QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM HÀ NỘI
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Mặc dù diện tích rừng không lớn, toàn Thành phố có 29.160 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó diện tích có rừng là 24.515 ha) nhưng rừng và đất lâm nghiệp ở Thành phố Hà Nội có giá trị và ý nghĩa vô cùng quan trọng: Là vành đai xanh “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động thực vật phong phú; lưu giữ những phong tục tập quán, những kiến thức bản địa nghìn năm văn hiến; bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh góp phần hình thành và gìn giữ nhân cách thanh lịch, tôn trọng lịch sử và có trách nhiệm với tương lai của người dân Thủ đô Hà Nội. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, gây nuôi phát triển động vật hoang dã, nhiều dịch vụ có sản phẩm liên quan đến tài nguyên rừng.

 Rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng có vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ngay sau khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP ngày 21/5/1973 quy định hệ thống tổ chức và chức năng quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng được thành lập để thực hiện chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

I / SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VIỆT NAM:

Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa quan trọng của rừng, ngày 11/9/1972, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố theo sắc lệnh số 147/LCT. Tại điều 16 của Pháp lệnh quy định “nay thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân”. Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chính thức ra đời từ đây. Do yêu cầu nhiệm vụ công tác của từng thời kỳ, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam đã có nhiều lần thay đổi về tổ chức:

Giai đoạn 1: (từ 1973 – 1979). Lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức theo Nghị định số 101/CP, ngày 21/5/1973 của Hội đồng Chính phủ. Giai đoạn này lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong ngành Lâm nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện, đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp (từ tháng 5/1973 đến tháng 7/1976) và Bộ Lâm nghiệp ( từ tháng 7/1976 đến 1979)

Giai đoạn 2: (từ 1980 – 5/1994). Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo quy định của Nghị định số 368/CP, ngày 08/10/1979 của Hội đồng Chính phủ, đây là giai đoạn tổ chức kiểm lâm không thống nhất và không thành hệ thống từ Trung ương đến cấp huyện và không biệt lập với các đơn vị kinh doanh lâm nghiệp như Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng đã quy định.

Giai đoạn 3: (từ tháng 5/1994 đến tháng 10/2006). Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 và những quy định của Nghị định số 39/CP, ngày 18/5/1994 của Chính phủ. Tên gọi của lực lượng Kiểm lâm nhân dân được đổi thành lực lượng Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm thuộc UBND cấp tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương quản lý.

Giai đoạn 4: (từ tháng 10/2006 đến nay). Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức theo Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý

        II/QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM HÀ NỘI

 Do sự thay đổi hệ thống tổ chức của lực lượng Kiểm lâm và sự chia tách, sát nhập tỉnh; Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng trải qua nhiều lần sát nhập và chuyển đổi về tổ chức, có thể khái quát thành bốn giai đoạn chính như sau:

- Giai đoạn thứ nhất (từ tháng 2/1974 đến tháng 8/1979).

+ Thực hiện Nghị định số 101/CP ngày 21/5/1973 của Hội đồng Chính phủ, ngày 02/02/1974 Tổng cục Lâm nghiệp đã ra quyết định số 115/QĐ-TC V/v thành lập Chi cục Kiểm lâm nhân dân Hà Tây đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UB hành chính tỉnh Hà Tây. Tổ chức bộ máy gồm 03 phòng nghiệp vụ (Phòng Tổng hợp – Kế toán – Hậu cần, phòng Nghiệp vụ kỹ thuật – pháp chế tố tụng, Tổ chính trị ) và 02 Hạt Kiểm lâm nhân dân ở hai huyện Ba Vì và Mỹ Đức, 01 tổ kiểm soát lưu động trực thuộc Chi cục. Ngày 27/12/1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hà Tây hợp nhất với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, Chi cục Kiểm lâm Nhân dân Hà Tây sát nhập với Chi cục Kiểm lâm Nhân dân Hòa Bình thành Chi cục Kiểm lâm Nhân dân Hà Sơn Bình.

+ Ngày 14/8/1979, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũ được thành lập tại Quyết định số 1147/TCN của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT)  trên cơ sở tiếp nhận một số Hạt Kiểm lâm của tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú và Hạt kiểm lâm của Cục Kiểm lâm (Bộ Lâm nghiệp) gồm 04 Hạt Kiểm lâm (Hạt Kiểm lâm Ba Vì, Hạt Kiểm lâm Sơn Tây, Hạt Kiểm lâm Mê Linh, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn) và 01 Hạt Phúc kiểm lâm sản nội thành, với 37 cán bộ công chức.

- Giai đoạn thứ hai: (từ tháng 8/1979 đến năm 1991).

+ Sau 16 năm hợp nhất tỉnh Hà Tây với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình năm 1975 (theo Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 5 ngày 27/12/1975 về việc hợp nhất một số tỉnh). Ngày 12/8/1991 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã họp có Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh Thành phố trực thuộc Trung ương, đã quyết nghị chia tỉnh Hà sơn Bình thành 02 tỉnh là Hòa Bình và Hà Tây. Chi cục Kiểm lâm Hà Tây được Bộ Lâm nghiệp quyết định thành lập tại Quyết định số 437/TCLĐ ngày 27/11/1991. Tổ chức bộ máy gồm: Văn phòng Chi cục (phòng Pháp chế; phòng nghiệp vụ kỹ thuật Bảo vệ rừng; phòng tổng hợp và tổ chức, kế toán, hành chính quản trị) và 04 Hạt Kiểm lâm (Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Hạt phúc kiểm lâm sản Đan Phượng) với tổng biên chế là 50 người. Do yêu cầu nhiệm, bộ máy của Chi cục Kiểm lâm Hà Tây được bổ sung, gồm có: Văn phòng Chi cục và 09 đơn vị trực thuộc (07 Hạt Kiểm lâm, 01 đội KLCĐ & PCCCR và 01 Trạm quan sát dự báo PCCCR) với tổng biên chế là 91 người.

+ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũ chuyển giao về Chi cục Kiểm lâm Hà Tây 02 đơn vị là Hạt Kiểm lâm Ba Vì và Hạt Kiểm lâm Sơn Tây, chuyển giao về Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc Hạt Kiểm lâm Mê Linh. Tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũ gồm có Văn phòng Chi cục và 03 Hạt Kiểm lâm (Hạt kiểm lâm Sóc Sơn, Hạt Phúc Kiểm lâm sản Ngọc Hồi, Hạt Phúc kiểm lâm sản đường Sông) và 01 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR. Đến năm 1996, thành lập thêm Trung tâm cứu hộ ĐVHD và Kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn. Tổng biên chế là 110 người.

- Giai đoạn thứ ba (từ 1991 – 2008): Giai đoạn này chưa hợp nhất tỉnh Hà Tây với Thành phố Hà Nội,  tồn tại 02 Chi cục Kiểm lâm là Chi cục Kiểm lâm Hà Tây và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũ.

- Giai đoạn thứ tư: (từ năm 2008 đến nay):

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 V/v điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 04 xã Yên Bình, Yên Trung, Đông Xuân, Tiến Xuân của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sát nhập vào Thành phố Hà Nội. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Chi cục Kiểm lâm Hà Tây và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũ tại Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 07/11/2008 của UBND Thành phố Hà Nội. Tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, gồm có: Văn phòng Chi cục (Phòng Tổ chức hành chính, Thanh tra pháp chế, Quản lý bảo vệ rừng và PTR, Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng) và 15 đơn vị trực thuộc, trong đó: 14 đơn vị hành chính (03 Đội KLCĐ&PCCCR, 10 Hạt Kiểm lâm và 01 Trạm quan sát dự báo PCCCR) và 01 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm cứu hộ ĐVHD và Kỹ thuật BVR Sóc Sơn). Tại điều 2 của Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 07/11/2008 của UBND Thành phố Hà Nội quy định: Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản, đảm bảo chấp hành và thực thi pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng  trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Từ đó Chi cục Kiểm lâm Hà Nội luôn được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, UBND Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện, thị xã, các ngành chức năng có liên quan như: Công an, Quân đội, Kiểm sát, Quản lý thị trường....

Trải qua nhiều sự thay đổi về quản lý, tổ chức bộ máy, bổ sung quyền hạn nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã từng bước trưởng thành và phát triển. Hiện nay bộ máy tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có 04 phòng chuyên môn (Phòng Tổ chức hành chính, Thanh tra pháp chế, quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng) và 15 đơn vị trực thuộc, trong đó: 14 đơn vị hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp. Tổng số biên chế được giao là 211 người, trong đó: CBCC,VC: 131 người (62%), Lao động hợp đồng 80 người (38%). Về trình độ: Trên đại học: 04 người (2%): Đại học: 139 người (66%): Trung cấp 38 người (18%): Loại khác: 30 người (14%).

III/ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

Suốt gần 40 năm qua, đặc biệt là những năm trở lại đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT, Cục Kiểm lâm; với quyết tâm lớn, không ngại gian khổ, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phát huy được vai trò là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao:

1. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu để UBND Thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các địa phương, các ngành, các tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; Ban hành quy định theo thẩm quyền để thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng theo hướng bền vững, như: Quyết định ban hành quy định về PCCCR trên địa bàn Thành phố Hà Nội (quyết định 22/2011/QĐ-UBND ngày 18/7/2011), Quyết định phê duyệt quy hoạch về bảo vệ rừng và phát triển rừng Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 01/02/2013), Quyết định ban hành quy định thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm và vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Quyết định số 6080/QĐ-UBND ngày 25/12/2012), quyết định ban hành quy chế cứu hộ ĐVHD (Quyết định số 5703/QĐ-UBND ngày 06/12/2011)….

2. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng được Chi cục đặc biệt quan tâm thực hiện với nhiều hình thức và nội dung phong phú phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Đã tổ chức gần 500 cuộc họp với dân để phổ biến pháp luật và hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng đến 613 tổ chức cá nhân có liên quan đến sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản và chính quyền 579 xã, phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn bảo vệ rừng và PCCCR với gần 6.000 lượt người tham gia;  Phát hành 2.000 cuốn tài liệu phổ biến quy định về bảo vệ rừng và PCCCR; 1.000 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật gây trồng một số loài cây phục vụ xây dựng trang trại kinh tế đồi rừng; gần 200 băng đĩa tuyên truyền về BVR; tuyên truyền về bảo vệ rừng cho 28 trường PTTH, PTCS với tổng 18.000 học sinh. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động và phát thanh trên đài truyền thanh địa phương, ký cam kết bảo vệ rừng với 1.860 hộ và 9.965 hộ nhận quy ước bảo vệ rừng.

3 . Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng:

- Chú trọng thực hiện quản lý địa bàn, tiến hành điều tra thống kê cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản (550 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, 1231 họ làm nghề mộc, 12 làng nghề có sản phẩm liên quan đến lâm sản), cơ sở gây nuôi ĐVHD (359 cơ sở), để tham mưu đề xuất và tổ chức quản lý bảo vệ. Phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn quản lý 103 cơ sở nuôi gấu với tổng số 361 cá thể Gấu, bám dân, bám rừng tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương, phát hiện vấn đề phát sinh để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao.

- Đã triển khai xây dựng nhiều dự án, đề án để tổ chức thực hiện bảo vệ rừng, như: Năm 2003 đã trình và được phê duyệt dự án tăng cường năng lực PCCCR (Quyết định số 2370/QĐ-UB ngày 13/11/2003); Xây dựng phần mềm dự báo cháy rừng và phần mềm chỉ huy chữa cháy rừng (năm 2004); Xây dựng cơ sở dữ liệu và đào tạo thuộc dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức theo dõi diến biến rừng và đất lâm nghiệp (2008); Ngày 03/10/2012 đã được UBND Thành phố cho phép xây dựng dự án tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và PCCCR ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố (Văn bản số 7586/UBND-KH&ĐT)

- Thường xuyên thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đối với địa phương, chủ rừng, đối tượng buôn bán kinh doanh lâm sản. Công tác thừa hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Từ năm 1993 đến nay đã xử lý 11.041 vụ thu nộp ngân sách nhừ nước 28,62 tỷ đồng. Các vụ vi phạm đều được xử lý đúng quy định của pháp luật.

4. Công tác xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất cho công tác quản lý bảo vệ rừng:

a) Tham mưu xây dựng hệ thống lực lượng bảo vệ rừng từ Thành phố đến cơ sở: Đã tham mưu để UBND thành phố Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng của Thành phố với 16 thành viên. Kiện toàn Ban chỉ huy thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và PCCCR thành Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 07 huyện, thị xã có rừng với số người tham gia 59 người; 45 xã, phường, thị trấn với số người tham gia 512 người; 08 Ban chỉ huy cấp chủ rừng với 74 người tham gia; 130 tổ đội xung kích bảo vệ rừng với 1.331 người tham gia, lực lượng huy động khác (chủ yếu là quân đội) với 2.380 người.

b) Thực hiện tốt phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng: Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện quản lý bảo vệ rừng với Cảnh sát môi trường, Bộ chỉ huy quân sự Thành phố….

c) Quan tâm đào tạo để có lao động chất lượng cao, tinh thông nghiệp vụ. Chú trọng thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức sinh hoạt chính trị nhằm chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm từ Chi cục đến các đơn vị cơ sở. Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

d) Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý bảo vệ rừng cũng được Chi cục chú trọng thực hiện. Thông qua thực hiện dự án và kế hoạch mua sắm hàng năm, đến nay đã từng bước trang bị được 250 biển báo cấm lửa, cấm phá rừng, cảnh báo phục vụ bảo vệ rừng; trang bị 39 loại thiết bị với số lượng 3.288 thiết bị PCCCR; 17 chòi canh lửa rừng; 08 bể chưa nước PCCCR, 08 máy bơm chữa cháy rừng và nhiều phương tiện thô sơ khác phục vụ PCCCR. 14/15 đơn vị đã có trụ sở làm việc kiên cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

5. Thực hiện công tác Cải cách hành chính: Chi cục đã triển khai 11 thủ tục hành chính trong công tác quản lý bảo vệ rừng và gây nuôi ĐVHD, là 1 trong những đơn vị thực hiện tốt trong ngành về thực hiện cải cách hành chính

Với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ nên công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Thành phố đã đạt được kết quả đáng khích lệ: 6/7 huyện, thị xã có rừng nhiều năm liền không để xảy ra cháy rừng, phá rừng. Riêng địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn xảy ra cháy rừng, Chi cục đang tích cực tham mưu triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác định trách nhiệm giữa ngành và chính quyền địa phương, đề xuất chính sách để hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, phá rừng. Công tác quản lý chế biến kinh doanh lâm sản, gây nuôi ĐVHD được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã được Chính phủ tặng 02 bằng khen, cờ thi đua, nhiều Bằng khen của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND Thành phố cho tập thể và cá nhân. Cơ quan Chi cục liên tục được công nhận là cơ quan văn hóa.

IV/ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM TRONG GIAI ĐOẠN TỚI:

1. Những thách thức đối với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng cần được quan tâm giải quyết:

Từ hoạt động thực tế trong những năm qua, nhìn nhận bối cảnh chung của ngành và cả nước, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu đòi hỏi cung cấp tài nguyên từ rừng, nhận thấy công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian tới sẽ phải đối mặt với một số thách thức sau:

- Những yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng. Nhiều vấn đề pháp lý và mối quan hệ dân sự phức tạp trong xã hội phát sinh có liên quan đến ngành lâm nghiệp và công tác quản lý bảo vệ rừng cần được giải quyết, đặc biệt là các tranh chấp quốc tế; đòi hỏi nguồn nhân lực của lực lượng Kiểm lâm phải được đào tạo nâng cao nghiệp vụ trong thời gian ngắn, trong khi hiện nay công tác đào tạo đối với kiểm lâm còn nhiều hạn chế;

- Công tác tuyên truyền chưa thực hiện tốt nên xã hội chưa nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan và công bằng đối với lực lượng kiểm lâm như giao thẩm quyền cho lực lượng kiểm lâm chưa tương xứng để thực thi nhiệm vụ phức tạp, nguy hiểm không khác gì đối với lực lượng vũ trang.

- Do khoa học chưa phát triển, nền kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, cộng với áp lực về nhu cầu canh tác nông nghiệp là nguyên nhân chính gia tăng sức ép đối với tài nguyên rừng và những lâm phần có tài nguyên khoáng sản.

- Trong tương lai, khi nền kinh tế và ý thức xã hội phát triển, Tài nguyên rừng sẽ được bảo vệ chủ yếu dựa vào ý thức chung của xã hội và quy định của pháp luật. Vì vậy, cần có lộ trình để thay đổi nhận thức về tổ chức và hoạt động của lực lượng kiểm lâm.

2. Phương hướng hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Hà Nội trong thời gian tới:

- Chủ động và thực hiện tốt công tác tuyên truyền

- Chú trọng và tăng cường công tác tham mưu, đặc biệt về chính sách để thực hiện xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; Xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, chủ rừng, các ngành chức năng; Xây dựng được lực lượng bảo vệ rừng sâu rộng theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở; Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

- Tăng cường đào tạo huấn luyện để có đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng trong thực thi công vụ.

- Tham mưu để tổ chức, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng và PCCCR theo hướng bền vững.

- Tích cực xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

V/ ĐỀ XUẤT:

Trước những thách thức trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội xin đề xuất một số nội dung sau:

1. Nhà nước nên kiện toàn lại hệ thống tổ chức lực lượng kiểm lâm ổn định về tổ chức theo hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo sự chỉ đạo chuyên ngành thông suốt trong toàn lực lượng mới nâng cao được hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng; vì trong nhiều năm tổ chức kiểm lâm chưa thống nhất và không ổn định nên hiệu lực bị hạn chế. Lực lượng Kiểm lâm mới ra đời được 40 năm nhưng đã có tới 4 lần thay đổi về tổ chức.

2. Nhà nước nên tăng thêm thẩm quyền cho lực lượng kiểm lâm như lực lượng cảnh sát để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lực lượng Kiểm lâm là 1 trong 5 cơ quan được quyền khởi tố điều tra, nhưng trong thực tế hoạt động này chưa được các văn bản dưới luật cụ thể hóa nên thực tế hoạt động của lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn.

3. Về chính sách đầu tư và các chế độ đãi ngộ tuy đã được cải thiện song vẫn cần được rà soát, bổ sung để có chính sách đầu tư đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay.

4. Về xây dựng lực lượng: Cần phải cải cách để nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động của lực lượng, trong đó chú trọng công tác tuyển dụng ngay từ đầu vào và công tác đào tạo. Cần phải có chương trình tuyển dụng, đào tạo riêng vì kiểm lâm là cơ quan thừa hành pháp luật nên ngoài hiểu biết chuyên môn về lâm nghiệp cần phải có trình độ về luật học, có sức khỏe, bản lĩnh, có khả năng giao tiếp, điều tra.... Công tác đào tạo cần mang tính chiến lược để có một bộ phận kiểm lâm viên có kỹ năng quốc tế và kỹ thuật cao về nhiệm vụ đặc thù của ngành.

5. Về tư duy quản lý và định hướng nhiệm vụ mới cần phải phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về lâu dài phải hướng tới giám sát quản lý toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng từ rừng và đất lâm nghiệp; Làm rõ quy định về độ che phủ rừng và độ che phủ của hệ thực vật để có chính sách phù hợp quản lý cây phân tán, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường của rừng và của cây trồng phân tán.

Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam đã có bề dầy 40 năm xây dựng và trưởng thành, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tin tưởng vào những định hướng và sự thành công của lực lượng kiểm lâm trong tương lai, phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng./.

                                                                        Đặng Đình Phúc-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội

chi cục Kiểm lâm hÀ nỘI

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4460
Tổng lượng truy cập: 22313801