Đông Anh: Điểm sáng trong triển khai xây dựng Chương trình OCOP
Đông Anh là huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nên có lợi thế để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất, trong đó thành phố đã có Quyết định công nhận 20 sản phẩm OCOP huyện Đông Anh.

Khai thác lợi thế của địa phương

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, Đông Anh đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo tinh thần Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Các đại biểu tham dự một buổi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Đông Anh

Theo đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2/8/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có từ 30-40 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch… Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, UBND huyện Đông Anh đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, thành lập hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP gồm 7 thành viên do đồng chí Nguyễn Xuân Linh - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện làm chủ tịch hội đồng và triển khai đến các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã và các hộ kinh doanh đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 233 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP huyện Đông Anh đến năm 2020.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết: Phát huy tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề, đến nay, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch như vùng sản xuất rau hữu cơ, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam hữu cơ sinh học, vùng sản xuất lúa hàng hóa…


Trên địa bàn huyện cũng có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an toàn đạt tiểu chuẩn quy định: Tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), VietGAP… Đặc biệt, huyện đã hình thành nhiều cơ sở sơ chế, chế biến, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để gia tăng giá trị sản phẩm. Đông Anh cũng có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy như làng làm bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng, bánh chưng Liên Hà, đậu làng Chài Võng La...

Các sản phẩm làng nghề của Đông Anh sản xuất ra được kiểm tra chất lượng, được gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạc thông tin về sản phẩm và kết nối cung cầu. Đầu năm 2018, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm huyện Đông Anh chính thức đi vào hoạt động và kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố. Đến nay, trên hệ thống đã có trên 700 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, làng nghề.

Một trong số những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Đông Anh chính là đồ thủ công mỹ nghệ. Anh Đỗ Văn Cường, chủ một cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) là người có đôi tay tài hoa trong nghề đục điêu khắc. Quá trình làm nghề, anh đã sáng tạo ra hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm chạm khắc tinh xảo, đặc sắc. Nhờ nghề này, gia đình có cuộc sống ngày một sung túc. Tham gia vào chương trình OCOP của huyện, anh Cường mong muốn được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ về thị trường để phát triển hơn.

Không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm

Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội đã và đang đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, sản phẩm được đánh giá theo 3 tiêu chí: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, với sản phẩm và sức mạnh cộng đồng phải đáp ứng các yêu cầu như có kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động môi trường, có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Về khả năng tiếp thị, ngoài các kênh bán hàng truyền thống còn có các hoạt động quảng bá sản phẩm, câu chuyện sản phẩm. Về chất lượng sản phẩm, phải kiểm soát được chất lượng, có hồ sơ chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm...

Để ngày càng nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, ngay sau khi UBND thành phố ban hành Kế hoạch 3629/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020 và triển khai Chương trình đến toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến chủ thể sản xuất và người dân.

Mục tiêu của huyện Đông Anh là đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện

có từ 30-40 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng,

công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao

Ngay sau khi triển khai, các chủ thể sản xuất đã nhận thức được lợi ích của Chương trình OCOP và chủ động đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Huyện đã thành lập Hội đồng, tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm (OCOP) huyện Đông Anh đến năm 2020; Quy chế hoạt động của Hội đồng và lựa chọn 12 chủ thể với 20 sản phẩm thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thủ công, mỹ nghệ nhằm tập trung đánh giá công bằng, khách quan, chính xác theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và để thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia.

Tuy là huyện đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện nhưng Đông Anh đã được đánh giá cao trong công tác tổ chức. Thành phố đã có Quyết định công nhận 20 sản phẩm OCOP huyện Đông Anh. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao (tượng gỗ long mã, đậu phụ sạch Dafusa) 18 sản phẩm đạt 3 sao (cà chua, dưa chuột, cải bó xôi của Công ty CP Rau an toàn Hải Anh; giò lụa, xúc xích xông khói, chả quế của cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường; rượu gạo nếp Long Tửu…).

Để Chương trình OCOP ngày càng thiết thực, hiệu quả, đầu năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết định xây dựng Đề án phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Đề án OCOP giai đoạn 2020-2025).

UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án và triển khai khảo sát, đánh giá sản phẩm chủ lực, tiềm năng, các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện nhằm xây dựng cách bài bản, đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án như nâng cao chất lượng, mẫu mã, báo bì, giá trị, thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm…

Đến nay, toàn huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Từ đó UBND huyện đang cùng đơn vị tư vấn xây dựng Đề án OCOP giai đoạn 2020-2025, dự kiến trình HĐND huyện thông qua trong tháng 6/2020. Từ kết quả khảo sát phục vụ xây dựng đề án, UBND huyện cũng đã lựa chọn 40 sản phẩm để tập trung đánh giá, phân hạng năm 2020.

nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 27274
Tổng lượng truy cập: 22036027