Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội đến năm 2020
Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội là danh lam thắng cảnh nổi tiếng quốc gia và quốc tế, có cảnh quan sinh thái tự nhiên hữu tình, kỳ thú. Cách trung tâm huyện Mỹ Đức 10 km về phía Đông Nam, phía bắc giáp xã Hùng Tiến và xã An Tiến, phía đông giáp tỉnh Hà Nam, phía tây và nam giáp tỉnh Hòa Bình. Hương Sơn là một vùng núi đá vôi điệp trùng, hùng vĩ với địa hình chia cắt phức tạp và quá trình tạo hóa nhiều hang động tự nhiên.

               Với hệ sinh thái động thực vật trên núi đá vôi phong phú và đa dạng tạo cho Hương Sơn một cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn cùng với hệ thống đền chùa, miếu mạo nổi tiếng. Các công trình tôn giáo hòa nhập giữa phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp là một đặc trưng của khu du lịch Hương Sơn hấp dẫn hàng triệu du khách đến vãn cảnh và tham gia lễ hội. Rừng đặc dụng Hương Sơn còn là một kho dự trữ thiên nhiên to lớn về bảo tồn nguồn gen các loài quý hiếm, loài đặc hữu. Sự kết hợp hài hoà giữa điều kiện tự nhiên, xã hội và nhân văn nơi đây tạo nên một giá trị đặc biệt quan trọng, đã được nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia vào loại rừng cảnh quan để tăng cường quản lý, bảo vệ và đầu tư phát triển.

       Rừng đặc dụng Hương Sơn là bảo tàng đa dạng về cuộc sống. Có núi, hồ, hang động cùng cả rừng cây, rừng thú. Quy hoạch với vùng chính 4.355 ha và 1.191 ha vùng đệm, hệ thực vật rừng đặc dụng Hương Sơn có 185 họ, 577 chi, 873 loài, trong đó có 25 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Hệ động vật của rừng có 288 loại thuộc 84 họ, 26 bộ, trong đó có 40 loài động vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao và có một loài mới phát hiện được trong năm 2011. Thành phần côn trùng của rừng đặc dụng Hương Sơn cũng rất phong phú với 374 loài thuộc 65 họ, 13 bộ. Với những giá trị to lớn về đa dạng sinh học, sự hài hòa trong cảnh quan và đặc biệt có chùa Hương - một điểm hành hương nổi tiếng nhấtViệt Nam, hàng năm nơi đây thu hút từ 1,4 - 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Du khách có thể bỏ lại sau lưng mọi xô bồ phố thị, thong thả viên mãn đền chùa, chiêm ngắm cỏ cây, hít thở không khí đặc trưng của rừng Hương Sơn. Những thân đại thụ ngàn năm kiêu hãnh như cố nối đất với trời. Những dây leo kỳ dị khổng lồ bên cạnh những loài hoa bé nhỏ gan góc. Tất cả chung sống hòa bình, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Các loài động vật dù ăn thịt lẫn nhau nhưng có quy luật cân bằng. Chỉ sợ con người can dự, hủy hoại thiên nhiên, làm đảo lộn môi trường sống của cả chính con người. Và điều đó cũng đang là bài toán khó trong suốt những năm qua để rừng Hương Sơn luôn giữ được những giá trị vốn có. Chính vì vậy, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng đặt ra khá nặng nề đối với Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn. Trước thực trạng đó, Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương có rừng thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ phát triển bền vững rừng, ngoài ra Ban còn thành lập 14 tổ công tác quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên trách. Đồng thời làm tốt nhiệm vụ tuần tra kiểm soát canh coi, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng và là lực lượng chính trong phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Ngoài chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, bảo vệ môi trường cho thủ đô Hà Nội, rừng đặc dụng Hương Sơn còn có tác dụng phòng hộ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ hiếm có, mang lại hiệu quả kinh tế thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch sinh thái, trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

        Xuất phát từ những giá trị nổi bật trên, lãnh đạo và tập thể Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội xác định cần thiết phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới bằng những nhiệm vụ cụ thể như: Quản lý bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng; thực hiện các chương trình nghiên cứu; theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên rừng; trồng những cây đặc sản, đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao; xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng bền vững lâu dài, có cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chương trình phát triển rừng ở vùng đệm nhằm giảm sức ép nhu cầu gỗ; củng cố và xây dựng cơ sở trang thiết bị để phòng chống cháy rừng và tăng cường vận động nhân dân trong vùng lõi, vùng đệm cũng như các du khách về công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Bên cạnh những nỗ lực trên, Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội cũng rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan cấp trên để tài nguyên rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội luôn giữ được những giá trị vốn có, phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng thế mạnh nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên rừng quốc gia.

        Có thể thấy rằng, với những giá trị vô cùng nổi bật về tiềm năng thiên nhiên, với sự nỗ lực triệt để của con người. Nhà nước đã có những quan tâm, định hướng dài hơi để lưu giữ và phát huy những giá trị vốn có của rừng đặc dụng Hương Sơn. UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 690/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2013 về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội đến năm 2020. Mục tiêu của việc lập quy hoạch để quản lý bảo tồn và phát triển, sử dụng rừng bền vững nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ môi trường cảnh quan, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế của khu rừng đặc dụng Hương Sơn. Việc lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn đến năm 2020 là rất cần thiết. Rừng là vàng, rừng là máu thịt, nếu chúng ta biết giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái của rừng.

    Trong năm 2013 Ban quản lý Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ lập xong Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu Rừng đặc dụng Hương Sơn Hà Nội đến năm 2020 đã được UBND Thành phố Hà Nội giao tại Quyết định số 690/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2013 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc quản lý, bảo vệ phát triển rừng. 

                                                                                      Nguyễn Duy Giáp-Giám đốc Ban QL rừng đặc dụng Hương Sơn

 

 

Ban QL rừng đặc dụng Hương Sơn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4394
Tổng lượng truy cập: 22313801