Giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Sáng 7-5, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến hết tháng 4-2020; đồng thời, bàn phương hướng thực hiện nhiệm vụ đến cuối năm 2020.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Mở đầu hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng gợi ý để các đại biểu thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong các tháng còn lại của năm nay như: Giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp; để thành phố có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao? Giải pháp để Chương trình OCOP có thêm 700 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng?…

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, do ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong quý I-2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ, trong đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông cũng bị giảm…

Về xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có thêm 2 xã của huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đủ điều kiện hoàn thành xã nông thôn mới. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Như vậy, đến nay, thành phố có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận, trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Về đời sống nông dân, công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 88,3%...

Thực hiện Chương trình OCOP, đến hết năm 2019, thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh. Đối với nông nghiệp, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội tập trung tái đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn. Tuy vậy, các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phòng, chống lụt bão...

Phấn đấu 100% số xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2021

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Mặc dù quý I-2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn song đáng mừng là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng.

Về nông thôn mới, dù còn khó khăn song thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Ước tính, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình nông thôn mới từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4-2020 là 56.096,5 tỷ đồng (tăng 11.379,5 tỷ đồng so với cuối năm 2019).

Bên cạnh kết quả đã đạt được, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số hạn chế trong xây dựng nông thôn mới như: Tiến độ điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc... còn khó khăn; ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: “Các huyện, thị xã phải coi xây dựng nông thôn mới là phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành, lập thành tích chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp. Các huyện, thị xã đã tích cực với chương trình nông thôn mới cần tích cực hơn, phải quyết tâm cao và vào cuộc quyết liệt”.

Đối với phát triển nông nghiệp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở NN&PTNT triển khai ngay gói hỗ trợ 700 tỷ đồng “kích cầu” nông nghiệp; triển khai phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt của thành phố; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường, tạo cơ hội mới cho kinh tế nông nghiệp. Các huyện, thị xã dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; có giải pháp căn cơ, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để bảo đảm tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 4,12% năm 2020...

Về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình này. Thành phố tập trung phấn đấu để 100% số xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2021, trong đó, năm 2020 phải đạt 20 xã.

Đối với các huyện đăng ký hoàn thành nông thôn mới cần phấn đấu đến ngày 30-6-2020 hoàn thành thủ tục để UBND thành phố Hà Nội trình Trung ương công nhận. Trước mắt, 6 huyện, thị xã: Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sơn Tây phải nỗ lực đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các quận tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xã, đặc biệt là 6 huyện, thị xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung vào tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo; hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động nhân dân sử dụng nước sạch đối với các vùng đã có mạng lưới nước sạch...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho nông dân; rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả để hướng dẫn các huyện, thị xã quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Nhấn mạnh phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò trách nhiệm, hỗ trợ các sản phẩm nông sản, làng nghề của địa phương xây dựng OCOP. Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 để đến cuối năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1416
Tổng lượng truy cập: 22002747