Đảm bảo hiệu quả công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
Tình hình thời tiết thành phố Hà Nội có nhiều đặc điểm phức tạp, với nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Có 4 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 2, cơn bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng, UBND Thành phố Hà Nội và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố đã ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai các giải pháp nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Phúc Thọ

Báo cáo tại buổi làm việc, kiểm tra của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 tại thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN năm 2020 sát với thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra. UBND Thành phố, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, xây dựng và phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Từ đầu mùa mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức kiểm kê vật tư dự trữ tại các điểm, kho bãi trên các tuyến đê thuộc Thành phố quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư…trên các điếm canh đê trên địa bàn. Việc xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được chú trọng. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với sự tham gia của 64.948 người. Lực lượng này được tập huấn, trang bị các kỹ năng về ứng cứu, hộ đê, cấp cứu người đuối nước; sơ cứu, cấp cứu người bị nạn,…

Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đã tích cực phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức công đồng về PCTT&TKCN tới người dân.

Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các công ty thuỷ lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố; rà soát quy trình tích nước và vận hành; những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2020; Về đê điều: qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trên các tuyến đê, năm 2020 thành phố Hà Nội xác định còn 4 trọng điểm và 12 vị trí xung yếu cần được bảo vệ.

Theo Giám đốc Sở NN &PTNT, Phó Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ: Hà Nội có trên 20 con sông chảy qua 27/30 quận, huyện, thị xã với những đặc điểm thủy văn phức tạp, khó lường; địa hình đa dạng, phức tạp; hệ thống đê điều, thủy lợi lớn. Nhiệm vụ bao trùm trong mọi hoàn cảnh Thành phố luôn phải bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai; trong đó, nòng cốt có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống đê điều, thủy lợi. Muốn vậy, Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm “4 tại chỗ”… Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện đúng các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội đề nghị Đoàn công tác báo cáo, đề xuất Chính phủ bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ Hà Nội thực hiện giải pháp công trình nhằm xóa bỏ trọng điểm phòng, chống lụt, bão: Xử lý tổng thể khu vực cửa vào sông Đuống (đoạn xã Xuân Canh, huyện Đông Anh); nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy; thực hiện các hạng mục của chương trình nâng cấp đê sông và triển khai quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy.

Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tiêu nước của cống Long Tửu, vận hành cống Long Tửu theo cả hai chiều phục vụ lấy nước và hỗ trợ chống úng ngập hai bên bờ sông Thiếp – Ngũ Huyện Khê và kênh Long Tửu. Đây là giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo an toàn hệ thống thủy lợi Bắc Đuống nói chung, cũng như hạn chế những nguy cơ mất an toàn, thiệt hại do ngập úng có thể xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo công an các tỉnh có các tuyến sông giáp ranh với thành phố Hà Nội tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh các cá nhân, tổ chức khai thác cát, sỏi trái phép ảnh hưởng đến công trình thoát lũ, nhất là trên tuyến sông Hồng. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính Phủ.

Đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tập huấn nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai...

Trưởng đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, đại tá Hầu Văn Lý - Phó chánh văn phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Bộ Công an) đánh giá cao công tác chủ động của thành phố Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19… Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, các thành viên đoàn công tác đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng cho người dân kỹ năng ứng phó một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; tăng cường diễn tập xử lý các tình huống thiên tai, sự cố cháy nổ, sập đổ công trình…Bên cạnh đó, có những giải pháp và kế hoạch đầu tư nâng cấp nhằm bảo vệ các hồ thủy lợi xung yếu.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai thời gian qua không tuân theo quy luật, luôn tiềm ẩn sự khó lường. Vì vậy, phòng, chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội chỉ đạo duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ ở các cấp để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hệu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020, đảm tuyệt đối an toàn đối với từng công trình. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020 tại 30 quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra./.

Lưu Thị Phượng - TT Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2034
Tổng lượng truy cập: 22014411