Thay da đổi thịt nhờ Chương trình OCOP
Xuân mới đã về! Xuân này, người dân khu vực ngoại thành Hà Nội vui càng thêm vui khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang đến sức sống mới, giúp nhiều làng quê thay da đổi thịt. Đây là niềm vui lớn trước thềm Xuân Tân Sửu 2021.


 



Đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP

 

Bộ mặt nông thôn sang trang mới

 

Tết Nguyên đán năm nay, ở khắp các địa bàn dân cư nông thôn của huyện Đông Anh, cuộc sống có sự đổi thay vượt bậc so với những năm trước đây. Niềm vui như được nhân lên trong từng gia đình khi họ chứng kiến quê hương đã được công nhận là huyện nông thôn mới và đang trên đà phấn đấu lên quận. Đặc biệt, Đông Anh là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP và thu được nhiều kết quả để giàu hơn, đẹp hơn. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay, 2 năm qua, huyện có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, thì có tới 106 sản phẩm được công nhận (72 sản phẩm 3 sao, 33 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao). Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, đã có hoặc đang được xây dựng và phát triển thương hiệu. “Thành quả này cũng chính là công sức của từng người dân chung tay góp sức xây dựng nên. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Xuân Linh chia sẻ.

 

Không riêng Đông Anh, Xuân Tân Sửu, bộ mặt nông thôn nhiều làng quê của Hà Nội cũng sang trang mới nhờ thực hiện rất hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao thu nhập cho nông dân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho hay, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có lợi thế, như: Nem, đậu, rượu nếp, rau an toàn, nấm..., nhờ sự hỗ trợ tích cực, đến hết năm 2020, huyện có 56 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (35 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao). Tự hào với sản phẩm OCOP của địa phương, ông Nguyễn Viết Đạt cho biết: Các sản phẩm đánh giá, phân hạng đều là thế mạnh của Đan Phượng đáp ứng đủ tiêu chí sản phẩm OCOP. Đơn cử như, sản phẩm “Bưởi tôm vàng Đan Phượng” của xã Thượng Mỗ có truyền thống trồng từ lâu. Hiện, xã này có 121ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”.

 

Là người dành rất nhiều tâm huyết cho Chương trình OCOP của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó, có 309 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Ngoài ra, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng nông sản, đặc sản với trên 5.000 sản phẩm được gắn mã truy xuất nguồn gốc. Đối chiếu với 6 nhóm sản phẩm Chương trình OCOP, Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng, quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt so với kế hoạch thành phố giao (năm 2019 là 301 sản phẩm, năm 2020 là 753 sản phẩm), trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh...

 

Đời sống nông dân đổi thay từng ngày

 

Trong tiết trời ấm áp của những ngày cuối năm, chúng tôi về thị xã Sơn Tây để tận mắt chứng kiến sự thay đổi rõ nét của một vùng quê Xứ Đoài. Đối với người dân nơi đây, Tết Nguyên đán năm nay có phần sung túc hơn, bởi trung tuần tháng 11/2020, thị xã đón nhận danh hiệu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, không chỉ làm cho kinh tế của các hộ gia đình ngày một phát triển ổn định mà còn làm cho bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai vui mừng thông tin, trong xây dựng nông thôn mới, Sơn Tây gắn với triển khai thực hiện Chương trình OCOP, từ đó, kinh phí hỗ trợ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cũng được quan tâm nhiều hơn. Đến nay, Sơn Tây có 34 sản phẩm OCOP (29 sản phẩm 3 sao, 5 sản phẩm 4 sao).

 

“Sơn Tây sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất để Chương trình OCOP phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng”, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai nói.

 

Những ngày đầu Xuân này, làng trên xóm dưới ở huyện Phúc Thọ không khí chộn rộn, cuộc sống no ấm hiện rõ trong từng mái nhà nơi đây. Những con đường giao thông tỏa dài từ trung tâm xã đến các thôn xóm và từng khu dân cư đã được bê tông hóa sạch đẹp. Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng, đây là sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị đã thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình OCOP. Đến nay, Phúc Thọ có 25 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 3 sao, 18 sản phẩm 4 sao), trong giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu có thêm 80 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định Chương trình OCOP đã giúp các địa phương khai thác thế mạnh đặc sản nông nghiệp, làng nghề... nhằm mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho nông dân. Từ những kết quả đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai chương trình này thông qua thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện. Hà Nội phấn đấu, giai đoạn 2021-2025, phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất 400 sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc trưng vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Từ đó, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Thêm một mùa Xuân mới lại về, mang theo niềm vui và thêm niềm hy vọng lạc quan cho những người dân Hà Nội, đánh dấu một bước ngoặt cho sự phát triển, sự chuyển mình của các vùng nông thôn. Niềm vui, niềm phấn khởi này sẽ tiếp tục tạo thêm động lực để người dân hăng say lao động sản xuất, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình OCOP, đưa cuộc sống ngày một no ấm và hạnh phúc hơn.

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3591
Tổng lượng truy cập: 22087799