Tăng thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại

Về thôn Bình Trù, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, hỏi về cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Mười thì ít người là không biết bởi ông là một trong những tấm gương điển hình về sự nhẫn nại và kiên trì trong phát triển kinh tế trang trại.

Sau bao năm tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1988, anh lính trẻ Nguyễn Văn Mười được xuất ngũ trở về địa phương. Không tìm việc làm tại các doanh nghiệp như bạn bè cùng trang lứa, anh trở về với công việc quen thuộc của nhà nông.

Tuy chăm chỉ và có kỹ thuật canh nông giỏi, nhưng do trước đây khi thực hiện việc giao đất theo Nghị định 64/CP thì ruộng đất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên mặc dù giỏi nghề nông nhưng gia đình ông cũng chỉ ở mức đủ ăn. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, năm 2012, CCB Nguyễn Văn Mười đã bàn với gia đình mạnh dạn nhận thầu khu đất trũng công điền của tập thể có diện tích 7200 m2 để thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Ông Mười cho biết: Mọi việc “vạn sự khởi đầu nan” nên khó có thể kể hết sự vất vả, khó nhọc của gia đình trong việc cải tạo và xây dựng mô hình trang trại trên khu đất này. Có bao vốn liếng dành dụm được, rồi tiền vay của họ hàng, người thân ông đổ hết vào mô hình này. Lúc đầu hầu như các lao động trong gia đình không có ngày nghỉ. Có những hôm 9, 10 giờ tối khi mọi nhà đã được nghỉ ngơi thì hai vợ chồng ông vẫn lọ mọ lo vật đất cặp ao, cải tạo vườn trồng cây, xây dựng chuồng trại. Nhưng rồi đất đã không phụ công người, sau 3 năm, khu đất chua trũng trước đây giờ đã từng bước hồi sinh. Với diện tích 4000 m2 ao, gia đình ông đã thả đủ các loại cá để tận dụng thức ăn ở các tầng nước, thu hoạch từ 5-7 tấn cá/năm. Trên bờ ao, ông trồng các loại cây ăn quả như: Bưởi, nhãn, mít,… Về chăn nuôi, ngay từ khi xây dựng chuồng nuôi ông đã xây bể biogas để xử lý toàn bộ chất thải trước khi đưa ra môi trường. Theo đó, ông quy hoạch 12 ô chuồng để chăn nuôi lợn. Lúc đầu do không có vốn nên mỗi lứa ông chỉ nuôi 20-30 con lợn, 30-50 con gà đẻ trứng. Vừa chăn nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn và hội nghị hướng dẫn kỹ thuật canh nông tại xã, ông còn thường xuyên gặp gỡ người sản xuất giỏi xa gần để có thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Từ đó, việc chăn nuôi của gia đình ông từng bước được mở rộng.

Năm 2014, khi UBND xã triển khai dồn điền đổi thửa, nhận thấy đây là cơ hội để thực hiện ước mơ làm kinh tế trang trại, gia đình ông Mười đã cố gắng đổi ruộng thành một thửa với diện tích 1800 m2 gần khu trang trại chăn nuôi để tiện việc làm vườn. Ông hiện là một trong những hội viên CCB đi xung phong trong việc thực hiện mô hình vườn đồng sau dồn điền đổi thửa của hội CCB Xã.

Trên khu đất quy hoạch làm vườn, gia đình ông trồng 600 gốc bưởi, nhãn và mít. Hiện tại các loại cây ăn quả trên của gia đình ông đã cho thu hoạch. Ông Mười cho biết, mặc dù có không ít kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng do dịch bệnh những năm gần đây thường diễn biến phức tạp, khó lường nên việc tiêm phòng và đảm bảo an toàn thức ăn chăn nuôi cho các loại gia súc, gia cầm và cá nuôi của gia đình được ông đặc biệt chú trọng. Cùng với việc thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi, ông thực hiện việc tạo nguồn thức ăn chăn nuôi bằng hình thức ủ men sinh học cám ngô vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa nâng cao chất lượng thịt đàn vật nuôi nên sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện tại gia đình ông đã xây nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên.

Không chỉ là hội viên CCB sản xuất giỏi, ông Mười còn thường xuyên gặp gỡ người sản xuất giỏi xa gần để có thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân và phổ biến tới các hộ có nhu cầu trong thôn và xã. Ông còn chủ động gặp gỡ các hội viên CCB của thôn, xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và khó khăn của các hội viên khác, từ đó chủ động giúp đỡ khi có nhu cầu.

Mong sao trên địa bàn xã Dương Quang ngày càng có thêm nhiều nông hộ thực hiện mô hình kinh tế chuyển đổi có hiệu quả như gia đình CCB Nguyễn Văn Mười để vừa làm giàu chính đáng vừa góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Đỗ Thế Mạnh - Trạm Khuyến nông Gia Lâm

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5845
Tổng lượng truy cập: 22212886