Tăng cường bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đặc dụng Hương Sơn
Sáng 12/3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị Triển khai nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng năm 2014; Kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hương Sơn (1994 - 2014). Đồng chí Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của rừng. Rừng đặc dụng Hương Sơn được xem là kho dự trữ thiên nhiên đa dạng với núi, hồ, hang động, rừng cây, muông thú, với diện tích 4.705ha. Thành phần thực vật rừng có 917 loài, thuộc 597 chi của 192 họ (trong đó, 28 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ). Hệ động vật rừng có 290 loài, 85 họ, 26 bộ thì có tới 40 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Không chỉ có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ môi trường Thủ đô, rừng đặc dụng Hương Sơn còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch sinh thái. 

Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã thành lập 15 tổ bảo vệ rừng tại gốc, với khoảng 50 cán bộ, hàng ngày làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đây cũng là lực lượng xung kích trong phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại cây. Nhờ đó, 20 năm qua, chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra, rừng sinh trưởng, phát triển mạnh. Độ che phủ của rừng tăng từ 37,4% (năm 1994) lên 48,3% (năm 2013), góp phần bảo vệ và phát triển cảnh quan, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gene và tính đa dạng sinh học... 

\"\"
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng

 

Để bảo vệ và phát huy được các giá trị về rừng, BQL đã xây dựng được 10 mô hình lâm nghiệp, trong đó có 3 mô hình trồng rau Sắng chùa Hương với diện tích 5ha; 3 mô hình trồng cây Mơ Hương Tích rộng 3ha... Thông qua kết quả xây dựng mô hình lâm nghiệp đã giúp các hộ dân làm nghề rừng tại địa phương giải quyết được việc làm, tăng thu nhập. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức hoàn tất xây dựng 920m đường lâm sinh, 3,5ha vườn thực vật sinh thái, 4 trạm bảo vệ rừng và hàng chục biển, bảng thông báo nội quy bảo vệ rừng tại những tụ điểm tập trung đông người và các cửa rừng… Đầu tư hỗ trợ kinh phí phát triển cộng đồng dân cư cho 13 thôn thuộc 3 xã vùng đệm của rừng đặc dụng Hương Sơn là Hùng Tiến, An Tiến và An Phú, mỗi thôn 40 triệu đồng/năm…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, trong thời gian qua, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã đã làm tốt công tác trồng rừng, đảm bảo cảnh quan môi trường, độ che phủ của rừng được tăng lên hơn 10%, chất lượng cây trồng ngày càng đa dạng, xây dựng được nhiều mô hình trồng cây có hiệu quả. Phó chủ tịch nhấn mạnh, mặc dù lực lượng cán bộ còn mỏng nhưng Ban quản lý đã tích cực tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ rừng, về phòng chống cháy rừng…thu hút khách thăm quan từ mọi miền trong cả nước. 

Để phát huy những giá trị đã đạt được, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch yêu cầu huyện và các xã có rừng cần tích cực phối hợp trong việc bảo vệ và phát triển tiềm năng từ rừng, phát triển sự đa dạng sinh học, gắn việc bảo vệ với phát triển kinh tế rừng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND huyện với các xã khi có sự cố về cháy rừng. Đặc biệt, quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, du khách về bảo vệ tài nguyên rừng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

 

 

UBND TP Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3907
Tổng lượng truy cập: 22149013