Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội Gia Lâm về đích

Sau rất nhiều nỗ lực bền bỉ, 100% số xã của huyện Gia Lâm đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM. Qua rà soát, tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), huyện có 9/9 tiêu chí đạt theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, huyện đang hoàn tất thủ tục để được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Đổi thay toàn diện

Đến Gia Lâm thời điểm này, điều dễ dàng nhận thấy nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ với những con đường giao thông nông thôn bê tông hóa rộng rãi, thông thoáng; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, hiện đại; công sở và trạm y tế các xã được xây mới, cải tạo đáp ứng nhu cầu công việc ở từng địa phương. Không chỉ vậy, an sinh xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao… tất cả đã tạo nên diện mạo mới đầy sức sống cho Gia Lâm - huyện nằm ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội.

Đích nông thôn mới đã cận kề, những ngày này, bên cạnh sự tất bật với công việc đồng áng, người dân toàn huyện Gia Lâm không khỏi nô nức, sẵn sàng cho ngày hội lớn của nhân dân toàn huyện. Gặp Trưởng thôn Cây Đề (xã Kim Sơn) Bùi Văn Cơ tại nhà văn hóa thôn Cây Đề. Ông Cơ cùng với một số cụ cao niên trong thôn thường có mặt ở nhà văn hóa để bàn công việc của thôn hoặc ngồi nhâm nhi tách trà, hay chơi đôi ba ván cờ tướng. Phía bên trong, lũ trẻ trong làng tổ chức các chương trình sinh hoạt hè rất đa dạng khiến cho nhà văn hóa lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Ông Cơ phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có chương trình xây dựng NTM mà thôn chúng tôi có nhà văn hóa rộng rãi, tiện lợi cho việc hội họp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ai nấy đều rất phấn khởi”

 
                                                   Khu sản xuất rau công nghệ cao tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm 

Không chỉ đồng bộ về thiết chế văn hóa, đường giao thông, thủy lợi mà Gia Lâm nổi bật với hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu dạy và học của thầy và trò trên địa bàn. Tham quan Trường Mầm non Lệ Chi (xã Lệ Chi) có lẽ nhiều người sẽ phải trầm trồ về cơ sở vật chất nơi đây. Từ không gian phòng, lớp học đến khu bếp ăn, nhà hiệu bộ, khu vui chơi giải trí cho đến từng thiết bị đồ dùng, dụng cụ dạy và học đều được đầu tư hiện đại, bảo đảm cơ sở vật chất cho sự chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho trẻ. Trò chuyện với một số cô giáo trẻ mới thấy được niềm phấn khởi của họ khi được làm việc trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang, hiện đại. Họ chia sẻ rằng: Từ khi trường được đầu tư cơ sở vật chất, nhiều bậc phụ huynh tin tưởng đưa con em đến đăng ký học. Ban Giám hiệu và các thầy cô cũng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học để bảo đảm trí lực cho con em trên địa bàn.

Dọc theo những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống, trước đây, ở những bãi này vốn chỉ được trồng toàn ngô, khoai, đậu với giá trị kinh tế không cao. Thế mà giờ đây, nơi này như được khoác tấm áo mới với những vùng cây ăn quả ngút ngàn, những vùng chuyên canh rau trù phú. Xã Cổ Bi trải dài ngút ngàn bởi chuối, đu đủ, táo; xã Đông Dư, Đa Tốn chuyên canh trồng ổi và năm nào cây cũng ra quả trĩu cành như để trả ơn những người nông dân nơi đây vất vả chăm sóc; đến xã Văn Đức là xã không có đất lúa, 100% hộ dân sống khá nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu và chăn nuôi với 250ha rau hàng hóa… Gia Lâm bây giờ trù phú với các mô hình trồng trọt và chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Nói về sự đổi thay của một địa phương khi đạt chuẩn NTM, không riêng Gia Lâm có lẽ nơi nào thì sự thay đổi thấy rõ nhất là môi trường sống. Trong số 9 tiêu chí về xây dựng huyện NTM, đối với Gia Lâm khó nhất là tiêu chí môi trường do yếu tố khách quan của các con sông Giàng, Thiên Đức và Cầu Bây. Thế nhưng, với sự quan tâm của thành phố, nỗ lực vào cuộc của chính quyền huyện, xã và sự ủng hộ của người dân, đến nay, môi trường huyện Gia Lâm đã được cải thiện đáng kể. Gia Lâm đang dần trở thành miền quê đáng sống, là nơi mà những người xa xứ luôn mong muốn trở về.

Phát huy quyền làm chủ của người dân

Trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm xây dựng NTM trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ, bên cạnh nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cùng với các văn bản chỉ đạo của thành phố, phải thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất và lợi ích của chương trình xây dựng NTM. Thông qua những hiểu biết cụ thể đó, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẽ sẵn sàng tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần để góp sức thực hiện thành công chương trình NTM trên địa bàn. Thực tế, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gia Lâm là hơn 4.393 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động từ doanh nghiệp là hơn 2.987 tỷ đồng, nguồn nhân dân đóng góp là hơn 151 tỷ đồng.

Huy động nguồn lực đã khó, việc phân bổ nguồn như thế nào để hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất còn khó hơn. Trong những năm qua, Gia Lâm luôn ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất. Huyện luôn nắm rõ mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người, do đó việc cải thiện thu nhập luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới chỉ đạt 17,9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đã đạt 47,6 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những kinh nghiệm trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trong đó coi trọng quy hoạch các đường trục chính và khu trung tâm của các xã. Song song với đó, việc xây dựng các Đề án phải căn cứ theo quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển dài hạn. Cuối cùng, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phải đồng bộ và gắn với quy hoạch chung.

Điều quan trọng nhất, ông Thuần cho rằng, cho dù làm bất cứ việc gì nếu không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân thì không thể thành công được. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện phong trào xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay, huyện Gia Lâm luôn đề cao tính “dân chủ”, mỗi phong trào triển khai đều tham vấn người dân, để người dân tham gia ý kiến rồi đi đến quyết định. Vì lẽ đó, người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm hài lòng về kết quả xây dựng NTM, ngày càng yêu mến nơi họ sinh sống và chung tay vì sự phát triển bền vững.

Đăng Hải (Nguồn: Báo Đại Biểu nhân dân)

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8834
Tổng lượng truy cập: 22099279