Phòng chống thiên tai: Sự vào cuộc tích cực từ cơ sở
Trong năm 2016, mặc dù tình hình thời tiết, thiên tai có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, do công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã được thực hiện quyết liệt, khẩn trương và sát thực tế, sát từng địa bàn, khu dân cư... nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

 

\"\"Đoàn Kiểm tra của thành phố kiểm tra thực trạng đê kè tại huyện Quốc Oai

 

Năm 2016, thành phố đã tích cực chỉ đạo các đơn vị, kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ chứa, công trình thuỷ lợi, xác định các trọng điểm, các điểm xung yếu, kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho và trên các tuyến đê thuộc thành phố quản lý; Lập phương án phòng chống, bão úng trong mùa mưa bão năm 2016. Riêng năm 2016 thành phố đã tổ chức 30 đoàn kiểm tra công tác PCTT tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và một số công trình trọng điểm như: cống Liên Mạc, kè Xuân Canh, kè Thanh Am, cống Yên Sở.
 
Năm qua, đã có 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó, hai cơn bão số 1 và số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, gây thiệt hại khá nặng nề. Bão số 1 gây gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, kèm theo mưa lớn khiến trên 1.000 cột điện, 3.000 cây xanh bị gãy đổ; gần 4.000 công trình dân sinh bị hư hỏng…Những sự cố về đê điều và công trình thuỷ lợi được UBND thành phố, Ban Chi huy PCTT thành phố chỉ đạo xử lý kịp thời, lập các dự án xử lý cấp bách có hiệu quả với các sự cố nguy hiểm. Đặc biệt ở các quận, huyện, thị xã đã theo dõi thường xuyên, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
 
Tại huyện Mỹ Đức, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết năm 2016, Ban chỉ huy PCTT của huyện đã chủ động xây dựng phương án phòng chống với phương châm 4 tại chỗ, 2 kết hợp, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến các cơn bão và ban hành các công điện khẩn tới các cơ quan, đơn vị để chủ động PCTT, đảm bảo ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Công tác kiểm tra công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trước, trong và sau mùa bão được các cấp chính quyền, đơn vị quản lý thực hiện đầy đủ và kịp thời.
 
Ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến (huyện Mỹ Đức) cho biết, là xã có nhiều tuyến đê bao chặn lũ rừng ngang của sông Mỹ Hà và Thanh Hà, trong năm qua, xã đã tích cực phối hợp với Công ty thuỷ lợi Mỹ Đức và hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra các vụ việc vi phạm, lập biên bản xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên địa bàn. Như dọc bờ sông Thanh Hà nhiều hộ dân lấn chiếm xây dựng bờ kè ra lòng sông, từ 2016 đến nay, xã đã lập biên bản và xử lý 4 trường hợp để trả lại hành lang cho công trình thuỷ lợi, đê kè. Ngoài ra, xã cũng xử lý việc đổ phế thải lấn ra sông Mỹ Hà, để không làm cản dòng chảy thoát lũ.
 
Giống như một số địa phương khác, năm 2016, huyện Quốc Oai bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Ông Đỗ Lai Luật, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, trong năm qua, để ứng phó với thiên tai, huyện đã tổ chức huy động hơn 900 lượt cán bộ, chiến sỹ và hơn 20 phương tiện ô tô của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cùng với 82 cán bộ cảnh sát PCCC, 14 lượt xe chuyên dụng, lực lượng công an và hơn 2.000 tình nguyện viên của xã, địa phương tham gia khắc phục sự cố thiên tai, cháy, nổ trên địa bàn.
 
Các lực lượng đã phối hợp kịp thời khắc phục được 1.800m đê quai với 1.450m3 đất cát và gặt giúp nhân dân được 80ha lúa, chuyên chở được 4.867 lượt nhân dân đi lại trong quá trình bị mưa, lũ cô lập. Đặc biệt, trước và sau thiên tai các cơ quan, đơn vị ở địa phương đã quản lý chặt chẽ phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn, sử dụng đúng mục đích. Tổ chức khai thác tối đa vật chất và đầu tư ngân sách mua sắm trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Có thể nói nhờ làm tốt công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nên huyện đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

Năm 2017, theo phân công của Ban chỉ huy PCTT thành phố, các địa phương cần chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức thực hiện công tác PCTT trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, các phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, chi tiết, phù hợp với tình hình, đặc điểm từng địa phương trong phạm vi quản lý. Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo về lực lượng, vật tư cả về chủng loại, số lượng, chất lượng, có địa chỉ cụ thể, phương án điều động… để thực hiện các phương án PCTT, cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân.
 
Trước mắt, các quận, huyện, thị xã cần tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác và xung kích tập trung, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra thường xuyên đê điều, hồ đập, các công trình thuỷ lợi để phát hiện, xử lý kịp thời mọi sự cố bất lợi xảy ra trên địa bàn quản lý ngay từ khi mới phát sinh.
 
Tuy nhiên, để tránh tư tưởng chủ quan trong PCTT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các đơn vị tập trung triển khai việc rà soát phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai. Trong đó, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành xử lý sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu. Khẩn trương rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn thành phố, xây dựng phương án sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm đê điều, tránh hô hào hình thức. Rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đê điều thủy lợi chống úng ngập khi mưa lớn… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, khi thiên tai xảy ra khó có thể tránh được thiệt hại. Tuy nhiên, các đơn vị cần tập trung vào cuộc nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

 

Đoàn Nguyên
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7066
Tổng lượng truy cập: 22149013