Phát triển Đề án cây ăn quả Hà Nội: Công phu chọn cây đầu dòng
KTĐT - Theo Đề án phát triển cây ăn quả của Hà Nội, đến năm 2016, toàn TP sẽ có 15.500ha cây ăn quả, sản lượng đạt 230.000 tấn, giá trị sản xuất cây ăn quả tăng 30%... Để đề án trở thành hiện thực, một trong những công việc quan trọng hàng đầu chính là công tác bình tuyển giống cây đầu dòng, song từ nhiều năm nay, công việc thầm lặng này lại được rất ít người biết đến.

 Những người “thắp lửa” cho cây


Không phải là nhà khoa học được đào tạo bài bản trong trường lớp, nhưng từ 10 năm nay, ông Triệu Tiến Ích, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã chọn tạo được 7 giống nhãn chín muộn, trong đó hai giống HTM-1, HTM-2 được Bộ NN&PTNT công nhận. Tại hội nghị bình tuyển giống cây đầu dòng nhãn chín muộn HTM-2 của Sở NN&PTNT Hà Nội, ngày 7/9, ông Ích phấn khởi cho biết: Năm nay, trong số 6 cây nhãn đề nghị được bình tuyển, gia đình ông có 5 cây được chọn. Cũng trong buổi bình tuyển, Hội đồng khoa học của Sở NN&PTNT Hà Nội đã chọn được 14 cây của các gia đình ông Trần Văn Bảy, Nguyễn Văn Đông, Đỗ Văn Thịnh (xã Song Phương); Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Hữu Tích, Nguyễn Đình Thuyết (xã Đông La), nâng tổng số cây được bình tuyển lên 19 cây. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội, bình tuyển giống là công việc thường niên của Sở. Để được đưa vào diện bình tuyển, các cây đầu dòng phải được theo dõi chặt về sự sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất cao (hơn 10% so với cây cùng loại), độ ngọt… theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. Hội đồng bình tuyển do Sở NN&PTNT Hà Nội thành lập, đứng đầu là các nhà khoa học của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả, các nhà quản lý, các chuyên gia của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT. Để có được 20 cây nhãn muộn đưa ra bình tuyển giống cây đầu dòng năm nay tại Hoài Đức, Hội đồng bình tuyển đã thực hiện 2 đợt chấm sơ khảo, từ 60 cây ban đầu, qua hai lần sơ khảo mới chọn được 20 cây và cuối cùng, bình tuyển được 19 cây đáp ứng đủ tiêu chuẩn cây đầu dòng.

Nhân rộng nguồn gene quý

Hà Nội là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ban tặng nhiều thế mạnh để phát triển cây ăn quả, trong đó có các loại đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Đại Thành, thanh long ruột đỏ… Từ lâu, danh tiếng của những đặc sản này đã vượt qua ranh giới Thủ đô, đến nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Vì thế, rất nhiều tỉnh lân cận như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng… đã tìm đến Hà Nội mua các loại giống cây ăn quả để về phát triển ở địa phương. Do vậy, công tác bình tuyển giống cây đầu dòng của Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển vùng cây ăn quả của Thủ đô, mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa cho biết, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch bình tuyển mỗi năm từ 60 - 80 cây ăn quả đầu dòng, tập trung vào 3 loại cây đặc sản của Thủ đô, đó là: cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn. Đến nay, tổng số cây ăn quả đạt tiêu chuẩn đầu dòng của Hà Nội là 248 cây, trong đó nhãn chín muộn khoảng 100 cây. Những cây được công nhận đầu dòng này, mỗi năm được khai thác 300 mắt ghép/cây, hoặc 30 cành chiết/cây; sau 3 - 5 năm sẽ được đưa ra bình tuyển lại. 

Tiến sĩ Đoàn Văn Lư - Giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đi đầu về phát triển giống cây ăn quả. Tuy mỗi năm bình tuyển được 60 - 80 cây nhưng về số lượng, Hà Nội cần có thêm nhiều cây ăn quả đầu dòng nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường các tỉnh. Bởi đây là những nguồn gene quý, rất cần được nhân rộng.
                                                                                                                                            (Theo báo Kinh tế và Đô thị điện tử)

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1979
Tổng lượng truy cập: 22313801