Huyện Thạch Thất: Nhiều đột phá sau 5 năm hợp nhất (31/01/2013)
Từ một huyện thuần nông, kinh tế gặp nhiều khó khăn, sau 5 năm sáp nhập về Hà Nội, tận dụng và phát huy mọi nguồn lực, Thạch Thất hôm nay đã chuyển mình với một sức sống mới, mạnh mẽ và năng động hơn.

 

\"\"
Mô hình trồng hoa ly tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất
 
Đồng chí Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chia sẻ: trước khi sáp nhập về Hà Nội, Thạch Thất là một huyện kinh tế thuần nông, gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, có xã lên tới 20%, đặc biệt là 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Nhưng từ khi sáp nhập về Hà Nội, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 
 
Để tạo đột phá trên mọi lĩnh vực, huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Cụ thể, sau khi hợp nhất, huyện đã khẩn trương quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch 9 làng nghề truyền thống, gắn với 9 cụm điểm công nghiệp với diện tích 263,94 ha; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 700 doanh nghiệp, 20.000 hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực CN-TTCN và ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 82.000 lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN - XDCB năm 2013 đạt 2.145.434 triệu đồng, bằng 100,7% kế hoạch năm và tăng 11,2% so với năm 2012. Một số sản phẩm truyền thống vẫn phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá như: Cơ kim khí tăng 14,9%, chế biến lâm sản đồ mộc tăng 15%, chế biến lương thực thực phẩm tăng 14,4%, dệt may tăng 18,1%.
 
Cùng với đó, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại với sự tham gia của các phương tiện kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh trồng lúa năng suất cao, Thạch Thất đã có những mô hình thâm canh hiệu quả kinh tế cao từ các cây, hoa màu khác như mô hình hoa ly ở xã Yên Bình, xã Đại Đồng cho thu hoạch 2,5 đến 2,8 tỷ đồng/ha/năm; những vùng rau an toàn ở các xã Hương Ngải, Dị Nậu, Canh Nậu, Kim Quan, Hạ Bằng, Bình Yên, Yên Bình đem lại hiệu quả gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa. Đặc biệt là việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi với các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng ngày càng phát triển như: mô hình chăn nuôi lợn rừng, đà điểu,... mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và làm ăn ngày càng hiệu quả.
 
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 3 năm qua, đã có hàng trăm hộ hiến đất, đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Gần 100% đường liên xã, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn của huyện ngày một khang trang, sạch đẹp. Năm 2013, huyện có thêm 5 xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới là Phùng Xá, Hương Ngải, Dị Nậu, Bình Yên, Hạ Bằng.
 
Nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước hằng năm trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch. Điển hình như năm 2013, tổng Thu ngân sách địa phương đạt 881.500 triệu đồng bằng 128,6% dự toán năm; Tổng chi ngân sách địa phương đạt 832.970 triệu đồng bằng 121,5% dự toán năm.
 
Lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã có 77 trường công lập từ bậc Mầm non đến bậc THCS, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, được sở GD & ĐT thành phố đánh giá đứng thứ 13/29 quận, huyện, thị xã; có 23/23 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đặc biệt năm 2013, toàn huyện có thêm 9 xã`được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 1%; tỷ lệ làng (thôn) đạt và giữ vững danh hiệu văn hoá đạt 150/200 làng đạt tỉ lệ 75% (đạt KH năm) và tỷ lệ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hoá đạt 85% (đạt KH năm 2013)...
 
Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố, bảo đảm, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn. Bên cạch đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được huyện đặc biệt chú trọng, đã phát huy hiệu quả năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoạt động tôn giáo được quản lý theo đúng pháp luật; công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm được tăng cường; quy chế dân chủ được thực hiện tốt ở cơ sở, tạo được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.
 
Có thể nói, sau 5 năm sáp nhập về Hà Nội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, là tiền đề quan trọng để Thạch Thất phát triển văn minh, hiện đại.

 
HANOIPORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6940
Tổng lượng truy cập: 22212886