Tình hình triển khai xử lý sự cố mạch đùn, sủi hạ lưu cống Cẩm Đình
Ngày 25/7/2016, Ban QLCT phân lũ sông Đáy kiểm tra phát hiện thấy hiện tượng mạch đùn, sủi tại mang cống phía thượng lưu cống Cẩm Đình. Qua kiểm tra xác định vị trí mạch đùn, sủi nằm bên phải mang cống Cẩm Đình (theo chiều từ cống Cẩm Đình ra sông Hồng), là điểm tiếp giáp giữa chân mái kè thượng lưu và phần bê tông đáy kênh thượng lưu cống; tại thời điểm kiểm tra (16 giờ ngày 25/7/2016) chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu cống Cẩm Đình là 0,85m (mực nước thượng lưu ở cao trình +4,05m, hạ lưu ở cao trình +4,90m) xuất hiện dòng nước đục đẩy ngược bên phải mang cống.

Ngày 18/9/2017, Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã ban hành báo cáo số 213/BC-PL, cụ thể như sau:

I. SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TRÌNH CỐNG CẨM ĐÌNH

Cống Cẩm Đình nằm trên đê phân lũ Vân Cốc. Tim cống cách vai phải cống phân lũ Vân Cốc 240m về phía thượng lưu sông Hồng thuộc địa phận xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

1. Kích thước cơ bản:

Là cống hở 2 tầng, gồm 3 khoang: 2 khoang lấy nước và 1 khoang thông thuyền. Toàn bộ thân cống là 1 đơn nguyên, bằng BTCT M200. Hai cửa khoang lấy nước bố trí ở phía tả có kết cấu 2 tầng, mỗi tầng bố trí 2 cửa phẳng kích thước (6x5)m. Tầng dưới để lấy nước mùa kiệt, cao trình ngưỡng +3m. Tầng trên để lấy nước mùa lũ, cao trình ngưỡng +9,5m. Cửa thông thuyền bố trí ở phía hữu có 1 cửa van cung, kích thước (8x8)m. Cao trình đáy +3m. Thân cống dài 24m, rộng 25m, chiều dày bản đáy 2m. Chiều dày trụ pin 1,8m. Chân khay thượng lưu có cừ dài 12m để chống xói ngầm. Xử lý nền móng thân cống bằng cọc BTCT M300 kích thước (4x4x12)m. Trên cống làm cầu giao thông tải trọng tiêu chuẩn H30, chiều rộng mặt cầu 8m, chiều dài cầu 25m. Đỉnh cống có tháp điều khiển, kích thước nhà tháp (8,2 x 26,6)m bằng BTCT.

- Trước cống là đoạn kênh dẫn thượng lưu dài 700m, cửa vào mở rộng để thuận thủy lực dòng chảy, trục kênh dẫn làm với phương dòng chảy sông Hồng một góc 450. Cao độ đáy +2,5m. Mặt cắt ngang kênh hình thang, chiều rộng đáy B = 25m, hệ số mái m = 3, cụ thể:

+ Đoạn chuyển tiếp từ sông Hồng vào dài 130m được gia cố bằng rọ đá kích thước (1x2x0,5)m; đoạn tiếp theo dài 520m được gia cố đáy và mái bằng đá lát trong các ô BTCT đổ tại chỗ; đoạn tiếp theo dài 50m được gia cố bằng tấm BTCT M200 dày 0,2m có lỗ thoát nước và lớp lọc ngược.

+ Bể lắng cát dài 50m, rộng 25m, dày 0,4m bằng BTCT M200, cao độ đáy +2m.

+ Cửa vào là sân BTCT M200 dày 0,6m, cao độ +2,5m, rộng 25m, dài 30m.

+ Hai bên là tường chắn đất từ cao trình +10m ¸ +7m xuống cao trình +2,5m. Xử lý nền móng bằng cọc BTCT M300 (4x4x12)m.

- Sau cống là bể tiêu năng, Cao độ đáy bể +1m, chiều rộng 25m, chiều dài 30m, chiều dày 1,2m. Hai bên là tường chắn đất từ cao trình +10m xuống cao trình +7m bằng BTCT M200.

+ Giữa cửa lấy nước và khoang thông thuyền có tường hướng dòng dày 0,6m, cao trình từ +11m giảm dần xuống +7m dài 20m bằng BTCT M200. Xử lý nền móng bằng cọc BTCT M300 (4x4x12)m.

+ Sân sau: Cao trình đáy +3m bằng BTCT M300, chiều dài 30m, chiều rộng 25m, chiều dày 0,4m.

+ Đoạn kênh dẫn hạ lưu: dài 226m, bao gồm 2 đoạn:

Đoạn 1 dài 50m gia cố đáy và mái bằng tấm BTCT M200 đổ tại chỗ dày 0,2m.

Đoạn 2 dài 176m gia cố đáy và mái bằng đá lát khung BTCT đổ tại chỗ.

- Liên kết giữa thân cống, cửa vào, bể tiêu năng bằng khớp nối SYKA.

2. Các thông số kỹ thuật:

TT

THÔNG SỐ THIẾT KẾ KỸ THUẬT

ĐƠN VỊ

THÔNG SỐ

I

Chỉ tiêu thiết kế

 

 

1

Cấp công trình

 

Cấp I

2

Hệ số ổn định cho phép

 

[K] = 1.35

3

Tần suất đảm bảo lấy nước

%

75

II

Thông số kỹ thuật

 

 

  1.  

Vị trí cống

 

Tại xã Cẩm Đình

  1.  

Hình thức cống

 

Không áp

  1.  

Lưu lượng thiết kế mùa kiệt

m3/s

36.24

  1.  

Lưu lượng thiết kế mùa lũ

m3/s

70.00

  1.  

Độ dốc cống (i%)

%

0.0

  1.  

MN TL thiết kế mùa kiệt

m

5,33

  1.  

MN HL thiết kế mùa kiệt

m

5,27

  1.  

MN TL thiết kế mùa lũ

m

13.10

  1.  

MN HL thiết kế mùa lũ

m

7,00

  1.  

Cao trình ngưỡng cống lấy nước mùa kiệt

m

3,00

  1.  

Cao trình ngưỡng cống lấy nước mùa lũ

m

9,50

  1.  

B cống

m

2x6 + 1x8 = 20

  1.  

Số khoang

khoang

03

  1.  

Chiều dài cống

m

24.00

  1.  

Kết cấu thân cống

 

BTCT M200

  1.  

Hình thức móng cống

 

Cọc BTCT M300

  1.  

Cao trình bể tiêu năng

m

+1.00

  1.  

Chiều dài bể tiêu năng

m

30.00

  1.  

Cao trình bể lắng cát và sân thượng lưu

m

+2.00

  1.  

Chiều dài sân thượng lưu

m

50.0

  1.  

Hình thức cửa van

 

Van cung+van phẳng

  1.  

Thiết bị đóng mở cửa cống

 

Xilanh thủy lực

  1.  

Cao trình đỉnh đê vai cống

m

17.00

  1.  

Chiều rộng đáy kênh TL

m

25.0

  1.  

Chiều dài kênh TL

m

700

  1.  

Độ dốc đáy kênh TL

m

7x10-5

  1.  

Cao trình đáy kênh TL

m

2.50

  1.  

Hệ số mái kênh TL

%

1 : 3.0

  1.  

Chiều rộng đáy kênh HL

m

25.0

  1.  

Chiều dài kênh HL

m

226

  1.  

Độ dốc đáy kênh HL

 

7x10-5

  1.  

Cao trình đáy đầu kênh HL

m

3.0

  1.  

Hệ số mái kênh HL

%

1 : 3.0

  1.  

Hình thức gia cố mái kênh TL, HL

 

Rọ đá và khung BT đá lát

  1.  

Hình thức bảo vệ mái đê

 

Ô trồng cỏ

  1.  

Tải trọng TK cầu giao thông trên cống

 

H30 - XB80

  1.  

Chiều rộng cầu giao thông trên cống

m

8.0

II. TÌNH HÌNH MẠCH ĐÙN, SỦI TẠI CỐNG CẨM ĐÌNH

1. Mạch đùn, sủi phía thượng lưu cống Cẩm Đình:

- Ngày 25/7/2016, Ban QLCT phân lũ sông Đáy kiểm tra phát hiện thấy hiện tượng mạch đùn, sủi tại mang cống phía thượng lưu cống Cẩm Đình.

Qua kiểm tra xác định vị trí mạch đùn, sủi nằm bên phải mang cống Cẩm Đình (theo chiều từ cống Cẩm Đình ra sông Hồng), là điểm tiếp giáp giữa chân mái kè thượng lưu và phần bê tông đáy kênh thượng lưu cống; tại thời điểm kiểm tra (16 giờ ngày 25/7/2016) chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu cống Cẩm Đình là 0,85m (mực nước thượng lưu ở cao trình +4,05m, hạ lưu ở cao trình +4,90m) xuất hiện dòng nước đục đẩy ngược bên phải mang cống.

Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã có Báo cáo số 189/BC-PL ngày 29/7/2016 về Hiện tượng mạch sủi thượng lưu cống Cẩm Đình và đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội xem xét và chỉ đạo để đảm bảo an toàn công trình đầu mối cống Cẩm Đình.

- Ngày 11/8/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra cống Cẩm Đình. Tại thời điểm kiểm tra, chênh lệch mực nước thượng lưu và hạ lưu cống là 1,25m (mực nước thượng lưu ở cao trình +6,90m, hạ lưu ở cao trình +5,65m), qua kiểm tra không thấy hiện tượng mạch đùn, sủi xuất hiện cả hai phía thượng lưu và hạ lưu cống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản số 1979/SNN-ĐĐ ngày 16/8/2016 báo cáo Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và chỉ đạo Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy thường xuyên kiểm tra, theo dõi, ghi chép, báo cáo kịp thời khi hiện tượng mạch sủi xuất hiện.

- Qua công tác kiểm tra, theo dõi mạch đùn, sủi Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy thấy mạch đùn, sủi phía thượng lưu cống Cẩm Đình xuất hiện trong mùa kiệt, có thể quan sát bằng mắt thường (khi mực nước hạ lưu cao hơn mực nước thượng lưu và mực nước thượng lưu <4,2m). Tuy nhiên không xác định được vị trí đầu vào của mạch đùn, sủi trên (phía hạ lưu cống Cẩm Đình).

2. Mạch đùn, sủi hạ lưu cống Cẩm Đình:

Trong mùa mưa lũ năm 2017, thực hiện nhiệm vụ đưa nước thường xuyên từ sông Hồng vào sông Đáy, Ban QLCT phân lũ sông Đáy liên tục duy trì mở cống Cẩm Đình để lấy nước vào sông Đáy khi có chênh lệch mực nước thượng-hạ lưu cống Cẩm Đình, do đó kênh dẫn Cẩm Đình – Hiệp Thuận luôn xuất hiện dòng chảy nên không phát hiện thấy hiện thấy hiện tượng mạch đùn, sủi ở phía hạ lưu cống Cẩm Đình.

- Ngày 28/8/2017, khi cống Cẩm Đình đang được đóng và chênh lệch mực nước thượng-hạ lưu cống là 5,75m, Ban QLCT phân lũ sông Đáy đã phát hiện thấy hiện tượng mạch đùn, sủi trên kênh Cẩm Đình – Hiệp Thuận (phía hạ lưu cống Cẩm Đình). Tại thời điểm phát hiện mạch đùn, sủi thì màu nước (độ đục) phía thượng lưu và hạ lưu cống Cẩm Đình là tương đương nhau.

Qua kiểm tra xác định vị trí mạch đùn, sủi nằm ở khoảng giữa kênh Cẩm Đình – Hiệp Thuận, cách tim cống Cẩm Đình khoảng 122m về phía hạ lưu; tại thời điểm kiểm tra (8h ngày 28/8/2017) chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu cống Cẩm Đình là 5,75m (mực nước thượng lưu ở cao trình +10,85m, hạ lưu ở cao trình +5,10m, cột nước trong kênh hạ lưu là 2,1m).

Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã hợp đồng với thợ lặn địa phương để kiểm tra xác định kích thước cho thấy: mạch đùn, sủi lớn, nước đẩy mạnh; Kích thước dạng hàm ếch dài (40 x 8) cm, vị trí xuất hiện nằm ở đoạn đáy kênh bê tông tiếp giáp với đáy kênh lát đá; Xung quanh mạch đùn, sủi có phát hiện thấy bùn cát.

Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã có văn bản số 191/CV-PL ngày 28/8/2017 về Hiện tượng mạch sủi phía hạ lưu cống Cẩm Đình và đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý hiện tượng mạch đùn, sủi trên để đảm bảo an toàn công trình cống Cẩm Đình.

- Ngày 08/9/2017, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tổ chức Đoàn kiểm tra và kiểm tra trực tiếp tại khu vực công trình cống Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Qua kiểm tra đoàn đã phát hiện thấy hiện tượng mạch đùn, sủi trên kênh Cẩm Đình – Hiệp Thuận (phía hạ lưu cống Cẩm Đình) tại 3 vị trí và mang theo nước đục. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện các vị trí mạch đùn, sủi thì nước ở thượng lưu cống Cẩm Đình rất đục (nước mang nhiều phù sa) và nước ở hạ lưu cống Cẩm Đình thì trong.

Qua kiểm tra xác định 3 vị trí mạch đùn, sủi nằm ở khoảng giữa kênh Cẩm Đình – Hiệp Thuận: Mạch đùn, sủi số 1 cách tim cống Cẩm Đình khoảng 122m; Mạch đùn, sủi số 2 cách tim cống Cẩm Đình khoảng 89m; Mạch đùn, sủi số 3 cách tim cống Cẩm Đình khoảng 42m tại thời điểm kiểm tra (10h ngày 08/9/2017) chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu cống Cẩm Đình là 3,54m (mực nước thượng lưu ở cao trình +8,54m, hạ lưu ở cao trình +5,00m, cột nước kênh hạ lưu là 2m).

Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy đã cử cán bộ lặn xuống để kiểm tra xác định kích thước cho thấy: Mạch đùn, sủi số 1 lớn, nước đẩy mạnh; kích thước dạng hàm ếch dài (40 x 8) cm (nằm ở đoạn đáy kênh bê tông tiếp giáp với đáy kênh xếp đá khan); xung quanh mạch đùn, sủi có phát hiện thấy bùn cát; Mạch đùn, sủi số 2 nhỏ, nước đục đẩy yếu hơn; xuất hiện ở khe thi công bản đáy kênh bê tông hạ lưu cống; Mạch đùn, sủi số 3 chỉ phát hiện thấy dòng nước đục hơn so với nước trong kênh hạ lưu.

Đoàn kiểm tra tạm thời xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng mạch đùn sủi trên có thể là đường viền thấm qua công trình cống Cẩm Đình (qua mang cống hoặc đáy công trình) khi có chênh lệch mực nước thượng-hạ lưu cống. Tuy nhiên cũng không xác định được vị trí đầu vào của mạch đùn, sủi trên.

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã báo cáo UBND, Ban chỉ huy PCTT thành phố Hà Nội; Tổng Cục Thủy lợi, Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & PTNT) về hiện tượng mạch đùn sủi trên và đề xuất các biện pháp xử lý (Văn bản số 2160/SNN-KHTC ngày 08/9/2017) đồng thời mời Viện Kỹ thuật công trình-Trường Đại học Thủy lợi làm đơn vị tư vấn để khảo sát, đề xuất phương án triển khai xử lý sự cố giờ đầu (xử lý khẩn cấp trước mắt); khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý triệt để để đảm bảo an toàn cống Cẩm Đình và đê Vân Cốc.

III. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI XỬ LÝ SỰ CỐ MẠCH ĐÙN, SỦI HẠ LƯU CỐNG CẨM ĐÌNH

Ngày 14/9/2017, Ban QLCT phân lũ sông Đáy phối hợp với đơn vị tư vấn (Viện Kỹ thuật công trình-Trường Đại học Thủy lợi) hợp đồng với thợ lặn chuyên nghiệp để xác định rõ vị trí, kích thước các lỗ sủi và khảo sát, đánh giá sự hoạt động của hệ thống ống lọc ngược tại hạ lưu cống Cẩm Đình.

Chiều ngày 14/9/2017, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì buổi kiểm tra hiện trường, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc xử lý sự cố mạch sủi cống Cẩm Đình. Tham dự buổi kiểm tra có Lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và các đơn vị thuộc Sở (chi cục Đê điều & PCLB, chi cục Thủy lợi, Ban QLCT phân lũ sông Đáy…); lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Cẩm Đình và các phòng, ban, đơn vị liên quan. Tại thời điểm kiểm tra (15 giờ ngày 14/9/2017) chỉ phát hiện và xác định rõ vị trí mạch sủi số 1 có nước đục đẩy rất mạnh đùn ngược lên trên mặt kênh (cách tim cống Cẩm Đình khoảng 122m); các vị trí mạch sủi số 2 và số 3 không quan sát thấy. Tại thời điểm kiểm tra mực nước thượng lưu cống Cẩm Đình ở cao trình +10,35m; hạ lưu ở cao trình +5,4 m, chênh lệch mực nước thượng-hạ lưu là 4,95m và độ đục của nước là tương đương nhau.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến đề xuất biện pháp xử lý của đơn vị tư vấn cùng với những ý kiến tham gia của các thành viên, đồng chí Nguyễn Văn Sửu- Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất phương án xử lý và giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo thực hiện, cụ thể như sau:

1. Phương án xử lý giờ đầu:

- Tại đáy kênh vị trí mạch đùn, sủi số 1 thực hiện trải tấm vải lọc 3 lớp với kích thước (4x5)m bao trùm lên mạch đùn, sủi; sử dụng các rọ đá (1x2x1m) đặt lên trên vải lọc để tạo thành tầng lọc ngược giữ cho bùn cát không bị đẩy lên theo dòng nước (khối lượng đá dự kiến 20 m3).

- Dự phòng đá hộc tại chỗ (khoảng 50 m3) và các vật tư phòng chống lụt bão (rọ thép, vải lọc, bao tải…) để tiếp tục xử lý các mạch đùn, sủi phát sinh (sau khi đã xử lý vị trí mạch đùn sủi số 1) với phương án xử lý tương tự.

- Vật tư đảm bảo xử lý sự cố (đá hộc, rọ thép, vải lọc, bao tải…) trước mắt lấy tại kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão do Ban QLCT phân lũ sông Đáy quản lý.

- Thực hiện thi công ngay từ 16 giờ ngày 14/9/2017 và cố gắng hoàn thành vào chiều ngày 15/9/2017.

2. Phân công nhiệm vụ:

- Giao Ban QLCT phân lũ sông Đáy chỉ huy kỹ thuật thi công, phối hợp cùng đơn vị tư vấn thực hiện các biện pháp kỹ thuật, giải pháp thi công để triển khai xử lý sự cố, đồng thời huy động lực lượng tham gia xử lý sự cố.

- Giao UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Cẩm Đình giải phóng mặt bằng phục vụ đường thi công; huy động phương tiện, máy móc, lực lượng xung kích địa phương phục vụ thi công (ô tô, máy xúc… để vận chuyển đá từ bãi đá dự trữ khu vực cống Vân Cốc đến khu vực thi công). Đồng thời giao lực lượng an ninh địa phương, công an huyện Phúc Thọ đảm bảo an ninh trật tự phục vụ thi công xử lý sự cố công trình.

3. Tình hình triển khai thực hiện xử lý sự cố:

- 17 giờ ngày 14/9/2017, UBND xã Cẩm Đình đã huy động lực lượng xung kích địa phương (27 người, không kể lãnh đạo) tập kết tại công trình để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đá từ bờ tả kênh (cao trình +11m) xuống vị trí cơ kênh (cao trình +7m); huy động 2 xe ô tô tải, 1 máy xúc để vận chuyển đá từ bãi đá dự trữ khu vực cống Vân Cốc đến vị trí bờ tả kênh Cẩm Đình-Hiệp Thuận (khoảng 500m). Do bãi đá được dự trữ từ lâu (từ khoảng những năm 80 của Thế kỷ XX) nên có lẫn nhiều đất phong hóa, rễ cây dại… để đảm bảo khối lượng đá dự kiến, Ban đã thống nhất vận chuyển 20 xe ô tô (khoảng 70 m3) tập kết tại vị trí thi công trên bờ kênh; đồng thời UBND xã Cẩm Đình tiếp tục huy động thêm 2 máy xúc (loại gàu xúc 0,2m3) để vận chuyển đá từ bờ kênh tập kết trên vị trí cơ kênh (tổng cộng UBND xã Cẩm Đình đã huy động 2 xe ô tô, 3 máy xúc). Đến 22 giờ cùng ngày, toàn bộ khối lượng đá hộc đã được đưa đến vị trí tập kết trên cơ kênh.

- Ban QLCT phân lũ sông Đáy đã xuất kho và vận chuyển 2000 m2 vải lọc, 200 rọ thép, 2000 bao tải từ kho Đập Đáy tập kết tại cống Cẩm Đình, cùng với bãi đá dự trữ tại khu vực cống Vân Cốc (khoảng hơn 400 m3) sẵn sàng phục vụ thi công xử lý sự cố. Tổ chức lắp đặt xuồng máy, chuẩn bị vật tư, thiết bị, dụng cụ thi công và gia công cầu công tác, phao thi công, cọc sắt… để phục vụ thi công.

Phối hợp với đơn vị tư vấn thống nhất biện pháp thi công xử lý cụ thể như sau:

+ Gia công 2 phao thi công để thực hiện thả rọ đá tại vị trí mạch sủi bằng phương pháp đánh chìm rọ;

+ Lặn để trải tấm vải lọc (3 lớp) trên đáy kênh tại vị trí mạch sủi; cố định bằng đá rối và bao tải cát; đánh dấu các vị trí giới hạn của tấm vải lọc bằng 4 phao nổi;

+ Lắp ghép 2 phao bằng hệ thống xà gồ, ván gỗ; đặt rọ thép trên phao thi công rồi xếp đá đảm bảo kích cỡ rọ; dùng nhân lực kéo và điều chỉnh phao vào vị trí đã định vị sau đó đánh chìm rọ.

+ Huy động lực lượng cán bộ viên chức, người lao động trong cơ quan tham gia thực hiện xử lý với số lượng 60 người.

4. Tiến độ triển khai thực hiện:

- Sau khi thả được 1 đến 2 rọ đá tại vị trí mạch sủi số 1, Ban QLCT phân lũ sông Đáy phát hiện tại vị trí mạch sủi số 2 có dòng nước đục đùn ngược đẩy mạnh lên trên mặt kênh và phát hiện thêm 1 mạch sủi mới có vị trí cách vị trí mạch sủi số 1 về phía hạ lưu, chếch về phía bờ hữu kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận khoảng 10m. Qua lặn kiểm tra xác định kích thước lỗ sủi tại vị trí mạch sủi số 2 và mạch sủi mới phát sinh nhỏ, kích thước khoảng 4x5 cm. Đồng thời phát hiện tại vị trí ống lọc trên mái hạ lưu bờ tả kênh, cách chân tường cánh hạ lưu cống khoảng 12,50m nước đục đùn ra rất mạnh, kiểm tra thấy tại vị trí miệng ống lọc đùn ra nhiều cát.

- Ban QLCT phân lũ sông Đáy thống nhất với đơn vị tư vấn và UBND xã Cẩm Đình thực hiện tiếp tục xử lý các mạch sủi với biện pháp như sau:

+ Tại mạch sủi số 2 và mạch sủi mới phát sinh: trải 3 lớp vải lọc có kích thước 4x4m xuống đáy kênh trùm lên lỗ sủi; dùng bao tải cát và đá rối cố định; đánh dấu giới hạn bằng các phao nổi sau đó đặt 2 rọ đá lên trên làm tầng lọc ngược;

+ Tại vị trí ống lọc đùn ra nước đục: Trải 3 lớp vải lọc có kích thước 2x2m trên mái kênh trùm lên miệng ống lọc ghép 1 phần xuống đáy kênh; dùng bao tải cát cố định sau đó đặt 1 rọ đá lên trên.

- Đến 16 giờ 30 phút ngày 15/9/2017, toàn bộ các vị trí đùn, sủi phía hạ lưu cống Cẩm Đình đã được xử lý xong, cụ thể:

+ Tại vị trí mạch sủi số 1: Rải 3 lớp vải lọc kích thước 4x5m xuống đáy kênh trùm lên lỗ sủi, Đặt 8 rọ đá kích thước (1x2x1)m;

+ Tại vị trí mạch sủi số 2: Rải 3 lớp vải lọc kích thước 4x4m xuống đáy kênh trùm lên lỗ sủi,Đặt 2 rọ đá kích thước (1x2x1)m;

+ Tại vị trí mạch sủi mới phát sinh: Rải 3 lớp vải lọc kích thước 4x4m xuống đáy kênh trùm lên lỗ sủi, Đặt 2 rọ đá kích thước (1x2x1)m;

+ Tại vị trí ống lọc trên mái kênh hạ lưu: Rải 3 lớp vải lọc kích thước 2x2m trên mái kênh trùm lên miệng ống lọc, Đặt 1 rọ đá kích thước (1x2x1)m;

Tổng cộng số rọ đá đã được sử dụng là 13 rọ (khoảng 26 m3); sử dụng 180 m2 vải lọc; 40 bao tải cát.

- Tổng số nhân lực sử dụng (bao gồm cả lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ): 90 người (xã Cẩm Đình 30 người, Ban QLCT phân lũ sông Đáy 60 người).

- Trong quá trình triển khai thực hiện xử lý sự cố, lực lượng an ninh địa phương và công an huyện luôn có mặt để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực thi công. Bộ Tư lệnh thủ đô, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ đến nắm tình hình (trong tối ngày 14/9 và sáng ngày 15/9); Đài Truyền thanh huyện Phúc Thọ đến ghi hình và đưa tin (sáng ngày 15/9); Chi cục Đê điều & PCLB (Hạt Quản lý đê Phúc Thọ-Sơn Tây) cử cán bộ tham gia giám sát. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra tiến độ; đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ trực tiếp có mặt từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút ngày 15/9/2017 để chỉ huy và đôn đốc xử lý sự cố.

- Sau khi xử lý xong các vị trí đùn, sủi trên, qua quan sát không phát hiện thấy hiện tượng nước đùn đẩy ngược trên mặt kênh hạ lưu cống Cẩm Đình.

5. Một số đề xuất kiến nghị:

Thực hiện Quy trình vận hành Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy ban hành kèm theo Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 04/5/2016 của UBND Thành phố Hà Nội và để giảm áp lực chênh lệch mực nước thượng-hạ lưu cống Cẩm Đình, Ban QLCT phân lũ sông Đáy Hà Nội tiếp tục thực hiện phương án đưa nước từ sông Hồng vào sông Đáy trong mùa lũ 2017 và thường xuyên duy trì mực nước trên kênh dẫn Cẩm Đình-Hiệp Thuận với cao trình tại hạ lưu cống Cẩm Đình <+8m.

Đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội:

1. Tiếp tục Báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để có phương án dự phòng và ứng phó khi sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ năm 2017.

2. Giao Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo phương án xử lý cấp bách sự cố mạch đùn, sủi tại cống Cẩm Đình, đồng thời đề xuất UBND thành phố Hà Nội bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

3. Chỉ định đơn vị tư vấn (Viện Kỹ thuật công trình-Trường Đại học Thủy lợi) phối hợp với Ban QLCT phân lũ sông Đáy khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý triệt để sự cố mạch đùn, sủi để đảm bảo an toàn cho công trình cống Cẩm Đình và đê Vân Cốc.

Đỗ Hữu Thắng, Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8575
Tổng lượng truy cập: 22149013