 34,7%) còn lại 65,3% số cửa hàng không có kho chứa riêng biệt do số lượng thuốc BVTV buôn bán tại cửa hàng không lớn. Thuốc BVTV được đặt trong cùng cửa hàng.

- Đối với những cửa hàng nhỏ lẻ, trong ngõ xóm, buôn bán theo thời vụ:

+ Có 116/542 cửa hàng có CCHN (chiếm 21,4%).

+ Có 60/542 cửa hàng có Giấy chứng nhận ĐKKD (chiếm 11,1%)

+ Có 457/542 cửa hàng có diện tích >5m2 (chiếm 94,3%) và 81 cửa hàng có diện tích < 5m2 hoặc không có cửa hàng.

II. Kết quả kiểm tra về chất lượng phân bón và chấp hành quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn

Hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Năm 2012  Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất phân bón của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội  đã xử lý 12 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm về chất lượng phân bón với số tiền: 30.507.780 đồng; buộc tái chế và thu hồi phân bón không đảm bảo chất lượng.

9 tháng đầu năm 2013 Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất phân bón của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã kiểm tra 34 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón. Đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 16 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm về chất lượng phân bón, nhãn hàng hóa với số tiền 62.001.900 đồng; buộc tái chế và thu hồi số lượng phân bón kém chất lượng.

Thông qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp đều thực hiện tốt việc công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy  trước khi cung ứng sản phẩm ra thị trường theo quy định. Tuy nhiên, các vi phạm thường gặp về sản xuất, kinh doanh phân bón gồm có:

Vi phạm về điều kiện sản xuất:

Trừ các đơn vị sản xuất phân bón có qui mô sản xuất lớn, vốn đầu tư của nhà nước, có diện tích nhà xưởng lớn, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh môi trường tương đối tốt, có phòng kiểm tra chất lượng tại chỗ; Còn đại đa số các cơ sở có qui mô còn nhỏ, thiếu vốn, không đủ điều kiện về mặt bằng nhà xưởng để sản xuất. Công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công hoặc bán thủ công, phối trộn bằng cuốc xẻng hoặc các thiết bị phối trộn theo kiểu trống quay hoặc sử dụng máy trộn bê tông do vậy chất lượng phân bón không đồng đều.

Hầu hết các đơn vị sản xuất phân bón không có phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm mà chủ yếu là thuê cơ quan phân tích chất lượng nên việc tự kiểm tra chất lượng cho từng lô hàng trước khi xuất xưởng chưa theo quy định; Không chủ động trong kiểm tra nguyên liệu đầu vào dẫn đến các chỉ tiêu chất lượng không đồng đều và không đạt chất lượng như đã công bố.

 Vi phạm về nhãn mác hàng hóa:

Ngày 30/8/2006 Chính phủ có Nghị định số 89/NĐ-CP về nhãn hàng hoá đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Hầu hết các đơn vị chấp hành tương đối tốt việc ghi nhãn hàng hoá theo Nghị định 89/NĐ-CP của Chính phủ, một số doanh nghiệp có sai sót được nhắc nhở và điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, nằm rải rác, xen kẽ với khu dân cư thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng theo quy định; Một số cơ sở sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất không báo cáo gây khó khăn trong công tác quản lý nói chung. Cụ thể là đến ngày 18/10/2013 Sở Nông nghiệp chỉ liên hệ được 55 doanh nghiệp trong số 119 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn và đã có 7 doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, kinh doanh; 57 doanh nghiệp thay đổi địa điểm, số điện thoại nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng.

III. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV

1.  Tổ chức kiểm tra đối với 112 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV, phát hiện 26 trường hợp vi phạm, với 30 hành vi. Trong đó:

- Buôn bán thuốc ngoài danh mục: 07 hành vi;

-  Buôn bán thuốc hết hạn: 10 hành vi;

- Buôn bán thuốc BVTV cấm sử dụng: 03 hành vi;

- Không có chứng chỉ hành nghề: 08 hành vi;

- Kinh doanh nhãn không đúng quy định: 02 hành vi.

* Xử lý: Cảnh cáo 9 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 triệu đồng; Thu giữ 114,419 kg (lít) thuốc vi phạm để tiêu hủy

2. Kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT :

- Kiểm tra  đối với 49 Công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc BVTV có Giấy chứng nhận ĐKKD do Sở Kế hoạch đầu tư cấp. Kết quả: 03 cơ sở xếp loại A, 21 cơ sở xếp loại B và 25 cơ sở không xếp loại do không đủ các chỉ tiêu đánh giá (cơ sở không có kho lưu chứa và cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuốc BVTV trên địa bàn Hà Nội).

- Kiểm tra, đánh giá 74 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV. Kết quả: không có cơ sở xếp loại A, 13 cơ sở xếp loại B và 61 cơ sở xếp loại C.

Ngoài ra có thể nhận thấy tình trạng nhập lậu các loại thuốc BVTV ngoài danh mục, từ cửa khẩu về bán lén lút trên địa bàn Hà Nội gây khó khăn cho công tác quản lý và gây hậu quả xấu cho người sử dụng, cho môi trường, sức khoẻ nhân dân. Một số nới chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý  hoạt động buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn.

IV. Một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Phân bón và thuốc BVTV là hai loại vật tư quan trọng trong sản xuất trồng trọt và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng vì vậy việc tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc BVTV chính là góp  phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đảm bảo ATTP và môi trường sinh thái.

Với số lượng lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn có quy mô nhỏ, luôn có sự thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh; số cơ sở ngừng sản xuất và mới thành lập hàng năm luôn biến động khá lớn; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đa dạng; Hệ thống đại lý cung ứng sản phẩm phát triển nhanh về số lượng, thường đến tận thôn xóm, xen kẽ trong các khu dân cư nên công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trong thời gian tới cần tập trung chú ý thực hiện các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra:

a) Đối tượng thanh, kiểm tra:

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.

- Các tổ chức tham gia trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về phân bón, thuốc BVTV.

b) Nội dung thanh, kiểm tra:

- Kiểm tra  việc chấp hành các văn bản, quy định của nhà nước về phân bón, thuốc BVTV;

- Kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV

(Theo quy định tại Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 về Về việc Ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT ngày 25/2/2013 Quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật;

- Kiểm tra chất lượng sản phẩm phân bón và thuốc BVTV

- Kiểm tra đánh giá theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sản xuất nông nghiệp kỹ thuật sử dụng phân bón hiệu quả

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu; tuyên truyền và triển khai xây dựng mô hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng kỹ thuật và ứng dụng TBKT đã và đang được triển khai trên địa bàn các quận/huyện có sản xuất nông nghiệp của Thành phố nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả trong sản xuất, đảm bảo an toàn VSTP và môi trường sinh thái.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật của nhà nước về quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và đối với phân bón, thuốc BVTV nói riêng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh

Công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

V. Trách nhiệm của các bên liên quan:

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội:

-  Hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

- Tiếp nhận công bố hợp quy phân bón, thuốc BVTV của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón.

-  Kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón, thuốc BVTV; các hoạt động khảo nghiệm, quảng cáo, hội thảo, trình diễn phân bón, thuốc BVTV và sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo quy định.

- Tiếp tục kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp; xử lý các vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm tra;

- Đôn đốc chỉ đạo các Chi cục được giao chức năng Thanh tra chuyên ngành thực hiện Kế hoạch số 90/KH-BCĐ127 ngày 24/12/2012 của Ban Chỉ đạo 127 Ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội về việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lân thương mại năm 2013

 - Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên trồng trọt-BVTV làm việc tại xã về nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm hành chính trong quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV tại địa bàn.

- Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quản lý vật tư nông nghiệp bằng nhiều hình thức như: Công khai tại trụ sở UBND xã, huyện một số văn bản quản lý nhà nước quy định trách nhiệm của UBND xã, phường trong việc quản lý thuốc BVTV; Cung cấp các tờ rơi, hướng dẫn cách phát hiện một số vi phạm trong buôn bán, sử dụng thuốc BVTV để lãnh đao địa phương nắm được chuyên môn, thuận lợi trong công tác quản lý.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, phân bón; phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Thông báo công khai trên hệ thống đài truyền thanh của địa phương với nhiều hình thức: Biểu dương những hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt quy định trong kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, phân bón đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời thông báo công khai những trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe, hạn chế tình trạng tái phạm.

- Chủ động thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn; Tổ chức cho các chủ cửa hàng ký cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quản lý thuốc BVTV.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá theo thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh phân bón

- Thực hiện đầy đủ các quy định tại tại Thông tư số 36 /2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/ 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón.

- Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với phân bón khi sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường; Công bố hợp quy đối với phân bón theo quy định hiện hành của Pháp luật.

- Phải đảm bảo chất lượng phân bón sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh theo đúng Công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra về các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón.

- Định kỳ tháng 12 hàng năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền, lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính.

4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV

- Đăng ký làm thủ tục cấp, gia hạn và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và chấp hành theo đúng các quy định.

- Chỉ sản xuất, buôn bán thuốc BVTV khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện trong sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã được chứng nhận. Tuyệt đối không buôn bán các loại thuốc giả, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục và thuốc không đảm bảo chất lượng.

- Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan đánh giá thực hiện nhiệm vụ.

- Tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật tổ chức./.

 

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9121
Tổng lượng truy cập: 22303093