Hà Nội tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ, toàn diện
Chiều 6-8, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" đã làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn.

 

               Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ NN&PTNT với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy.
 

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội.

Cuộc họp nhằm bàn định hướng, mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu giai đoạn 2021-2025; giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa và định hướng triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.

Theo Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù năm 2020, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3ha; cấp 617.964/622.861 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa (đạt 99,21%). Hà Nội đã có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Về xây dựng huyện nông thôn mới, thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có thị xã Sơn Tây và 6 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Về xây dựng xã nông thôn mới, Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6-2020 là 56.512,8 tỷ đồng.

Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Tham luận tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa, huyện gặp một số khó khăn, đó là: Làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng cổ trong đô thị hóa; làm gì để giữ nét văn hóa của vùng đất Kinh Bắc, xứ Đoài...

Tương tự, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: "Gia Lâm có một phần diện tích quy hoạch trong đô thị, một phần quy hoạch ngoài đô thị. Vùng ngoài quy hoạch đô thị xây dựng nông thôn mới, nhưng tương lai trở thành quận như thế nào rất cần thành phố và Trung ương có hướng dẫn cụ thể".

Đối với Chương trình OCOP, Gia Lâm mong muốn được hỗ trợ xây dựng và chứng nhận sản phẩm OCOP du lịch 5 sao Bát Tràng; đồng thời, đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP sau khi được công nhận.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định: "Hà Nội có 5 huyện chuẩn bị lên quận, rất cần hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới tiệm cận với các tiêu chí đô thị tương lai. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong Bộ NN&PTNT hỗ trợ sàn giao dịch nông sản, trung tâm thiết kế, quảng bá sản phẩm OCOP... mang tầm quốc gia".

                                         
                                               Thứ trưởng bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc.          

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp những vướng mắc... Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các xã, huyện xây dựng nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Về hướng phấn đấu của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội nên cân nhắc lại các chỉ tiêu đặt ra, vì Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi Trung ương đặt mục tiêu 40%. Do đó, Hà Nội cần phấn đấu đạt cao hơn. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng mô hình làng thông minh trong nông thôn mới, Hà Nội có thể tham khảo để đưa vào mô hình quản trị nông thôn tại 2 xã triển khai mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô.

Ngoài ra, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cần chú ý đến môi trường, nhất là việc xử lý rác tại nguồn; quan tâm đến an ninh trật tự ở các xã ven đô. Đặc biệt, thu nhập của nông thôn và thành thị còn chênh lệch, do đó cần phát triển các mô hình kinh tế ở nông thôn để tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Đối với Chương trình OCOP, quan trọng nhất là bảo đảm được chất lượng để sản phẩm "đứng" được trên thị trường.

Nhất trí với Hà Nội về việc xây dựng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ bàn sâu về cơ chế với thành phố trong thời gian tới.

                                                   

                                                        Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng: "Mặc dù là Thủ đô nhưng khu vực nông thôn của Hà Nội rất lớn. Nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới với số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 355 xã".

Hiện nay, Hà Nội đang chủ động xây dựng chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Theo gợi ý của Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Qua thực tế triển khai, Hà Nội cũng đề nghị Trung ương có định hướng cho thành phố trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Mục tiêu của thành phố sẽ có 5 huyện phát triển thành đô thị trong nhiệm kỳ 2020-2025. Với các huyện này, thành phố yêu cầu nền tảng phải là huyện nông thôn mới, đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Thành phố kiến nghị Trung ương sớm thẩm định các huyện nông thôn mới năm 2020 của Hà Nội trình Trung ương nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố sắp diễn ra; đồng thời, mong muốn Bộ NN&PTNT hỗ trợ mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội để nhân rộng ra các địa phương khác...

 
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8552
Tổng lượng truy cập: 22087799